ĐHĐCĐ Sacombank: Đấu giá dứt điểm khoản nợ tại KCN Phong Phú và trích lập hết lãi dự thu còn lại trong năm nay
Tiến sát mục tiêu đề án tái cơ cấu
Báo cáo tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 sáng ngày 22/4, HĐQT Sacombank cho biết năm qua ngân hàng gặp không ít khó khăn.
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Sacombank tăng 6% lên 521.117 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động đạt 388.216 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,47%, giảm 0,17% so với đầu năm.
Trong năm, Sacombank đạt 4.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 31,8% so với cùng kỳ và vượt 10% kế hoạch kinh doanh năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.411 tỷ đồng, tăng 27,2%.
Sau 5 năm triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, Sacombank đã đạt được một số kết quả trong năm vừa qua. Cụ thể, thu hồi, xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng trong năm trên 14.000 tỷ đồng.
Trong đó, ngân hàng đã thu hồi gần 11.760 tỷ đồng các khoản thuộc đề án, vượt mục tiêu 10.000 tỷ đồng được ĐHĐCĐ giao; qua đó nâng mức thu hồi lũy kế từ khi triển khai đề án lên hơn 58.300 tỷ đồng, tương đương 67,9% kế hoạch tổng thể của đề án đến năm 2025 và vượt 7,9% tiến độ.
Đồng thời, tài sản tồn đọng thuộc đề án giảm 57% so với cuối năm 2016, chỉ còn chiếm 8% tổng tài sản, tính đến cuối năm 2021.
Huy động và cho vay của Sacombank tăng trưởng bình quân 9% và 14,4% mỗi năm. Tổng thu nhập tăng 23% mỗi năm. Lợi nhuận lõi bình quân hàng tháng tăng từ 50 tỷ đồng vào năm 2016 lên 900-950 tỷ đồng.
Còn gần 9.000 tỷ đồng để dành chia cổ tức
Về việc chia cổ tức, từ năm 2019 đến nay, Sacombank vẫn liên tục trình phương án sử dụng lợi nhuận giữ lại và hiện đang chờ sự phê duyệt của ngân hàng nhà nước để triển khai thực hiện.
Tính đến cuối năm 2021, lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế của Sacombank gần 9.000 tỷ đồng, tương đương 50% vốn điều lệ và đây là số tiền để dành chia cổ tức cho cổ đông.
Tuy nhiên, do Sacombank đang thực hiện tái cơ cấu theo đề án được chính phủ và ngân hàng nhà nước phê duyệt. Do vậy, việc chia cổ tức phải được sự chấp thuận của ngân hàng nhà nước.
Chậm nhất đến 2023 xử lý hết vấn đề tồn đọng
- TIN LIÊN QUAN
-
Hai gương mặt mới được đề cử vào Hội đồng quản trị Sacombank 22/04/2022 - 08:08
Trong năm 2022, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.280 tỷ đồng, tăng 20% so với kết quả đạt được ở năm 2021.
Tổng tài sản dự kiến đạt 573.500 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Tổng nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng dự kiến tăng lần lượt 10% và 12%, tương ứng với 512.700 tỷ và 435.000 tỷ đồng. Mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Phía ngân hàng cho biết, giai đoạn 2022-2026 sẽ đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng thông qua việc triển khai quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ, kết hợp quản trị rủi ro.
Dự kiến chậm nhất đến năm 2023, Sacombank sẽ hoàn tất xử lý toàn bộ các vấn đề tồn đọng thuộc đề án, chính thức hoàn thành trước hạn đã được NHNN phê duyệt. Trên cơ sở đó, Sacombank sẽ thực hiện các thủ tục xin phép NHNN để thực hiện chia cổ tức cho cổ đông.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2022-2026, Sacombank sẽ phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Thảo luận:
Theo kế hoạch 2022, ngân hàng dự đầu tư tài sản cố định trên 2.000 tỷ đồng. Trong khi năm 2021 lớn hơn 700 tỷ đồng, còn những năm trước chỉ ở mức 1.000 tỷ đồng. Công tác đầu tư mua sắm tài sản cố định này có được thực hiện đúng quy định về đấu thầu công khai, minh bạch để tránh việc sân sau và có tiêu cực không?
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Tỷ lệ đầu tư tài sản cố định (TSCĐ) cũng như công tác mua sắm TSCĐ luôn luôn thực hiện đúng quy định luật đấu thầu, đảm bảo công khai và minh bạch. Trong năm 2022 chúng tôi phải đầu tư trên 2.000 tỷ đồng để tập trung vào rất nhiều dự án chuyển đổi số, thành lập trung tâm chuyển đổi số, đấu thầu hàng loạt dự án liên quan đến cơ sở dữ liệu,… Hầu như ngân hàng nào cũng dành ngân sách lớn đầu tư vào công nghệ.
