|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Huy động USD bằng cách nào?

08:20 | 20/07/2017
Chia sẻ
Trước yêu cầu của Thủ tướng tìm cách huy động ngoại tệ trong dân, các chuyên gia có ý kiến khác nhau trong việc xem xét nâng lãi suất tiền gửi USD.

Dù Thủ tướng đã 3 lần nhắc đến vấn đề tìm cách huy động nguồn lực ngoại tệ trong dân nhưng trong buổi làm việc với Tổ công tác của Chính phủ hôm 18-7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng vẫn chưa nêu giải pháp cụ thể.

Nên nâng lãi suất USD

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, nhiều năm qua, NHNN vẫn tiến hành các giải pháp tổng thể để điều hành tiền tệ nhằm bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Nhờ các giải pháp đúng đắn này, các nguồn lực trong nền kinh tế đã chuyển hóa sang VNĐ.

huy dong usd bang cach nao

Nâng lãi suất huy động tiền gửi USD đã được đề cập nhiều trong thời gian gần đâyẢnh: TẤN THẠNH

Năm 2016, NHNN mua vào gần 10 tỉ USD để tăng dự trữ ngoại hối. Trong đó, thặng dư thanh toán chỉ chiếm một phần nhỏ, còn chủ yếu là nguồn ngoại tệ nắm giữ trong dân đã được chuyển hóa sang VNĐ thông qua việc gửi tiền vào hệ thống NH. Đây là cách chuyển hóa nguồn ngoại tệ tốt nhất, phù hợp nhất trong điều kiện cần kiểm soát ổn định vĩ mô, không để những biến động ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ, NHNN. NHNN đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan về đề án chống đô la hóa, vàng hóa, trong đó nhấn mạnh các giải pháp vĩ mô, cụ thể là chuyển hóa nguồn lực vàng, USD vào đầu tư...

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một chuyên gia tài chính tiền tệ cho rằng khái niệm "huy động ngoại tệ trong dân" cách hiểu đúng là NHNN vay ngoại tệ thông qua nghiệp vụ huy động - cho vay của các NH thương mại. Như vậy, nhiều khả năng NHNN sẽ phải nâng trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ lên thay vì duy trì ở mức 0% từ tháng 12-2015 đến nay.

Từ đầu năm 2017, kiến nghị nâng trần lãi suất huy động USD bắt đầu "nóng" dần. Tại nhiều cuộc thảo luận, TS Cấn Văn Lực đều cho rằng NHNN cần nâng lãi suất huy động USD đối với tài khoản cá nhân lên 0,25%-0,5%/năm vì nền kinh tế vẫn có nhu cầu lớn vay ngoại tệ.

"Chỉ tính nửa đầu năm 2017, nhu cầu cho vay ngoại tệ đã tăng khoảng 5%, trong khi cùng kỳ năm 2016 chỉ tăng 1,5%-2%. Các NH thương mại đang phải vay USD ở nước ngoài với lãi suất 2,5%/năm, nếu huy động của dân sẽ rẻ hơn và không phải chịu hàng loạt điều kiện ràng buộc. Động thái này sẽ góp phần giảm lãi suất đầu vào lẫn đầu ra đối với USD mà vẫn tránh tình trạng đô la hóa" - chuyên gia này phân tích.

TS Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhìn nhận hạn chế hiện tượng đô la hóa trong nền kinh tế là mục đích mà NHNN đã theo đuổi 10 năm nay và tiếp tục phải theo đuổi để tạo nên vị thế đồng nội tệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, các nguồn lực của nền kinh tế đã đến giới hạn thì việc xem xét điều chỉnh lãi suất huy động USD để tạo kích thích mới cũng như tạo lượng vốn trong hệ thống NH là điều phải tính toán sao cho hài hòa các lợi ích.

