|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

iPhone mất vị trí thương hiệu smartphone bán chạy nhất Trung Quốc

16:34 | 03/05/2022
Chia sẻ
Đại dịch COVID-19 cùng các lệnh phong tỏa kéo dài đã tạo ra tác động không nhỏ đối với nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc, cũng như doanh số của các thương hiệu smartphone, trong đó có Apple.

 Apple bị hụt hơi trong cuộc cạnh tranh top 1 thương hiệu smartphone tại Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg).

Theo CNN, chỉ mới ba tháng trước, Apple đã trở thành thương hiệu điện thoại thông minh bán chạy nhất tại Trung Quốc lần đầu tiên sau 6 năm. Tuy nhiên, hiện tại hãng đã tụt lại phía sau các đối thủ Trung Quốc sau khi chịu nhiều thiệt hạido doanh số bán hàng quý đầu tiên sụt giảm.

Hai báo cáo được công bố trong tuần này cho thấy Apple đã tụt xuống vị trí thứ ba, xếp sau các thương hiệu Trung Quốc. Sự thay đổi trong thứ hạng thị trường diễn ra khi Trung Quốc đối mặt với vấn đề suy giảm kinh tế nghiêm trọng, cũng như việc đại dịch COVID-19 kìm hãm đà chi tiêu của người tiêu dùng.

Doanh số bán điện thoại thông minh ở Trung Quốc giảm 14% trong quý đầu tiên, báo cáo của Counterpoint Research cho biết.

Ngoài ra, Counterpoint Research cho biết thêm, doanh số bán hàng của Apple đã giảm 23% trong 3 tháng tính đến tháng 3 so với quý trước, mặc cho công ty đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng ở Trung Quốc vào năm ngoái, sau khi phát hành iPhone 13. Thị phần của Táo khuyết tại Trung Quốc hiện đạt 17,9%, so với mức 21,7% trong quý kết thúc vào tháng 12.

Một báo cáo của Canalys cũng cho thấy Apple đã tụt lại từ vị trí dẫn đầu thị trường tại Trung Quốc xuống vị trí thứ ba, với lượng xuất xưởng trong quý đầu tiên của hãng giảm 36% so với quý trước. Canalys theo dõi các chuyến hàng của nhà sản xuất đến các điểm bán lẻ, thay vì bán hàng cho người tiêu dùng.

Ivan Lam, nhà phân tích cấp cao của Counterpoint Research, cho rằng sự suy giảm của Apple một phần là do kinh tế Trung Quốc suy thoái đã "ảnh hưởng đến tiền trong túi của người dân". Các thương hiệu "Made in China" của Trung Quốc bao gồm Vivo, Honor và Oppo̦ thể hiện tốt hơn Apple khi doanh số của họ tăng trở lại sau khi bị lép vế so với iPhone 13 trong quý cuối cùng của năm 2021.

Nhìn chung, nhu cầu giảm theo mùa và bất ổn kinh tế lớn đã tác động đến thị trường trong vài tháng đầu năm nay. "Tôi không nghĩ rằng dữ liệu quý II sẽ cải thiện nhiều, vì các đợt phong tỏa liên tục sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng chi tiêu của người tiêu dùng", Lam nói với CNN Business.

Theo tính toán của CNN, có ít nhất 27 thành phố trên khắp Trung Quốc bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần, gây ảnh hưởng đến 165 triệu người. Thượng Hải, trung tâm tài chính hàng đầu của quốc gia và là trung tâm sản xuất lớn, đã bị đóng cửa trong hơn một tháng qua.

Các lệnh hạn chế đã buộc nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và giáng một đòn mạnh vào hoạt động kinh tế. Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong vài tháng qua. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức kỷ lục 6% ở 31 thành phố lớn.

Mengmeng Zhang, một nhà phân tích nghiên cứu của Counterpoint Research, cho biết: “Những yếu tố này, kết hợp với xu hướng giảm nhu cầu trên thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc trước làn sóng đại dịch mới, đã tác động đáng kể đến mảng kinh doanh này”. Bà cho rằng nhu cầu điện thoại thông minh của Trung Quốc vẫn ở mức "thấp" do tâm lý người tiêu dùng yếu và thiếu các cải tiến mới để kích thích người tiêu dùng.

Không chỉ nhu cầu yếu đang gây hại cho Apple tại Trung Quốc, công ty cũng đang phải đối mặt với những thách thức về chuỗi cung ứng xuất phát từ việc Trung Quốc đóng cửa. Foxconn, nhà cung cấp chính cho Apple, đã ngừng sản xuất tại nhà máy ở Thâm Quyến trong vài ngày vào tháng trước khi thành phố áp đặt lệnh phong tỏa.

Pegatron, đối tác lắp ráp iPhone, cũng đã đình chỉ hoạt động tại các nhà máy ở Thượng Hải và Côn Sơn vào đầu tháng này. CEO Tim Cook mới đây cũng đã thừa nhận rằng các hạn chế ngày càng tăng của đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc, cùng với tình trạng thiếu silicon trong toàn ngành, sẽ ảnh hưởng đến quý tới của công ty từ 4 đến 8 tỷ USD.

Doanh Chính

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.