|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

ICO: Xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng kỷ lục, giá bắt đầu hạ nhiệt

10:05 | 12/11/2024
Chia sẻ
Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), giá cà phê thế giới đã giảm sau khi EU dự kiến tạm hoãn thực thi quy định chống phá rừng. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê toàn cầu ghi nhận mức tăng kỷ lục trong niên vụ 2023-2024.

Giá cà phê hạ nhiệt

Giá cà phê toàn cầu được theo dõi và tổng hợp bởi ICO (I-CIP) đạt trung bình 250,6 US cent /pound (241 – 267 US cent/pound) trong tháng 10, giảm 3,2% so với tháng trước nhưng vẫn tăng mạnh gần 65% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, giá cà phê robusta giảm đến 8,3% so với tháng trước, xuống còn 221,9 US cent/pound.

Giá cà phê arabica giảm nhẹ hơn, với arabica Colombia và arabica khác giảm 0,8% và 0,6%, xuống còn 277,1 và 276,8 US cent/pound. Tương tự, giá cà phê arabica Brazil giảm 0,5%, đạt bình quân 255,8 US cent/pound.

Trên thị trường kỳ hạn New York và London, giá cà phê arabica và robusta cũng giảm lần lượt 1,3% và 8,2%, xuống còn 250,6 US cent/pound và 207,1 US cent/pound.

Theo ICO, giá cà phê chịu áp lực giảm sau khi Ủy ban châu Âu (EC) hôm 2/10 cho biết đã đề xuất lùi 1 năm thực hiện Quy định phá rừng (EUDR). Tiếp đó ngày 16/10, Hội đồng Châu Âu (EUCO), cơ quan chính trị đại diện cho các nước thành viên EU, đã nhất trí thông qua đề xuất này.

Nếu được Nghị viện châu Âu chấp thuận, các nghĩa vụ phát sinh từ quy định này sẽ có hiệu lực ràng buộc từ 30/12/2025, đối với các nhà điều hành và thương nhân lớn và 30/6/2026, đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Bên cạnh đó, đồng Real Brazil giảm xuống mức thấp nhất trong 3,5 năm so với USD, ở mức 5,81 BRL đổi 1 USD vào ngày 31/10, cũng góp phần đẩy giá cà phê đi xuống.

Diễn biến giá cà phê thế giới từ tháng 10/2022 đến tháng 10/2024 (ĐVT: US cent/pound)

Nguồn: ICO

Kết thúc tháng 10, lượng cà phê robusta được chứng nhận của London đã giảm 11,7%, đóng cửa ở mức 0,66 triệu bao (loại 60 kg/bao). Trong khi lượng cà phê arabica được chứng nhận tăng 4,7% lên 0,91 triệu bao.

Tồn kho cà phê trên hai sàn London và NewYork tính đến cuối tháng 10/2024

 Nguồn: ICO 

Xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng kỷ lục trong niên vụ 2023-2024

Theo báo cáo của ICO, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 9 tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt tổng cộng hơn 10,7 triệu bao.

Kết thúc niên vụ 2023-2024 (tháng 10/2023 đến tháng 9/2024) tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng 11,7% so với niên vụ trước, đạt kỷ lục 137,3 triệu bao.

Trong đó, đã có 9,7 triệu bao cà phê nhân xanh được xuất khẩu trên thế giới trong tháng 9, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung niên vụ cà phê 2023-2024, xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu đạt hơn 123,7 triệu bao, tăng 11,8% (13 triệu bao) so với mức 110,7 triệu bao của niên vụ trước. Đây là mức tăng hàng năm lớn nhất từ trước đến nay, vượt qua mức cao nhất trước đó là 9,3 triệu bao trong niên vụ 1995-1996.

ICO cho biết, tăng trưởng xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 phần lớn là do cơ sở so sánh thấp của hai năm suy giảm liên tiếp trước đó (-1,1% và -5,6%), với xuất khẩu giảm từ 118,7 triệu bao trong niên vụ 2020-2021 xuống 110,7 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.

Do đó, mức tăng hai con số trong niên vụ cà phê 2023-2024 thể hiện sự phục hồi chứ không hẳn là sự mở rộng của xu hướng dài hạn.

Theo ICO, xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu đã tăng trung bình 2,36 triệu bao mỗi năm từ niên vụ cà phê 2010-2011 đến 2020-2021, trong khi chỉ tăng 1,7 triệu bao mỗi năm từ niên vụ cà phê 2020-2021 đến 2023-2024. Mức xuất khẩu thực tế hiện nay vẫn thấp hơn mức tiềm năng là 125,7 triệu bao.

Về chủng loại, niên vụ 2023-2024 chứng kiến tỷ trọng cà phê arabica trong tổng xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu tăng lên 62,4% so với mức 60,4% của niên vụ 2022-2023.

