|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

ICO: Giá cà phê thế giới giảm sau 17 tháng tăng liên tiếp

06:30 | 12/04/2022
Chia sẻ
Giá cà phê thế giới được theo dõi bởi Tổ chức cà phê Quốc tế (ICO) đã giảm xuống dưới ngưỡng 200 US cent/pound trong tháng 3 do tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Về thương mại cà phê toàn cầu, xuất khẩu cà phê nhân tiếp tục sụt giảm trong khi cà phê hòa tan lại tăng mạnh.

Giá cà phê giảm sau 17 tháng tăng liên tiếp

Theo ICO, chỉ số giá cà phê toàn cầu trong tháng 3 đã giảm lần đầu tiên sau 17 tháng tăng liên tiếp với mức giảm 7,6% so với tháng trước, đạt bình quân 194,8 US cent/pound.

Trong tháng, mức giá thấp nhất ghi nhận được là 186,9 US cent/pound vào ngày 15/3 và cao nhất glà 202  US cent/pound vào ngày 1/3.

Trên sàn kỳ hạn New York,  giá cà phê arabica giảm 9,4% so với tháng trước, xuống còn 222,4 US cent/pound. Tương tự, giá cà phê robusta kỳ hạn tại London giảm 5,3% xuống 95,2 US cent/pound.

Bên cạnh đó, tồn kho cà phê arabica được chứng nhận trên sàn New York vào cuối tháng 3 đã tăng trở lại sau khi giảm vào tháng trước đó, với mức tăng 13,9% từ 1,1 triệu bao lên 1,2 triệu bao. Tồn kho cà phê robusta cũng tăng 5,8%, lên mức 1,6 triệu bao so với 1,5 triệu bao của tháng trước.

Mặc dù thị trường xuất hiện những diễn biến mới nhưng ICO vẫn giữ nguyên dự báo triển vọng thị trường cà phê thế giới.

Theo đó, sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 dự kiến đạt tổng cộng 167,2 triệu bao, giảm 2,1% so với 170,8 triệu bao của niên vụ 2020-221. Trong đó, sản lượng cà phê arabica đạt gần 94 triệu bao, giảm 7,1% so với niên vụ trước. Trái lại, sản lượng cà phê robusta dự kiến tăng 5,1% lên mức 73 triệu bao.

Cũng theo ICO, tiêu thụ cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 dự kiến đạt 170,3 triệu bao, tăng 3,3% so với 164,9 triệu bao của niên vụ trước. Do đó, thị trường cà phê toàn cầu sẽ thâm hụt khoảng 3,1 triệu bao trong niên vụ 2021-2022, trái ngược với mức thặng dư gần 6 triệu bao trong niên vụ 2020-2021.

Sự sụt giảm này chủ yếu là do nhà sản xuất số một thế giới là Brazil, đã thu hoạch một vụ mùa nhỏ hơn. Tuy nhiên, tình hình cung cầu có thể thay đổi do kinh tế thế giới tiềm ẩn nguy cơ suy thoái, chi phí đầu vào và sản xuất tăng, trong khi tiêu thụ giảm do cuộc xung đột tại Ukraine.

Chỉ số giá cà phê toàn cầu được theo dõi bởi ICO

 Nguồn: ICO

Xuất khẩu cà phê nhân giảm, cà phê hòa tan lên ngôi

Theo Tổ chức cà phê Quốc tế (ICO), trong tháng 2, xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu đạt 9,9 triệu bao (loại 60 kg/bao), giảm nhẹ so với 10,2 triệu bao của cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, sau 5 tháng đầu niên vụ 2021-2022 (tháng 10/2021 đến tháng 2/2022), xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu đã giảm 3% so với cùng kỳ niên vụ trước xuống còn 47,2 triệu bao.

Trong đó, xuất khẩu của nhóm cà phê arabica Brazil giảm 15,7% xuống 16,2 triệu bao; nhóm arabica Colombia giảm 12,7% xuống 5,4 triệu bao. Tuy nhiên, xuất khẩu của nhóm cà phê arabica khác tăng mạnh 17,8% lên mức 8,2 triệu bao; xuất khẩu nhóm cà phê robusta cũng tăng 6,7%, đạt 17,4 triệu bao.

Trái ngược với sự sụt giảm cà phê nhân, xuất khẩu cà phê hòa tan lại đang cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Tổng khối lượng cà phê hòa tan xuất khẩu toàn cầu đã tăng tới 64,9% trong tháng 2, lên 1,5 triệu bao so với 888.000 bao của tháng 2/2021.

Tính chung 5 tháng đầu niên vụ 2021-2022, đã có tổng cộng 5,7 triệu bao cà phê hòa tan được xuất khẩu trên toàn thế giới, tăng mạnh 21,7% so với cùng kỳ niên vụ trước (4,7 triệu bao). Đóng góp vào sự tăng trưởng này là hai quốc gia Brazil và Indonesia, với mức tăng trưởng xuất khẩu là 14,6% và 50,4%.

