IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2025, cảnh báo nhiều rủi ro
Nhiều rủi ro
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 và cảnh báo các rủi ro ngày càng gia tăng, từ chiến sự cho đến chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Mặt khác, IMF cũng ghi nhận công lao của các ngân hàng trung ương trong việc khống chế lạm phát mà không gây ra suy thoái.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố vào ngày 22/10, IMF dự đoán sản lượng toàn cầu sẽ tăng 3,2% trong năm 2025, thấp hơn 0,1 điểm % so với ước tính đưa ra hồi tháng 7. Dự báo tăng trưởng cho năm nay được giữ nguyên ở mức 3,2%. Lạm phát được kỳ vọng sẽ giảm từ mức 5,8% trong năm 2024 xuống 4,3% trong năm 2025.
Trong vài năm qua, IMF đã cảnh báo rằng nhiều khả năng nền kinh tế thế giới sẽ tiếp nối đà tăng trưởng kém ấn tượng trong trung hạn.
Ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF, phát biểu trong cuộc họp báo: “Các rủi ro ngày càng tăng và nền kinh tế thế giới ngày càng trở nên bất định. Rủi ro địa chính trị - nguy cơ xung đột trong các khu vực gia tăng - gây ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, chính sách bảo hộ, các gián đoạn trong thương mại cũng có thể tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế toàn cầu”.
Báo cáo mới của IMF không đề cập cụ thể đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, cuộc đua vào Nhà Trắng chắc chắn sẽ là mối quan tâm hàng đầu của các bộ trưởng tài chính và quan chức ngân hàng trung ương tham dự kỳ họp thường niên của IMF và World Bank diễn ra trong tuần này tại thủ đô Washington.
Theo tờ Bloomberg, ứng viên tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế quan 60% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và 10% đối với hàng hóa từ mọi quốc gia khác nếu ông quay trở lại Nhà Trắng. Nhiều khả năng chính sách này sẽ thúc đẩy lạm phát và buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.
Trong buổi họp báo, ông Gourinchas cho biết thuế quan và các bất ổn về thương mại tại nhiều quốc gia có nguy cơ khiển sản lượng toàn cầu giảm 0,5% trong năm 2026.
Tuần trước, IMF bày tỏ mối quan ngại về nợ công toàn cầu. Tổ chức này dự đoán khối nợ công sẽ phình lên 100.000 tỷ USD vào cuối năm nay, tương đương 93% GDP thế giới. Sự gia tăng chủ yếu đến từ Mỹ và Trung Quốc. Tại Mỹ, khối nợ công được cho là sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai, bất kể ứng viên nào chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống.
Đánh giá về Trung Quốc
Bất chấp các biện pháp kích thích mà Bắc Kinh tung ra trong thời gian gần đây, IMF vẫn hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2024 từ 5% xuống 4,8. Các lực cản đối với Trung Quốc là thị trường bất động sản yếu ớt và niềm tin người tiêu dùng ở mức thấp. Dự báo cho năm 2025 vẫn được IMF giữ nguyên ở mức 4,5%.
Nhà kinh tế Gourinchas nhận xét các động thái gần đây của Trung Quốc là bước đi đúng hướng, nhưng loạt biện pháp mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố vào tháng trước không đủ để tạo tác động đáng kể lên tăng trưởng. Những biện pháp gần đây hơn của Bộ Tài chính Mỹ chưa được xét đến trong báo cáo của IMF.
Còn về Mỹ, IMF nâng ước tính tăng trưởng GDP của nền kinh tế số một thế giới lên lần lượt 2,8% và 2,2% trong năm 2024 và 2025 dựa trên kỳ vọng tích cực về tiêu dùng.
IMF khen ngợi các ngân hàng trung ương vì đã ghìm cương lạm phát mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Tuy nhiên, IMF cũng lưu ý về rủi ro chính sách tiền tệ kìm hãm tăng trưởng nhiều hơn mong muốn, làm gia tăng áp lực nợ công ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, đồng thời đề cập đến nguy cơ giá lương thực và năng lượng tăng vọt trở lại do biến đổi khí hậu và xung đột địa chính trị.