Kết thúc niên vụ 2023-2024, xuất khẩu cà phê nhân arabica đạt 77,2 triệu bao, tăng 15,5% từ mức 66,7 triệu bao của niên vụ 2022-2023. Trong đó, 41,9 triệu bao cà phê nhân arabica Brazil, 12,2 triệu bao arabica Colombia và hơn 23 triệu bao arabica khác, tăng lần lượt 22,6%, 14,3% và 4,7%, so với niên vụ trước.

Xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 (tháng 10 đến tháng 9)

Nguồn: ICO

Tương tự, xuất khẩu cà phê nhân xanh robusta tăng 6,2% lên 46,58 triệu bao trong niên vụ vừa qua. Đây là mức xuất khẩu hàng năm lớn nhất ghi nhận được, chủ yếu nhờ vào Brazil, quốc gia đã xuất khẩu hơn 9 triệu bao robusta so với 2,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.

Sự tăng trưởng trong xuất khẩu của Brazil đã bù đắp cho sự sụt giảm lớn trong xuất khẩu từ Việt Nam, nước này đã xuất khẩu 23,2 triệu bao trong niên vụ 2023-2024 so với 26,1 triệu bao trong vụ 2022-2023. Việt Nam, nhà sản xuất và xuất khẩu robusta lớn nhất thế giới, đang gặp khó khăn với nguồn cung trong nước khi sản lượng giảm xuống dưới mức tiềm năng do điều kiện thời tiết bất lợi.

Tỷ trọng của arabica và robusta trong tổng xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu niên vụ 2023-2024

 Nguồn: ICO 

Cùng với cà phê nhân, xuất khẩu cà phê hòa tan toàn cầu tăng 11,6% trong niên vụ 2023-2024, đạt 12,8 triệu bao. Xét về tỷ trọng, cà phê hòa tan chiếm 9,3% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu, tương đương với niên vụ trước.

Trong khi đó, xuất khẩu cà phê đã rang giảm 0,5% trong niên vụ 2023-2024, xuống còn 0,71 triệu bao.

Cơ cấu chủng loại cà phê xuất khẩu toàn cầu trong niên vụ 2023-2024

  Nguồn: ICO  

Khu vực Nam Mỹ tăng tốc, 

Kết thúc niên vụ 2023-2024, xuất khẩu cà phê các loại của khu vực Nam Mỹ đạt tổng cộng 66,1 triệu bao, tăng mạnh 30,7% so với niên vụ trước. Hai quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất khu vực là Brazil và Colombia, đã chứng kiến khối lượng xuất khẩu tăng lần lượt 34,3% và 13,7%, đạt 49 triệu bao và 11,9 triệu bao.

Đối với Brazil, đây là khối lượng xuất khẩu lớn nhất từ trước đến nay. Một phần lý do cho sự tăng trưởng của Brazil là do khoảng trống trên thị trường mà Việt Nam để lại ở phân khúc cà phê robusta. Mặc dù không được biết đến rộng rãi, nhưng Brazil là nhà sản xuất robusta lớn thứ hai trên thế giới, chiếm 32% nguồn cung toàn cầu trong niên vụ 2022-2023.

Xuất khẩu cà phê từ khu vực châu Phi cũng tăng mạnh 17,3% trong niên vụ 2023-2024, đạt 16 triệu bao. Chủ yếu là do xuất khẩu của Ethiopia tăng 63,5%, đạt kỷ lục 5,6 triệu bao.

Xuất khẩu cà phê của các khu vực trong niên vụ 2023-2024

 Nguồn: ICO   

Ngược lại, xuất khẩu cà phê từ khu vực châu Á và châu Đại Dương giảm 6,7% trong niên vụ 2023-2024, đạt 40,6 triệu bao.

Việt Nam, quốc gia sản xuất và xuất khẩu lớn nhất ở khu vực châu Á và châu Đại Dương, đã ghi nhận khối lượng xuất khẩu giảm 11,7% xuống chỉ còn 25 triệu bao. Đây là con số thấp nhất ghi nhận được kể từ mức 22 triệu bao của niên vụ 2014-2015.

Nguồn cung trong nước eo hẹp, sản lượng giảm do điều kiện thời tiết bất lợi và mất diện tích canh tác cho các loại cây trồng khác, cùng với tồn kho nội địa cạn kiệt là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm hai chữ số kể trên.

Trong khi đó, Ấn Độ là điểm sáng trong khu vực, với xuất khẩu tăng 10% lên gần 7 triệu bao trong niên vụ 2023-2024.

Cùng với khu vực châu Á và châu Đại Dương, xuất khẩu cà phê từ Trung Mỹ và Mexico giảm 4,1% trong niên vụ vừa qua, xuống còn 14,5 triệu bao. Chủ yếu là do xuất khẩu của Honduras và Nicaragua, hai quốc gia sản xuất hàng đầu trong khu vực giảm lần lượt là 12,1% và 16,5%.

Hoàng Hiệp