|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

J.P. Morgan: Techcombank là lựa chọn hàng đầu của chúng tôi trong số các ngân hàng Việt

13:00 | 12/05/2021
Chia sẻ
Với kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý đầu năm, dẫn đầu về khả năng sinh lời và tăng trưởng mạnh thu ngoài lãi, cổ phiếu TCB của Techcombank được J.P. Morgan đánh giá cao trong số các ngân hàng Việt. Thị giá hiện tại của TCB đang tiến gần hơn tới mức định giá 55.000 đồng/cp.
Techcombank duy trì vị thế ngân hàng dẫn đầu về khả năng sinh lời - Ảnh 1.

Techcombank duy trì vị thế ngân hàng dẫn đầu về khả năng sinh lời. (Ảnh: Techcombank).

Trong tuần cuối tháng 4, đà tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng có dấu hiệu chậm lại khi chỉ có 13/26 mã tăng giá. Sự điều chỉnh sau ba tháng đầu năm "dậy sóng" của nhóm cổ phiếu ngân hàng cho thấy đây có thể là thời điểm thị trường đang tái thiết lại mặt bằng giá sau một đợt tăng kéo dài. Thời điểm các ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý I cũng là lúc mà các nhà đầu tư cân nhắc kỹ lưỡng các khoản đầu tư của mình.

Sự phân hoá được thế hiện rõ nét trong phiên giao dịch đầu tháng 5, khi cổ phiếu như TCB của Techcombank bật tăng mạnh mẽ trong khi VN-Index sụt giảm gần 10 điểm. Tính từ đầu năm 2020, cổ phiếu TCB đã ghi nhận tăng trưởng 35% về thị giá.

Với kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý I, cổ phiếu TCB hiện đang giao dịch ở mức 48.000 đồng/cp, ngày càng tiến gần hơn tới mức định giá được J.P. Morgan công bố mới đây (55.000 đồng/cp).

Theo báo cáo phân tích của J.P Morgan, TCB tiếp tục được đánh giá là lựa chọn đầu tư hàng đầu trong số các ngân hàng tại Việt Nam và là cổ phiếu ngân hàng đáng kỳ vọng trong năm 2021. 

Cập nhật mới nhất về kết quả kinh doanh quý I/2021 cho thấy Techcombank có hệ số sinh lời cao với ROA tăng từ 3,1% vào cuối năm 2020 lên 3,5%. Lợi nhuận sau thuế quý I của ngân hàng đạt 4.400 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm trước và bằng khoảng 29% so với con số kỳ vọng của cả năm 2021.

Techcombank duy trì vị thế ngân hàng dẫn đầu về khả năng sinh lời - Ảnh 2.

ROA của Techcombank duy trì ở mức cao. (Nguồn: HT tổng hợp).

Tăng trưởng cao từ tổng thu nhập của ngân hàng đến từ cả hai mảng tín dụng và phi tín dụng. Thu nhập từ lãi thuần ghi nhận tăng trưởng tới 45% so với cùng kỳ năm trước trong khi lãi thuần từ mảng dịch vụ tăng gần 41% và lãi thuần từ kinh doanh chứng khoán hay hoạt động khác đều tăng trên 84%.

 Đáng chú ý, mặc dù cho vay khách hàng tăng 6,8% lên 296.290 tỷ đồng nhưng số dư nợ xấu của Techcombank lại giảm 12,4%, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 0,47% về 0,38%, tiếp tục là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất toàn hệ thống. Đồng thời, quy mô dự phòng rủi ro cho vay tăng cao khiến cho tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng tăng mạnh từ 171% lên gần 220%.

Những con số khả quan của quý đầu năm cho thấy xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ tiếp tục được duy trì và khẳng định khả năng tăng trưởng về vốn cũng như thương hiệu của Techcombank trong thời gian tới.