Xuất khẩu cà phê đã rang xay cũng tăng 4,2% trong tháng 2, lên 61.182 bao từ 58.733 bao vào tháng 2/2021.

Xuất khẩu cà phê các loại cà phê trong 5 tháng đầu niên vụ 2021-2022

  Nguồn: ICO 

Xuất khẩu cà phê của Brazil và Colombia giảm trong khi Việt Nam và các nước châu Á tăng mạnh

Từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 2 năm nay, xuất khẩu cà phê của khu vực Nam Mỹ giảm 14,5% xuống còn 25 triệu bao.

Trong quãng thời gian này các lô hàng xuất khẩu từ Brazil chỉ đạt 17 triệu bao, giảm mạnh 20,3% so với 21,3 triệu bao của niên vụ trước. Xuất khẩu của Brazil, nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới sụt giảm do các vấn đề về chuỗi cung ứng, tình trạng thiếu container và tắc nghẽn vận chuyển. Mặt khác, Brazil cũng có một vụ mùa nhỏ hơn theo chu kỳ hai năm một lần của cây cà phê arabica.

Xuất khẩu cà phê của Colombia, nước xuất khẩu cà phê lớn thứ ba thế giới cũng ghi nhận mức giảm 10,5% xuống còn 5,3 triệu bao, do điều kiện thời tiết bất lợi kéo dài làm giảm nguồn cung.

Trong khi đó, xuất khẩu cà phê của khu vực châu Á và châu Đại Dương tăng 21,6%, đạt 18,7 triệu bao trong 5 tháng đầu niên vụ 2021-2022.

Xuất khẩu của Việt Nam, nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới đạt 11,6 triệu bao,  tăng mạnh 19,1%. Mức tăng này một phần là bởi cùng kỳ năm ngoái xuất khẩu của Việt Nam ở mức thấp do các vấn đề về hậu cần, thiếu hụt container, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao và tắc nghẽn cảng biển tại các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và châu Âu.

Đáng chú ý là xuất khẩu cà phê của Ấn Độ tăng tới 48,8% lên mức 2,8 triệu bao trong 5 tháng đầu niên vụ 2021-2022.

Ngoài ra, xuất khẩu cà phê của Indonesia tăng 16,5% lên 3,6 triệu bao. Mức tăng này là nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp cà phê hòa tan. Indonesia đã xuất khẩu 1,1 triệu bao cà phê hòa tan trong giai đoạn từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 2 năm nay so với 0,7 triệu bao của cùng kỳ niên vụ 2020-2021.

Trên thực tế, xuất khẩu cà phê hòa tan của Indonesia cũng đã tăng gần gấp đôi so với mức 0,6 triệu bao đạt được trong cùng kỳ niên vụ 2017-2018.

Xuất khẩu cà phê của các khu vực trong 5 tháng đầu niên vụ 2021-2022

 Nguồn: ICO

Xuất khẩu cà phê của khu vực châu Phi trong 5 tháng đầu niên vụ 2020-2021 giảm nhẹ xuống còn 5 triệu bao so với 5,1 triệu bao của niên vụ trước.

Xuất khẩu cà phê của Uganda, nước xuất khẩu lớn nhất tại châu Phi tăng nhẹ 100.000 bao lên 2,4 triệu bao. Tuy nhiên, sản lượng giảm do hạn hán ở một số vùng trồng cà phê đang khiến xuất khẩu cà phê của nước này giảm xuống. Trong tháng 2, xuất khẩu cà phê của Uganda đã giảm 20,2% so với cùng kỳ xuống còn 449.000 bao.

Trong khu vực này, xuất khẩu cà phê của Ethiopia trong 5 tháng đầu niên vụ 2021-2022  tăng mạnh 24,6% và đạt 1,1 triệu bao. Ngược lại, xuất khẩu cà phê của Tanzania giảm 5,1% xuống 530.000 bao.

Tại khu vực Trung Mỹ và Mexico, xuất khẩu cà phê của khu vực này trong 5 tháng đầu niên vụ 2021-2022 đạt 4,6 triệu bao, tăng 13,4%. Mặc dù vậy, xuất khẩu của khu vực này trong tháng 2 đã giảm 4,1%, xuống còn 1,5 triệu bao.

Honduras, nhà sản xuất lớn nhất khu vực chỉ xuất khẩu 503.000 bao cà phê trong tháng 2, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Honduras (AHDECAFE), sản lượng cà phê của nước này giảm do ảnh hưởng bởi chu kỳ sản xuất hai năm một lần và sự xuất hiện của bệnh gỉ sắt trên lá cà phê.

Còn tại Mexico, quốc gia xuất khẩu lớn thứ hai của khu vực đã xuất khẩu 1,2 triệu bao cà phê trong 5 tháng đầu tiên của niên vụ 2021-2022, tăng 12,7% so với cùng kỳ niên vụ trước. Ngoài ra, xuất khẩu cà phê từ Guatemala cũng tăng mạnh 15,5% lên 810.000 bao.

Hoàng Hiệp