|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

ICO: Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 4 giảm nhẹ, dự kiến xuất hiện thặng dư nguồn cung trong năm nay

17:51 | 03/06/2020
Chia sẻ
Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 4 giảm 3,1% xuống 10,82 triệu bao và trong 7 tháng đầu năm giảm 3,8% xuống 72,7%. Xuất khẩu từ châu Á & châu Đại Dương ổn định trong khi xuất khẩu từ Nam Mỹ, Trung Mỹ và Mexico có xu hướng giảm.

Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 4 đạt tổng cộng 10,82 triệu bao, thấp hơn 3,1% so với 11,17 triệu bao xuất khẩu trong tháng 4/2019.

Xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2019 - 2020 đạt 72,78 triệu bao, giảm 3,8% so với 75,67 triệu bao trong cùng kì năm 2018 - 2019. Trong đó, xuất khẩu cà phê arabica giảm 7,7% xuống 45,27 triệu bao trong khi các lô hàng robusta tăng 3,3% lên 27,52 triệu bao.

ICO: Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 4 giảm nhẹ - Ảnh 1.

Nguồn: ICO

Châu Phi

Xuất khẩu từ châu Phi trong 7 tháng đầu năm tăng 7% lên 7,66 triệu bao, trong đó xuất khẩu của Ethiopia tăng 19,2% lên 2,04 triệu bao và trong tháng 4 tăng 20% lên 374.000 bao. 

Xuất khẩu của Uganda trong 7 tháng đầu năm tăng 19,6% lên 2,93 triệu bao, phản ánh sản lượng lớn hơn do giống mới được đưa vào sản xuất. Các lô hàng trong vào tháng 4 tăng 17,5% lên 360.000 bao. 

Trong khi đó, xuất khẩu cà phê từ Côte d’Ivoire giảm 3,8% xuống 953.000 bao trong 7 tháng đầu năm. Tuy nhiên, phần lớn sự sụt giảm này xảy ra vào tháng 4 khi xuất khẩu giảm 52,4% xuống 60.000 bao do thiếu container vận chuyển.

Châu Á  & châu Đại Dương

Trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu từ châu Á & châu Đại Dương tăng 0,6% lên 23,62 triệu bao, trong đó xuất khẩu của Việt Nam ước tính đạt 16,4 triệu bao, thấp hơn 1,1% so với cùng kì. Năm trước, do nhu cầu suy yếu và giá thấp nên nông dân găm hàng không muốn bán. 

Các lô hàng từ Indonesia trong 7 tháng đầu năm tăng 43,5% lên 3,63 triệu bao và trong tháng 4 tăng 0,8% lên 509.000 bao. 

Xuất khẩu từ Ấn Độ giảm 18% xuống 2,91 triệu bao trong 7 tháng đầu năm và giảm 41,3% xuống 351.000 bao trong tháng 4. Các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 trong tháng 4 khiến xuất khẩu giảm, đồng thời giá thấp và sản lượng thu hoạch cũng ít hơn.

ICO: Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 4 giảm nhẹ - Ảnh 2.

Nguồn: ICO

Trung Mỹ và Mexico

Trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu từ Trung Mỹ & Mexico giảm 4,9% xuống còn 8,77 triệu bao. Trong đó, xuất khẩu từ Honduras giảm 6,7% xuống còn 3,5 triệu bao và các lô hàng trong tháng 4 giảm 19,8% xuống còn 748.000 bao. 

Xuất khẩu từ Guatemala giảm 3,1% xuống 1,66 triệu bao trong khi xuất khẩu của Nicaragua tăng 16,7% lên 1,56 triệu bao trong 7 tháng đầu năm.

Nam Mỹ

Xuất khẩu từ khu vực Nam Mỹ trong 7 tháng đầu năm giảm 8,6% xuống còn 32,74 triệu bao, trong đó ghi nhận xuất khẩu từ Brazil giảm 8,6% xuống còn 23,11 triệu bao. 

Tuy nhiên, xuất khẩu của quốc gia này trong tháng 4 tăng 2,5% lên 3,35 triệu bao, chủ yếu là sự gia tăng của các lô hàng cà phê hòa tan, tăng 12,3% lên tới 357.000 bao. 

Xuất khẩu cà phê xanh tăng 1,5% lên 2,99 triệu bao. Sự sụt giảm 1,1% trong các lô hàng cà phê arabica xanh xuống 2,68 triệu bao đã được bù đắp bằng mức tăng 30,3% của cà phê robusta, đạt tới 313.000 bao. 

Sau khi tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng đầu năm, xuất khẩu của Colombia trong 7 tháng đầu năm giảm 6,5% xuống còn 7,5 triệu bao và trong tháng 4 giảm 26,4% xuống còn 642.000 bao. 

Theo Liên đoàn người trồng cà phê Colombia, sản lượng trong tháng 4 giảm 27,8% xuống còn 744.000 bao, đánh dấu mức thấp nhất so với các tháng 4 kể từ vụ mùa 2011 - 2012. 

Xuất khẩu của Peru trong 7 tháng đầu năm giảm 17,7% xuống còn 1,84 triệu bao nhưng các lô hàng trong tháng 4, tháng bắt đầu vụ mùa mới, tăng 13,5% lên 67.000 bao.

Tiêu thụ

Năm 2019 - 2020, tiêu thụ cà phê thế giới ước tính đạt 166,06 triệu bao, cao hơn 0,5% so với năm 2018- 2019.

Mặc dù một số quốc gia đã bắt đầu mở cửa trở lại, tiêu thụ cà phê ngoài hộ gia đình dự kiến sẽ vẫn còn yếu trong một thời gian. Ngoài ra, vấn đề thất nghiệp có thể làm giảm nhu cầu, đặc biệt đối với người tiêu dùng không thường xuyên. 

Sản lượng trong năm 2019 - 2020 ước tính đạt 167,91 triệu bao, có thể vượt mức tiêu thụ 1,85 - 3,42 triệu bao tùy thuộc vào tác động của dịch COVID-19.

Linh Giang