"Techcombank vẫn là lựa chọn hàng đầu của chúng tôi trong số các ngân hàng tại Việt Nam", J.P. Morgan nhận định.

Đánh giá của J.P. Morgan được đưa ra trên cơ sở phân tích cho thấy Techcombank vẫn tiếp tục duy trì vị thế ngân hàng có hệ số sinh lời (ROA) dẫn đầu mặc dù có thị phần huy động ở mức thấp (khoảng 3%).

Techcombank cũng là một trong những ngân hàng hiếm hoi trong khu vực đang "kiếm tiền" trên cả hai bên của bảng cân đối kế toán cũng như thu từ phí dịch vụ. Đây là cơ sở giúp ngân hàng có thể duy trì lợi nhuận trong dài hạn. 

Bên cạnh đó, J.P. Morgan cho rằng Techcombank có khả năng đặc biệt về quản lý tăng trưởng tín dụng nhờ tỷ trọng tài trợ bằng trái phiếu lớn và tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản thấp so với các ngân hàng khác (khoảng 63%).

"Nguồn vốn vững chắc và tỷ lệ nợ xấu thấp sẽ cho phép hạn mức tín dụng của Techcombank sẽ duy trì ở mức khoảng 20% trong 3 năm tới", theo J.P. Morgan.

Tổ chức tài chính này cũng đánh giá cao tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của Techcombank. Nhờ các chương trình miễn phí giao dịch và hoàn tiền (zero fee và cash back), tỷ lệ CASA của ngân hàng đã tăng mạnh từ 22% năm 2017 lên 44% vào cuối năm 2020 và dự kiến sẽ đạt mức 50% vào năm 2023.

CASA cao là lợi thế khiến Techcombank có được nguồn vốn giá rẻ và tỷ suất lợi nhuận biên (NIM) cao hơn nhiều ngân hàng khác. NIM đã liên tục được cải thiện theo thời gian, trong quý I/2021, NIM của ngân hàng đã tăng lên 5,2% từ mức 4,7% của cùng kỳ năm trước.

Techcombank duy trì vị thế ngân hàng dẫn đầu về khả năng sinh lời - Ảnh 3.

NIM của ngân hàng liên tục được cải thiện. (Nguồn: BC thường niên Techcombank).

J.P.Morgan cũng kỳ vọng Techcombank sẽ có khả năng duy trì vốn tự có tốt nhờ tỷ lệ ROE cao và tăng trưởng đều đặn qua các năm.

Đó cũng là cơ sở để J.P. Morgan nâng mức định giá cổ phiếu TCB của Techcombank lên 55.000 đồng/cp, cao nhất từ trước tới nay và cao gấp đôi so với mức định giá 26.200 đồng/cp tại ngày 14/12/2020.

TCB là cổ phiếu được đánh giá có tiềm năng tăng giá nhất trong nhóm 4 cổ phiếu ngân hàng trong phạm vi phân tích gồm TCB, ACB (Ngân hàng Á Châu), VCB (Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam) và VPB (Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng).

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên mới đây, ngân hàng đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 19.800 tỷ đồng, tăng 25,3% so với năm 2020 với tăng trưởng tín dụng ít nhất 12% theo ngưỡng Ngân hàng Nhà nước cho phép.

Chia sẻ tại đại hội, Chủ tịch Hồ Hùng Anh tự tin về khả năng Techcombank sẽ đạt và có thể vượt con số lợi nhuận kế hoạch nếu được cấp hạn mức tín dụng cao hơn. Ông cho biết ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung vào các mảng thế mạnh là cho vay bất động sản, mua nhà và phát triển khách hàng phân khúc thu nhập khá và cao.

Ban lãnh đạo ngân hàng cũng đặt ra tham vọng đạt mức vốn hoá 20 tỷ USD vào năm 2025 với tỷ lệ CASA khi đó ở mức 55%; tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 20% và tỷ trọng thu nhập ngoài lãi đạt khoảng 30%.

Bích Thu

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.