Nếu lãi suất bằng 0% thì để USD ở nhà hay gửi NH như nhau nhưng nếu kỳ hạn 3 tháng có lãi suất tuy thấp, như 0,25%, thì người dân sẽ xem xét khả năng gửi vào hệ thống NH. Như vậy sẽ tạo cho NH lượng vốn tương đối ổn định, có kỳ hạn. Nếu kỳ hạn gửi trên 1 năm thì cơ cấu huy động trung và dài hạn của hệ thống NH được nâng lên.

Lo ảnh hưởng mục tiêu chống đô la hóa

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), lại nhận định: "Để VNĐ mạnh và ổn định, chúng tôi không tán thành việc huy động vàng hay USD dưới bất kỳ hình thức nào. Bởi lẽ, nếu thực hiện huy động, thêm chức năng lãi suất, 2 nguồn lực này sẽ có thêm chức năng lưu thông, trở thành phương tiện thanh toán, dễ gây hỗn loạn cho thị trường, khó khăn cho công tác điều hành tiền tệ".

Theo TS Nguyễn Đức Thành, NHNN đã có những bước đi hạn chế sự hấp dẫn của USD qua chính sách lãi suất 0%. Từ đó, giảm được tình trạng đô la hóa, giá trị tiền đồng luôn được giữ ổn định với khoảng biến động chỉ 1%-2%/năm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chênh lệch lãi suất có lợi cho việc nắm giữ VNĐ. Chính sách này cần tiếp tục được thực hiện nhất quán.

Cùng quan điểm này, TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh: "Tăng lãi suất USD vào thời điểm này là đi ngược lại xu hướng chống đô la hóa nền kinh tế và công lao giữ ổn định tỉ giá, thị trường ngoại hối bấy lâu nay đổ xuống sông xuống biển".

Theo TS Vũ Đình Ánh, NH thương mại đã huy động thì phải cho vay và như vậy là quay trở lại trạng thái đô la hóa nền kinh tế. Bởi lẽ, đô la hóa nền kinh tế hiểu đơn giản nhất là tỉ lệ huy động ngoại tệ/tổng vốn huy động chứ không hẳn là sử dụng USD trong quan hệ kinh tế - vô hình trung sẽ quay lại sùng bái ngoại tệ. Lo ngại nhất là quan hệ huy động - cho vay gây rủi ro cho cả 3 bên: người gửi, người vay và NH thương mại. Khi biến động tỉ giá, lãi suất không bù được cho tỉ giá sẽ trở lại trạng thái trước đây là hình thành 2 thị trường ngoại tệ chính thức và phi chính thức.

Về quan điểm cho rằng lãi suất 0% khiến USD từ bên ngoài không vào Việt Nam và ngoại tệ trong nước chảy ra bên ngoài, TS Vũ Đình Ánh cho rằng theo nguyên tắc, ngoại tệ vào Việt Nam chỉ để tận dụng chênh lệch lãi suất mà lãi suất trong nước nhích lên thì không đủ để có sự hấp dẫn này. Dòng tiền chảy ra ngoài cũng không dễ vì còn những biện pháp kiểm soát tiền tệ, hoạt động chống rửa tiền, kiểm soát nguồn gốc tiền...

"Tôi cho rằng tăng lãi suất cũng không hút được USD từ bên ngoài vào và cũng không hút được USD trong dân vô hệ thống. Vì trong vài năm qua, tỉ giá ổn định nên người dân không có nhu cầu lớn nắm giữ ngoại tệ. Còn đối với tổ chức, cá nhân găm giữ thì phụ thuộc vào sự mất giá và biến động của VNĐ. Do đó, cần phải phân tích và cân nhắc mục đích tăng lãi suất USD để làm gì, có tác động thế nào đến thị trường, từ đó đưa ra chính sách phù hợp" - ông Ánh kiến nghị.

