|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

KCN Phong Phú xuất hiện nhân tố mới

18:45 | 21/02/2024
Chia sẻ
KCN Phong Phú là tài sản liên quan đến 18 khoản nợ được Sacombank đưa ra đấu giá từ năm 2018 và có kế hoạch xử lý dứt điểm trong năm nay với mục tiêu không để mất vốn và khoản dự thu đã dự toán.

Thông tin kết quả đấu giá 18 khoản nợ liên quan đến Khu công nghiệp (KCN) Phong Phú được giới phân tích, đầu tư và cổ đông của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, Mã: STB) đặc biệt quan tâm trong nhiều năm qua.

Đây là khoản nợ phát sinh từ việc cho vay của Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) trong giai đoạn 2011 - 2012, với tài sản bảo đảm là toàn bộ lợi ích phát sinh từ quyền sử dụng đất thuộc dự án KCN Phong Phú (tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM). Khoản nợ này trở thành nợ xấu mà Sacombank phải xử lý sau khi SouthernBank sáp nhập vào ngân hàng kể từ năm 2015 và là một trong những mục tiêu quan trọng trong đề án tái cơ cấu hậu sáp nhập.

Sacombank đã tiến hành đấu giá các khoản nợ từ năm 2018 với mục tiêu không để mất vốn và khoản dự thu đã dự toán. Tổng dư nợ của 18 khoản nợ này tính đến ngày 31/12/2021 gần 16.200 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc hơn 5.130 tỷ đồng, lãi tồn đọng hơn 11.060 tỷ đồng.

Giá khởi điểm được đưa ra trong lần thông báo đấu giá gần nhất vào tháng 1/2023 là 7.934 tỷ đồng. Công ty Đấu giá Hợp danh Toàn Cầu Group, đơn vị thông báo đấu giá, cho biết các khoản nợ phát sinh tại Sacombank và được bán cho Công ty Quản lý tài sản của Các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). VAMC đã ủy quyền cho Sacombank bán các khoản nợ này theo quy định.

Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Sacombank tại kỳ họp đại hội đồng cổ đông thường niên hai năm gần nhất, ngân hàng đã tạm ngưng đấu giá sau khi nhận được văn bản của UBND TP HCM về việc rà soát, xử lý tại KCN Phong Phú.

“Khoản nợ tại KCN Phong Phú bị vướng mắc khi bán đấu giá tài sản nên UBND TP HCM đã có công văn chỉ đạo tạm ngưng. Thay vào đó, Sacombank thực hiện đấu giá khoản nợ bao gồm các nghĩa vụ tài sản và khoản nợ tồn đọng”, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank cho hay.

KCN Phong Phú nằm trên mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh, TP HCM). Dự án có quy mô 134 ha, bao gồm 67 ha đất công nghiệp và 67 ha đất dịch vụ công nghiệp (nhà ở chuyên gia, siêu thị, bệnh viện). Tại thời điểm được thông báo đấu giá lần 1 vào năm 2018, phần diện tích hơn 120 ha đất dự án đã được đền bù, phần còn lại chưa hoàn thành thanh toán đền bù và chưa hoàn thành tái định cư cho 201 hộ dân.

Gần đây nhất, thông tin về KCN Phong Phú được Chứng khoán Agribank đề cập tại báo cáo phát hành ngày 19/2 với nội dung: “STB đã xác nhận đấu giá thành công KCN Phong Phú với giá trị trên 7.900 tỷ đồng và đang chờ nhận tiền thanh toán. Điều này sẽ giúp STB gia tăng tài sản sinh lời, tạo dư địa tăng trưởng cao trong giai đoạn tới”.

Đến ngày 20/2, Chứng khoán Agribank đã đính chính thông tin trên. “Đây là thông tin chưa chính xác, chúng tôi xin cải chính là ‘STB được kỳ vọng sẽ đấu giá thành công KCN Phong Phú trong năm 2024’. Chúng tôi mong nhận được sự thông cảm từ quý nhà đầu tư và các bên có liên quan”, công ty chứng khoán cho hay.

Chúng tôi đã liên hệ với Sacombank và ngân hàng thông tin “ngân hàng chưa đưa ra phát ngôn về vấn đề này vì KCN Phong Phú đang trong quá trình xử lý”.

Nhân tố mới tại KCN Phong Phú

Trong khi việc bán đấu giá tài sản đến nay chưa có kết quả chính thức, CTCP Khu công nghiệp Phong Phú (chủ đầu tư KCN Phong Phú) đã có Tổng Giám đốc, kiêm người đại diện theo pháp luật mới từ cuối năm ngoái là ông Trần Tấn Hồng Cương, thay ông Nguyễn Ngọc Quang.

Ông Trần Tấn Hồng Cương, Phó Tổng Giám đốc Kita Group tặng 5 tỷ đồng cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Vĩnh Long. (Nguồn: nhandan.vn).

Từ giữa tháng 4/2022 cùng năm, ông Cương chính thức vào GGG với vai trò thành viên ban kiểm soát, sau đó là Thành viên HĐQT không điều hành nhiệm kỳ 2022 - 2027. Sau sự kiện trên, GGG tiến hành bổ sung ngành nghề kinh doanh xây dựng nhà ở và tham gia đầu tư, góp vốn vào dự án Khu nhà ở Hòa Lạc.

Ông Trần Tấn Hồng Cương từng xuất hiện trước truyền thông trong vai trò Phó Tổng Giám đốc Kita Group, thay mặt tập đoàn thực hiện hoạt động thiện nguyện vào năm 2022. Ông Cương cũng là một trong 6 chủ nợ (thuộc nhóm Kita) tham gia vào đợt phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ của CTCP Ô tô Giải Phóng (Mã: GGG) trong cùng năm.

Từ một doanh nghiệp kinh doanh đồ uống, đến nay Kita đã phát triển hệ sinh thái bất động sản mang thương hiệu Stella và nhiều quỹ đất có được từ việc mua lại tài sản phát mãi của Sacombank.

Cụ thể, Kita Invest (thành viên của Kita Group) công bố trúng đấu giá khu đất được Sacombank đưa ra đấu giá với mức giá khởi điểm 3.424 tỷ đồng vào cuối năm 2018 và phát triển thành dự án có tên thương mại Stella Mega City tại TP Cần Thơ.

Một dự án khác do nhóm Kita phát triển là Stella Residence (927 Trần Hưng Đạo, quận 5, TP HCM) trước đây là Cao ốc Fico Tower, từng được Sacombank rao bán 16/27 tầng vào năm 2019.

 

Trong năm 2023, Kita Group đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác cùng Công ty TNHH Tập đoàn đường sắt Trung Quốc 25 (thuộc Tập đoàn xây dựng đường sắt Trung Quốc) để cùng nghiên cứu phát triển các dự án xây dựng công trình hạ tầng đô thị tại Hà Nội với trị giá 10 tỷ USD. Trước mắt, hai bên hợp tác nghiên cứu phát triển dự án sản phẩm nhà ở tại Hà Nội với giá trị khoảng 350 triệu USD.

Ngoài ra, Kita Group còn tham gia phát triển dự khách sạn 5 sao North One Hotel & Apartments trị giá 200 triệu USD tại Darwin, Autralia, dự kiến khai trương vào năm 2025.

 

 

Nguyên Ngọc