|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

ICO: Niên vụ 2019 - 2020 kết thúc với thặng dư cà phê toàn cầu là 1,54 triệu bao

13:58 | 04/10/2020
Chia sẻ
Tiêu thụ cà phê thế giới dự kiến giảm 0,5% xuống còn 167,81 triệu bao do đại dịch COVID-19 tiếp tục gây áp lực lên nền kinh tế toàn cầu và hạn chế việc sử dụng cà phê bên ngoài. Do đó, niên vụ 2019 - 2020 dự kiến kết thúc với thặng dư 1,54 triệu bao, thấp hơn so với niên vụ trước.
ICO: Niên vụ 2019 - 2020 kết thúc với thặng dư cà phê toàn cầu là 1,54 triệu bao - Ảnh 1.

ICO: Niên vụ 2019 - 2020 kết thúc với thặng dư cà phê toàn cầu là 1,54 triệu bao (Ảnh: Metropol TV)

Sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2019 - 2020 ước tính đạt 169,34 triệu bao, thấp hơn 2,2% so với niên vụ trước, do sản lượng arabica giảm 5% xuống còn 95,99 triệu bao, trong khi robusta tăng 1,9% lên 73,36 triệu bao.

Tiêu thụ cà phê thế giới dự kiến giảm 0,5% xuống còn 167,81 triệu bao do đại dịch COVID-19 tiếp tục gây áp lực lên nền kinh tế toàn cầu và hạn chế việc sử dụng cà phê bên ngoài.

Do đó, niên vụ 2019 - 2020 dự kiến kết thúc với thặng dư 1,54 triệu bao. Con số này thấp hơn so với mức thặng dư 4,4 triệu bao trong niên vụ 2018 - 2019.

Hai lần thặng dư liên tiếp đã kìm hãm sự phục hồi của giá cà phê, vốn vẫn ở dưới mức trung bình 135,34 US cent/pound từ năm 2007 đến năm 2018.

Xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm

Trong tháng 8, xuất khẩu cà phê thế giới giảm 7,5% xuống 10,04 triệu bao so với tháng 8/2019. Đây là khối lượng xuất khẩu thấp nhất trong tháng 8 kể từ năm 2015 khi xuất khẩu đạt 9,14 triệu bao.

Điều này cho thấy nhu cầu đã sụt giảm, đặc biệt khi giá tăng trong những tháng gần đây trong khi triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm.

Xuất khẩu cà phê arabica giảm 6,7% xuống 6,35 triệu bao, và xuất khẩu cà phê robusta giảm 9% xuống 3,69 triệu bao.

Các quốc gia khác ghi nhận mức giảm lớn nhất trong tháng 8, giảm 10,2% xuống còn 2 triệu bao. Xuất khẩu tại Colombia giảm 8,4% xuống còn 1,19 triệu bao và tại Brazil giảm 3,6% xuống còn 3,16 triệu bao.

Khoảng thời gian tháng 10/2019 - tháng 8/2020, xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm 5,6% xuống còn 116,54 triệu bao, thấp hơn so với cùng kì năm cà phê 2018 - 2019.

Trong 11 tháng đầu niên vụ 2019 - 2020, xuất khẩu cà phê robusta ghi nhận mức giảm thấp nhất, giảm 2,6% xuống 44,61 triệu bao.

Xuất khẩu tại các quốc gia khác giảm 9,7% xuống 23,42 triệu bao, xuất khẩu tại Colombia giảm 6,8% xuống còn 12,93 triệu bao và tại Brazil giảm 6% xuống còn 35,58 triệu bao.

Sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2019 - 2020 thấp hơn so với niên vụ trước

Sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2019 -2020 ước tính đạt 169,34 triệu bao, thấp hơn 2,2% so với niên vụ 2018 - 2019.

Sản lượng arabica dự báo giảm 5% xuống còn 95,99 triệu bao, trong khi sản lượng robusta tăng 1,9% lên 73,36 triệu bao.

Sự sụt giảm chủ yếu là do Brazil cắt giảm sản lượng, cũng như do giá thấp liên tục. Việc thu hoạch ở hầu hết các quốc gia đã kết thúc vào thời điểm đại dịch COVID-19 xảy ra.

ICO: Niên vụ 2019 - 2020 kết thúc với thặng dư cà phê toàn cầu là 1,54 triệu bao - Ảnh 2.

Nguồn: ICO

Sản lượng tại 5 quốc gia sản xuất lớn nhất đã tăng trong niên vụ 2019 - 2020, ngoại trừ Brazil - quốc gia chiếm khoảng 35% sản lượng toàn cầu.