Ông LÊ VĂN QUYẾT, Tổng Giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank):

Bước đầu, nên nâng lãi suất lên 0,5%/năm

Với lãi suất tiền gửi USD là 0%, người dân tập trung gửi VNĐ. Trong khi đó, các NH đang cho vay ngoại tệ khá nhiều khiến nguồn cung USD có phần hạn chế. Mặt khác, lãi suất USD trên thị trường quốc tế đang có xu hướng đi lên. Giả sử, NH vẫn duy trì lãi suất ngoại tệ 0% đồng thời tiếp tục cho vay bằng USD thì đầu vào và đầu ra ngoại tệ chưa hợp lý.

Do đó, bước đầu, lãi suất tiền gửi USD cần nâng lên 0,5%/năm để tăng cung ngoại tệ mà vẫn không ảnh hưởng chủ trương chống đô la hóa. Bởi lẽ, đối tượng đầu cơ USD thường kỳ vọng tỉ giá biến động và gần như không quan tâm đến lãi suất gửi ngoại tệ. Vì thế, nếu Việt Nam bảo đảm được cán cân thanh toán quốc tế, ổn định kinh tế vĩ mô thì tỉ giá biến động không đáng kể, tình trạng đầu cơ USD sẽ không tái diễn. Như thế, việc nâng lãi suất USD hoàn toàn phù hợp thực tiễn thị trường.

TS BÙI QUANG TÍN , Trường Đại học Ngân hàng TP HCM:

Nên chấp nhận tỉ lệ đô la hóa 10%-11%

Sáu tháng đầu năm 2017, dư nợ cho vay ngoại tệ toàn hệ thống NH tăng 7,3%, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ tăng 3,5%. Điều này cho thấy cầu ngoại tệ rất lớn. Nếu chúng ta vẫn giữ lãi suất tiền gửi USD 0% thì các NH khó có ngoại tệ để cho vay; còn nếu các NH thương mại vay USD nước ngoài thì lãi suất rất cao. Vì thế, lãi suất tiết kiệm USD tại Việt Nam cần tăng lên 1%/năm để thu hút người gửi. Với mức lãi suất này, chúng ta không lo ngại thị trường tái diễn tình trạng đầu cơ USD. Năm 2017, tỉ giá có thể tăng 2%, cộng với lãi suất tiền gửi USD 1%, người nắm giữ USD chỉ sinh lời 3%. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi VNĐ ở mức 6%-8%. Như thế, việc găm giữ USD sẽ không còn hấp dẫn.

Về chủ trương chống đô la hóa, theo tính toán của tôi, tỉ lệ sử dụng USD tại Việt Nam khoảng 10%-11%/sử dụng VNĐ. Số liệu này chứng tỏ tình trạng đô la hóa đã giảm đáng kể so với nhiều năm trước là 14%-15%. Do đó, chúng ta cần phải chấp nhận một tỉ lệ như hiện nay để tạo ra thanh khoản, tăng nguồn cung USD cho các NH thương mại bởi nhu cầu vay USD của doanh nghiệp là rất lớn.

Ông VÕ VĂN CHÂU, Tổng Giám đốc Ngân hàng Kiên Long (KienlongBank):

Tăng lãi suất để thị trường không bị méo mó

Với lãi suất tiền gửi 0%, lâu nay người dân vẫn gửi USD vào NH rồi ngay sau đó, họ lại thế chấp sổ tiết kiệm để vay lại VNĐ với lãi suất 4%-5%/năm, tiếp tục gửi tiết kiệm VNĐ với lãi 6%-7%. Như vậy, người gửi USD đã có mức sinh lời 2%/năm.

Với quy trình gửi tiền như trên, NH chỉ có số liệu huy động vốn bằng USD là thực. Còn các con số huy động vốn, dư nợ cho vay bằng VNĐ gần như không có ý nghĩa. Do đó, lãi suất tiền gửi USD cần tăng lên 1% hoặc vài % để người dân tập trung gửi tiết kiệm ngoại tệ, không phải lòng vòng trong việc gửi USD - thế chấp sổ tiết kiệm - vay, gửi VNĐ, làm méo mó thị trường.

T.Thơ ghi

Tô Hà