Tỷ lệ đầu tư tài sản cố định cũng như công tác mua sắm luôn luôn thực hiện đúng quy định luật đấu thầu. Trong năm 2022, số tiền này sẽ được Sacombank tập trung đầu tư nhiều dự án chuyển đổi số, các dự án liên quan đến cơ sở dữ liệu.
Tiến độ xử lý khoản nợ KCN Phong Phú?
Ông Dương Công Minh: Ngân hàng đang đấu giá khoản nợ này và UBND TP HCM đã có văn bản ngừng đấu giá. Cổ đông Phong Phú trước đây mua cổ phần từ công ty nhà nước là Tân Thuận nên TP đang rà soát, giải quyết. Trong năm 2022, Sacombank sẽ đấu giá dứt điểm khoản nợ này.
Đại diện VinaCapital: Tại đại hội năm ngoái, ngân hàng có đề cập sẽ xử lý hết các mảng dự thu trong năm nay. Năm ngoái ngân hàng đã thoái lãi dự thu rất nhiều, đến cuối năm 2021 còn gần 6.000 tỷ. Vậy phần còn lại này có được xử lý hết trong năm nay hay không? Kế hoạch xử lý như thế nào? Ngân hàng sẽ thoái lãi dự thu trước hay chờ xử lý tài sản đảm bảo để tất toán?
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Về lãi dự thu, cuối năm 2021 chúng tôi còn gần 6.000 tỷ đồng. Quý vừa rồi chúng tôi đã trích lập lãi dự thu gần 2.500 tỷ, phần còn lại trích lập trước hết trong năm 2022, có thể đến quý III là hết chứ không đợi đến năm sau. Gần như các khoản lãi dự thu chúng tôi xử lý triệt để trước khi trình ngân hàng nhà nước.
Đại diện VinaCapital: Cho vay BĐS đang chiếm bao nhiêu trong tổng dư nợ cho vay của ngân hàng? Cho vay doanh nghiệp BĐS chiếm bao nhiêu?
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Tỷ lệ cho vay BĐS trên tổng dư nợ khoảng 22%. Trong đó, tỷ lệ cho vay tiêu dùng chiếm 80%, còn cho vay doanh nghiệp 20% (khoảng 3.000 tỷ đồng), Trong khi đó, tổng dư nợ của Sacombank trên 400.000 tỷ đồng nên chúng tôi tự tin Sacombank là ngân hàng kiểm soát cho vay BĐS tốt nhất thị trường.
Đại diện VinaCapital: Tổng dư nợ cho vay đối với nhóm FLC và doanh nghiệp liên quan, tức là bao gồm Bamboo Airways là bao nhiêu? Tài sản đảm bảo là cổ phiếu hay có thêm BĐS?
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Dư nợ cho vay nhóm FLC, bao gồm Bamboo Airways trên 5.000 tỷ (riêng FLC là 3.200 tỷ). Khoản vay vừa đảm bảo bằng cổ phiếu nhưng thật tế sau lưng rất nhiều dự án BĐS. Hiện ngân hàng đã xử lý và thu nợ 2.600 tỷ. Trong một tháng tới doanh nghiệp sẽ thu xếp trả phần còn lại.
Tại sao giá cổ phiếu STB trong tháng 3 giảm?
Ông Dương Công Minh: Theo thị trường, giá cổ phiếu giảm chung.
Tình hình nợ xấu và dự kiến chia cổ tức?
Ông Dương Công Minh: Cổ đông của STB biến động rất lớn. Từ 92.000 người tại thời điểm chốt danh sách mới họp, đến nay lên hơn 100.000 người, khâu quản lý cổ đông rất tốn kém. Qaun điểm của chúng tôi là cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu vẫn là cổ đông và chúng tôi vẫn gửi thư đầy đủ.
Trong năm 2022, chúng tôi sẽ đẩy nhanh xử lý các khoản nợ, sẽ cố gắng dứt điểm trong năm 2023. Từ nay đến cuối năm còn 1.400 tỷ là nợ xấu phát sinh sau sáp nhập. Sau khi giải quyết hết, Sacombank sẽ trình ngân hàng nhà nước xem xét thông qua vấn đề chia cổ tức cho cổ đông.
Ngân hàng có cho vay sân sau không?
Ông Dương Công Minh: Riêng phía Nam, chúng tôi nghiêm cấm tham gia đấu thầu đấu giá. Trong trường hợp khách hàng không mua được thì chúng tôi mới mua. HĐQT chúng tôi không làm điều gì khuất tất.
Các cổ đông đã thông qua các tờ trình đại hội.