Trong niên vụ 2019 - 2020, Brazil bước vào năm mất mùa trong chu kì sản xuất hai năm một lần và tổng sản lượng thu hoạch ước tính là 58 triệu bao, ít hơn 10,9% so với niên vụ 2018 - 2019.

Sản lượng cà phê arabica của Brazil giảm 17,4% xuống 37 triệu bao trong khi sản lượng robusta của nước này tăng 3,4% lên 21 triệu bao.

Bên cạnh đó, sản lượng của Việt Nam ước tính đạt 31,5 triệu bao trong niên vụ 2019 - 2020, cao hơn 0,7% so với niên vụ trước.

Tổng sản lượng của Colombia ước tính đạt 14,1 triệu bao, cao hơn 1,7% so với niên vụ 2018 - 2019 nhờ sự tăng trưởng mạnh trong ba tháng đầu năm trước khi giá giảm và thời tiết trở nên bất lợi.

Sau ba năm sụt giảm, sản lượng tại Indonesia niên vụ 2019 - 2020 dự báo tăng 16,5% lên 11,2 triệu bao do thời tiết thuận lợi.

Sản lượng của Ethiopia đã tăng trưởng ổn định trở lại sau khi giảm 19% xuống 5,56 triệu bao trong niên vụ 2010 - 2011. Niên vụ 2019 - 2020, sản lượng nước này ước tính tăng 2,1% lên 7,7 triệu bao do thời tiết thuận lợi và lượng mưa tốt.

Nhu cầu cà phê toàn cầu tăng trưởng mạnh

Bước sang niên vụ 2019 - 2020, nhu cầu cà phê thế giới tăng mạnh khi tiêu thụ toàn cầu tăng 4,3% lên 168,7 triệu bao, cao hơn mức trung bình dài hạn khoảng 2%.

Tuy nhiên, tiêu thụ cà phê toàn cầu ước tính đạt 167,81 triệu bao, thấp hơn 0,5% so với niên vụ trước.

Trong khi nhu cầu tăng vọt do tâm lý hoảng loạn mua hàng tích trữ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, tiêu thụ cà phê trong những tháng còn lại của năm nay dự báo sẽ giảm do áp lực liên tục từ suy thoái kinh tế toàn cầu và sự phục hồi chậm chạp của việc tiêu thụ bên ngoài, đặc biệt là nhiều quốc gia lại tiếp tục phải đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ hai vào cuối năm.

So với niên vụ trước, nhu cầu ở 5 thị trường tiêu thụ cà phê hàng đầu, chiếm 63,7% tiêu dùng toàn cầu, đã giảm đáng kể.

Sau hai năm tăng trưởng mạnh, tiêu thụ tại Liên minh châu Âu ước tính đạt 45,04 triệu bao, thấp hơn 1,3% so với niên vụ trước.

Tại Mỹ, nước tiêu thụ lớn thứ hai thế giới, nhu cầu ước tính giảm 0,6% xuống 27,58 triệu bao trong khi tiêu thụ ở Brazil, nước đứng thứ ba về tiêu thụ cà phê, ước tính giảm 0,9% xuống còn 22 triệu bao.

Nhu cầu tiêu thụ tại Nhật Bản ước tính đạt 7,5 triệu bao, thấp hơn 0,8% so với niên vụ 2018 - 2019, trong khi tiêu thụ tại Indonesia ước tính giảm 1% xuống còn 4,75 triệu bao.

ICO: Niên vụ 2019 - 2020 kết thúc với thặng dư cà phê toàn cầu là 1,54 triệu bao - Ảnh 3.

Nguồn: ICO

Mặc dù cả sản xuất và tiêu thụ đều giảm, nhưng niên vụ 2019 - 2020 vẫn ghi nhận thặng dư 1,54 triệu bao với chỉ số giá tổng hợp ICO đạt 107,25 US cent/pound. Con số này cao hơn so với mức trung bình 100,47 US cent/pound trong niên vụ 2018 - 2019 khi thặng dư đạt 4,4 triệu bao.

Thặng dư cùng với vụ mùa 2020 - 2021, khi Brazil bước vào năm được mùa trong chu kì sản xuất cà phê arabica hai năm một lần, sẽ hạn chế sự phục hồi của giá cà phê.

Ngọc Ánh

Sự kiện chứng khoán nổi bật 2024: Thách thức mốc 1.300 điểm, khối ngoại bán ròng kỷ lục, VNDirect bị hacker quốc tế tấn công
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng năm thứ hai liên tiếp (2023 - 2024). Cùng điểm lại những sự kiện đáng chú ý nhất ngành chứng khoán trong năm qua như sự kiện nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục, hệ thống của VNDirect bị hacker quốc tế tấn công.