|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

ICO: Xuất nhập khẩu cà phê trong tháng 5 giảm nhẹ

08:18 | 05/07/2020
Chia sẻ
Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 5 giảm 14,6% xuống 10,49 triệu bao và trong 8 tháng đầu năm giảm 4,7% xuống 87,96 triệu bao. Trong nửa đầu năm, nhập khẩu của các thành viên ICO và Mỹ đạt 64,22 triệu bao, thấp hơn 3,7% so với cùng kì.

Xuất khẩu

Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 5 giảm 14,6% xuống còn 10,49 triệu bao do xuất khẩu từ tất cả các nước đều giảm. Tuy nhiên, đây là khối lượng xuất khẩu trong tháng 5 cao thứ ba từ trước đến nay và theo sau khối lượng cao kỉ lục trong năm ngoái. 

Xuất khẩu cà phê arabica giảm 19,7% xuống 6,43 triệu bao trong đó các lô hàng của Colombia giảm 13,4% xuống 999.000 bao.

Xuất khẩu của Brazil giảm 25,7% xuống 2,82 triệu bao. Các lô hàng arabica xanh giảm 27,3% xuống còn 2,2 triệu bao, phản ánh chu kì sản xuất hai năm một lần của vụ mùa 2019 - 2020. Tuy nhiên, xuất khẩu của Ethiopia tăng 7,8% lên tới 381.000 bao.

So với tháng 5/2019, xuất khẩu từ các nước còn lại giảm 14,4% xuống 2,61 triệu do khối lượng của 5 nhà xuất khẩu lớn nhất giảm, đáng chú ý là xuất khẩu của Honduras giảm 20,9% xuống còn 730.000 bao.

Xuất khẩu arabica trong 8 tháng đầu năm 2019 - 2020 đạt 83,8 triệu bao, giảm 4,7% so với 87,96 triệu bao trong cùng kì năm ngoái. 

Trong đó, xuất khẩu từ Colombia giảm 7,9% xuống 9,33 triệu bao, từ Brazil giảm 9,6% xuống 26,23 triệu bao và từ các quốc gia khác giảm 7,4% xuống 16,58 triệu bao. Ngược lại, các lô hàng robusta tăng 2,5% lên 31,67 triệu bao.

Nhập khẩu

Nhập khẩu bởi các thành viên ICO và Mỹ, trung bình chiếm khoảng 75% nhập khẩu toàn cầu, tăng 5,1% lên 11,76 triệu bao trong tháng 3 và giảm 3,7% xuống còn 64,22 triệu bao trong 6 tháng đầu năm. 

ICO: Xuất nhập khẩu cà phê trong tháng 5 giảm nhẹ - Ảnh 1.

Nguồn: ICO

Trong 6 tháng đầu năm, nhập khẩu của EU và Mỹ giảm lần lượt 2,9% và 8,2% xuống còn 41,6 triệu bao và 13,75 triệu bao. Nhập khẩu của Nhật Bản giảm 8,3% xuống 3,6 triệu bao, của Tunisia giảm 6,2% xuống 265.000 bao và Na Uy giảm 0,5% xuống 363.000 bao. 

Ngược lại, nhập khẩu của Liên bang Nga tăng 8% lên 2,99 triệu bao trong khi của Thụy Sĩ tăng 7,8% lên 1,65 triệu bao.

EU

ICO: Xuất nhập khẩu cà phê trong tháng 5 giảm nhẹ - Ảnh 2.

Nguồn: ICO

Brazil là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất của EU, chiếm 20% tổng lượng nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm. Tiếp theo là Việt Nam (13,8%), Colombia (3,9%), Honduras (3,8%) và Uganda (3,2%). 

Cụ thể, nhập khẩu từ Brazil và Việt Nam giảm lần lượt 6,7% và 10,4% xuống 8,32 triệu bao và 5,74 triệu bao. Tuy nhiên, nhập khẩu từ Colombia tăng 0,3% lên 1,63 triệu bao, từ Honduras tăng 20,7% lên 1,57 triệu bao và từ Uganda tăng 7,6% lên 1,35 triệu bao. 

Khoảng 70% lượng nhập khẩu của EU là cà phê xanh trong khi cà phê hòa tan chiếm khoảng 10%. Trong nửa đầu năm, Brazil, Ấn Độ và Việt Nam là những nguồn cung cấp cà phê hòa tan đáng kể cho khối, lần lượt chiếm 5,4%, 4,7% và 3,5% tổng lượng nhập khẩu hòa tan của EU.

Mỹ

ICO: Xuất nhập khẩu cà phê trong tháng 5 giảm nhẹ - Ảnh 3.

Nguồn: ICO

Nhập khẩu từ Brazil và Colombia chiếm 53,6% lượng nhập khẩu của Mỹ trong 6 tháng đầu năm, ngoài ra còn có Việt Nam (9,1%), Mexico (4,9%) và Peru (4,1%). 

Nhập khẩu từ Brazil giảm 2,7% xuống 4,21 triệu bao, từ Colombia giảm 10,3% xuống 3,15 triệu bao và từ Việt Nam giảm 18,5% xuống còn 1,25 triệu bao. 

Các lô hàng từ Mexico và Peru giảm lần lượt 21,5% và 27,3% xuống 672.000 bao và 558.000 bao. 

5 nguồn nhập khẩu cà phê hòa tan lớn nhất của Mỹ là Brazil, Mexico, Colombia, Ấn Độ và Tây Ban Nha, chiếm 87,8% tổng số. Trong khi đó 5 nguồn nhập khẩu cà phê rang lớn nhất là Canada, Italia và Thụy Sĩ chiếm 71,8% trong khi Mexico và Colombia lần lượt chiếm 10,8% và 7,3%.

Nhật Bản

Tương tự như EU và Mỹ, Nhật Bản vẫn nhập khẩu cà phê chủ yếu từ Brazil, Việt Nam và Colombia trong nửa đầu năm nay, lần lượt chiếm 30,7%, 25,1% và 15,3%. Ethiopia và Indonesia, chiếm 7% và 6,2% tổng nhập khẩu, là hai nhà cung cấp lớn tiếp theo. 

Nhập khẩu từ Brazil giảm 27,2% xuống 1,1 triệu bao và từ Indonesia giảm 21,3% xuống 223.000 bao. Tuy nhiên, nhập khẩu từ Việt Nam tăng 12,9% lên 904.000 bao, từ Colombia tăng 14,4% lên 551.000 bao, và từ Ethiopia tăng 6,8% lên 252.000 bao. 

Gần 90% tổng nhập khẩu của Nhật Bản là cà phê xanh, trong khi cà phê hòa tan chiếm khoảng 9%. 

Brazil, Việt Nam và Colombia chiếm gần 75% tổng nhập khẩu hòa tan, trong đó các lô hàng từ Brazil tăng 5,4% lên 145.000 bao, từ Colombia tăng 20,5% lên 28.000 bao trong khi từ Việt Nam giảm 14,7% xuống 68.000 bao.

Linh Giang