IPC: Việc người dân găm tiêu không bán ra gián tiếp mang lợi cho nước khác
Mới đây, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam dẫn nhận định của Tổ chức Hồ tiêu Quốc tế (IPC) rằng tiêu đen bắt đầu thu hoạch ở hầu hết các quốc gia sản xuất khu vực Bắc bán cầu.
Việt Nam, Ấn Độ và Sri Lanka hoàn thành gần 80% vụ thu hoạch. Giá được dự đoán trong kỳ thu hoạch đã tăng gần 40% dẫn đến sự trì hoãn và vỡ nợ ở cấp nông trại.
Thị trường tiêu đen Việt Nam biến động mạnh trong quý I gây khó khăn cho các nhà chế biến, nhà sản xuất và nông dân.
Nông dân của một nước sản xuất tiêu nghĩ rằng việc găm hàng sẽ khiến thị trường tăng nhưng đôi khi họ gián tiếp mang lợi cho nước sản xuất khác.
Sau Tết, tiêu đen Việt Nam tăng từ 3.000 USD/tấn lên 4.200 USD/tấn, tăng khoảng 40%. Số lượng giao dịch rất ít tại Việt Nam. Hiện tại, giá thị trường về mức 3.600 USD/tấn.
Thực sự tốt cho người trồng tiêu của Việt Nam khi giá tăng và điều này cho phép họ sản xuất hồ tiêu bền vững. Tuy nhiên, chỉ bền vững khi có cách tiếp cận từng bước vì thị trường cần thời gian để điều chỉnh.
Theo IPC, giá lao dốc đột ngột tác động thu nhập của nông dân. Hồ tiêu Việt Nam đang giao dịch ở mức giá thấp vì sự thay đổi đột ngột này khi khách hàng xem đây là sự mạo hiểm rủi ro.
Hồ tiêu Ấn Độ, Malaysia và Sri Lanka ít biến động do sản xuất hồ tiêu của các quốc gia này dựa trên sự khác biệt về chất lượng chứ không chỉ đơn thuần là số lượng.
"Việc quan trọng của các cơ quan hiện nay là cung cấp nhiều thông tin cho người nông dân về cung cầu để họ có thể lên kế hoạch tốt hơn và cho phép thị trường thay đổi chậm lại.
Các tác nhân trong ngành nên tập hợp lại và hợp tác để hỗ trợ nhau vì tất cả họ đều phụ thuộc lẫn nhau", IPC nhận định.
Nông dân đều cần thương lái và nhà xuất khẩu và ngược lại. IPC kỳ vọng thị trường Việt Nam hiện đang bị định hướng tâm lí sẽ sớm hạ nhiệt khi người mua quyết định chờ đợi hoặc thậm chí chuyển sang loại gia vị khác trong dài hạn.