|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Iraq phủ nhận thông tin muốn OPEC miễn trừ cắt giảm sản lượng dầu thô

07:12 | 08/09/2020
Chia sẻ
Theo Spglobal, ngày 2/9, bộ trưởng dầu mỏ Iraq đã phủ nhận thông tin cho rằng nước này sẽ xin miễn trừ hạn ngạch sản xuất theo thỏa thuận nguồn cung của OPEC với các đồng minh, khẳng định rằng họ vẫn cam kết thực hiện thỏa thuận vì lợi ích ổn định thị trường dầu mỏ.

Thông tin được đăng tải bởi các phương tiện truyền thông nhà nước vào sáng sớm, dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ Ihsan Ismaael cho biết Iraq sẽ xin phép OPEC để được miễn trừ các hạn chế xuất khẩu dầu thô theo thỏa thuận vào năm 2021, mặc dù nước này sẽ tiếp tục tuân thủ các qui định cắt giảm đã thỏa thuận cuối năm nay.

Tuy nhiên, hiệp định OPEC+ không bao gồm xuất khẩu dầu thô mà chỉ tập trung vào sản xuất.

Iraq trước đây đã cố gắng tuyên bố rằng thỏa thuận chỉ áp dụng cho xuất khẩu, gây ra sự phẫn nộ cho các thành viên khác, những nước đã chỉ trích sự không tuân thủ thường xuyên của Iraq. 

Bộ trưởng dầu mỏ Iraq trong một bài phát biểu cho rằng “những thông tin trên là sai sự thật” và khẳng định “Iraq vẫn hoàn toàn tuân thủ cam kết cắt giảm của OPEC+ hồi tháng 4 và sẽ tiếp tục hợp tác với tất cả các nước thành viên khác trong nỗ lực tập thể của tổ chức nhằm tăng cường sự ổn định của dầu khí toàn cầu”. 

Ông Ismaael cũng cho biết tỉ lệ tuân thủ hạn ngạch của Iraq trong tháng 8 là hơn 100% và nước này sẽ thực hiện cắt giảm bồi thường để bù đắp cho việc sản xuất dư 850 nghìn thùng dầu/ngày từ tháng 5 đến tháng 7. 

Mặc dù việc cắt giảm bồi thường phải được hoàn tất đầy đủ vào cuối tháng 9, nhưng ông Ismaael cho biết nước này có thể yêu cầu OPEC gia hạn thêm hai tháng đến cuối tháng 11 nếu không thể đáp ứng kịp thời hạn.

Thách thức quen thuộc 

Iraq là một trong số các quốc gia OPEC+ có tỉ lệ tuân thủ thỏa thuận thấp nhất trong năm nay và đã phải chịu áp lực từ các thành viên hàng đầu OPEC+, đặc biệt là Arab Saudi và Nga, nhằm cải thiện tình hình thị trường dầu mỏ của mình, vốn đã trở nên phức tạp bởi những hạn chế tài chính và chính sách dầu độc lập của người Kurd. 

Ismaael đã trích dẫn trong các báo cáo cho rằng người Kurd ở khu vực bán tự trị đã tự ý xuất khẩu dầu mà không cần tham khảo ý kiến của chính phủ liên bang ở Baghdad.

Hạn ngạch sản xuất dầu của Iraq trong tháng 8 là hơn 3,8 triệu thùng/ngày, ngoại trừ việc tự nguyện cắt giảm thêm để bù đắp cho tình trạng cung dư thì hạn ngạch chính thức của Iraq là 3,4 triệu thùng/ngày.

Trong những tháng mùa hè, Iraq cần tăng sản lượng dầu thô để đáp ứng yêu cầu nguồn cung khí đốt của các nhà máy điện trong bối cảnh nhiệt độ có thể lên tới 50 độ C. 

Tình trạng thiếu điện trầm trọng đã dẫn đến các cuộc biểu tình, gần đây nhất diễn ra vào tháng 7.

Các báo cáo cho hay Iraq đã thảo luận về mong muốn được miễn trừ hạn ngạch với OPEC trong ba cuộc họp liên tiếp.

Một số đại biểu trả lời phỏng vấn S&PGlobal rằng họ chưa nghe thấy bất kì cuộc thảo luận nào như vậy và sẽ không có khả năng Iraq được cấp miễn trừ.

Iraq đã đề cập đến sự miễn trừ trong cuộc đàm phán của OPEC+ vào năm 2016, cho rằng họ không đủ khả năng để cắt giảm sản lượng sau nhiều năm chiến tranh chống lại nhà nước Hồi giáo, nhưng không nhận được sự đồng ý từ các thành viên khác của tổ chức.

Sau đó, Iraq tuyên bố rằng việc cắt giảm có hiệu lực vào năm 2017 chỉ dành cho xuất khẩu trong khi các hoạt động lọc dầu và sản xuất điện trong nước được miễn trừ.

Tuy nhiên OPEC+ đã nêu rõ thỏa thuận chỉ bao gồm sản xuất.

Tháng 6, Bộ trưởng Tài chính Al Allawi, người từng là Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq cho rằng OPEC+ nên xem xét điều kiện kinh tế và đời sống của các nước trước khi ấn định hạn ngạch cắt giảm sản lượng dầu.

Iraq đang gặp khó khăn trong việc trả lương và ngân sách tài chính do giá dầu năm nay giảm mạnh trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát. 

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế của Iraq sẽ giảm gần 10% vào năm 2020 và nước này đang tìm kiếm sự trợ giúp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế để củng cố tài chính của mình.

Xuất khẩu sụt giảm

Bộ trưởng dầu mỏ Iraq ngày 1/9 cho biết xuất khẩu dầu của Iraq, không bao gồm dầu từ khu vực người Kurd bán tự trị, đã giảm 6% trong tháng 8 so với tháng 7, cho thấy sự tuân thủ chặt chẽ hơn của nước này với hạn ngạch OPEC+.

Xuất khẩu giảm từ mức 2,7 triệu thùng/ngày trong tháng 7 xuống còn 2,5 triệu thùng/ngày trong tháng 8. Xuất khẩu trong tháng 7 thấp hơn 2% so với tháng 7.

Iraq đã bơm 3,7 triệu thùng/ngày trong tháng 7, bao gồm cả sản lượng dầu của người Kurd, tương đương với sản lượng dầu trong tháng 6, theo số liệu của công ty tiếp thị dầu nhà nước SOMO. 

Hạn ngạch của Iraq là 3,6 triệu thùng/ngày vào tháng 7

Tuy nhiên S&P Global Platts ước tính rằng sản lượng tháng 7 của Iraq ở mức 3,77 triệu thùng/ngày, tăng 70 nghìn thùng/ngày so với tháng 6, với tỉ lệ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng là 83%.

Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi, Hoàng tử Abdulaziz, đã coi việc tuân thủ hạn ngạch là ưu tiên hàng đầu với tư cách là đồng chủ tịch của một ủy ban giám sát quan trọng của OPEC + cùng với Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak. 

Ủy ban Giám sát bao gồm các bộ trưởng được triệu tập hàng tháng, sẽ họp trực tuyến vào ngày 17/9.

H.Mĩ