|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

IMF: Việt Nam cần thống nhất các chức năng quản lý nợ

22:28 | 01/08/2017
Chia sẻ
Đại diện IMF cho rằng, Việt Nam cần thống nhất các chức năng quản lý nợ. Một số đại biểu Quốc hội nêu ý kiến cần thống nhất phạm vi nợ công, quy định chặt chẽ hơn để giảm sát nợ DNNN tự vay, tự trả, kiểm soát nghĩa vụ nợ tiềm ẩn; tăng cường quản lý đối với các khoản vay không tính vào phạm vi nợ công.

Ngày 1/8, tại Hội thảo lấy ý kiến về dự án quản lý nợ công do Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội và Ngân hàng Phát triển ADB tổ chức, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết theo chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội, tại kỳ họp thứ ba vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội thống nhất về sự cần thiết của việc ban hành Luật Quản lý nợ công thay thế cho luật năm 2009. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng nhất trí cơ bản với nội dung của dự thảo luật. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội khác nhau ở một số nội dung như phạm vi nợ công; chiến lược nợ; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý nợ công; phạm vi và điều kiện bảo lãnh Chính phủ, vay về cho vay lại; các biện pháp quản lý rủi ro nợ công...

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho hay, trong chương trình kỳ họp Quốc hội thứ 3 thảo luận liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật, đa số ý kiến nhất trị quy định của dự thảo nhưng cũng có ý kiến cho rằng cần thống nhất phạm vi nợ công song đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn để giảm sát nợ DNNN tự vay, tự trả, kiểm soát nghĩa vụ nợ tiềm ẩn và tăng cường quản lý đối với các khoản vay không tính vào phạm vi nợ công.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị đưa nợ công vào các khoản: Nợ ứng trước cho Ngân hàng Nhà nước; Nợ cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách và Ngân hàng Phát triển; Nợ hoàn thuế VAT; Nợ của các đơn vị sự nghiệp công lập...

Về nguyên tắc quản lý nợ công, nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí với đề xuất của Bộ Tài chính về quy định không chuyển vốn vay thành vốn cấp phát.

Về chỉ tiêu an toàn nợ công, một số ý kiến đề nghị bổ sung chỉ tiêu: mức trả nợ so với thu NSNN; khả năng trả nợ; Nợ nước ngoài/GDP; nợ nước ngoài của quốc gia; Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu...

Ông Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng, quản lý nợ công là một thách thức cho Việt Nam nếu muốn duy trì tính bền vững của nợ công và duy tri sức tăng trưởng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, đó không chỉ là thách thức của Việt Nam mà nhiều quốc gia khác trên thế giới, như các nước Châu Âu, Mỹ, Trung Quốc...

Tại hội thảo, đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ông Jean-Luc Steylaers cho rằng, Việt Nam cần thống nhất các chức năng quản lý nợ. Tập trung nhằm giảm rủi ro về nợ; giảm chi phí nợ; tạo điều kiện quản lý nợ hiệu quả hơn; cho phép tận dụng lợi thế kinh tế do quy mô; giảm được số cán bộ tham gia quản lý nợ; tạo điều kiện tốt hơn mối quan hệ với thị trường; tạo điều kiện để các nhà đầu tư hiểu sâu rộng hơn về nợ công...

Còn theo Vụ trưởng Vụ Chiến lược huy động và danh mục - Bộ Tài chính Indonexia - ông Scenaider Clasein Siahaan, Ở Indonexia, mô hình Cục Huy động cho ngân sách và quản lý rủi ro cũng tương tự như Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại của Bộ Tài chính Việt Nam. Việc thành lập đơn vị này hướng tới trở thành một đơn vị chuyên nghiệp hỗ trợ huy động hiệu quả cho ngân sách nhà nước theo mức rủi ro được đo lường nhằm duy trì bền vững tài khóa.

"Đơn vị này thực hiện các sứ mệnh: Quản lý danh mục nợ của chính phủ hiệu quả, minh bạch, đảm bảo trách nhiệm giải trình; quản lý phát hành/vay nợ thông qua xác định năng lực nợ nhằm hỗ trợ ổn định tài khóa; thực thi tạo sự độc lập trong huy động vốn cho phát triển của quốc gia thông qua nỗ lực ưu tiên nguồn vốn trong nước, xây dựng thị trường tài chính trong nước ổn định và hiệu quả; thực hiện hợp tác quốc tế trong bối cảnh tìm kiếm nguồn tài chính thay thế và hỗ trợ ổn định thị trường tài chính khu vực", ông Scenaider Clasein Siahaan cho biết.

Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng nên quy định cơ quan đầu mối về chịu trách nhiệm vay nợ, trả nợ (bao gồm từ khâu đàm phán các điều kiện vay, quản lý sử dụng tiền vay và kế hoạch trả nợ) là Bộ Tài chính.

TS nêu quan điểm: "Dự luật cần sửa theo hướng: Bộ Tài chính là đầu mối giúp Chính phủ quản lý nhà nước về nợ công với 15 nội dung quy định từ khoản 2 đến khoản 16 của Điều 19. Quy định như vậy không trái với nhiệm vụ của các bộ, ngành khác tại các điều 21, 22, 23 của dự luật; đồng thời chịu trách nhiệm chủ trì đàm phán vay nợ".

Sau hội thảo, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo sẽ khẩn trương tập hợp các ý kiến để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8, tháng 9 và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp lần 4 vào tháng 10/2017, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho hay.

Ánh Dương

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Techcombank sẽ mở rộng thêm mảng SME, tín dụng tiêu dùng, mục tiêu vốn hoá 20 tỷ USD năm 2025
Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức một cách bền vững, trong dài hạn chứ không chỉ là một vài năm.