Huy động nhân lực chuẩn bị vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) vừa có thông báo về việc huy động toàn bộ nhân sự vận hành tuyến đường sắt đô thị số 2A, Cát Linh - Hà Đông kể từ ngày 27/10.
Theo đó, trong hai ngày 27 và 28/10, công ty tổ chức kí hợp đồng lao động và tổ chức may đo đồng phục cho toàn thể cán bộ công nhân viên. Công tác ôn luyện đào tạo, tập huấn vận hành sẽ bắt đầu ngay từ ngày đầu tháng 11/2020.
Ngoài ra, trong thời gian vận hành thử, các nhân sự hưởng mức lương tối thiểu vùng 1 + 7%, có đóng các loại bảo hiểm cho người lao động theo qui định. Đối với lao động thử việc được hưởng mức lương tối thiểu vùng 1.
Khi đi vào vận hành thương mại, người lao động được hưởng mức lương theo thang bảng lương được phê duyệt và đóng bảo hiểm theo đúng qui định của Nhà nước.
Trước đó, ngày 19/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã kí quyết định Qui định về quản lí, vận hành, khai thác và bảo trì tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2A Cát Linh - Hà Đông. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 29/10.
Theo đó, Metro Hà Nội có trách nhiệm ban hành biểu đồ chạy tàu tuyến đường sắt trên để tổ chức triển khai thực hiện và gửi cơ quan chức năng để giám sát việc thực hiện biểu đồ chạy tàu chậm nhất 10 ngày trước ngày biểu đồ chạy tàu có hiệu lực thi hành.
Sau khi có biểu đồ chạy tàu, Công ty này có trách nhiệm công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp và tại các ga.
Ngoài ra, UBND các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông có trách nhiệm thực hiện các qui định về quản lí, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt và các qui định hiện hành khác có liên quan.
Metro Hà Nội căn cứ phương án vận hành và phương án kinh doanh được cấp thẩm quyền duyệt sẽ xây dựng phương án, đề xuất nhu cầu kinh phí chi trợ giá, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí ngân sách hằng năm,...
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (Hà Đông) có chiều dài 13 km với 12 ga đưa đón khách, trên lộ trình: Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng - ĐH Quốc gia - vành đai 3 - Thanh Xuân - Bến xe Hà Đông - trung tâm Hà Đông - La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới, và khu đề-pô tại Ba La (Hà Đông).
Tuyến có 13 đoàn tàu (mỗi đoàn 4 toa), tuần suất hoạt động 4 đến 6 phút/lượt, tốc độ vận chuyển tối đa 80km/h.
Dự án được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỉ đồng (tương đương 552 triệu USD).
Quá trình thực hiện, dự án đội vốn lên hơn 18.000 tỉ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), trong đó vốn vay của Trung Quốc là 669,62 triệu USD và 198,42 triệu USD vốn đối ứng Việt Nam.
Dự án được khởi công năm tháng 10/2011, dự kiến hoàn thành tháng 6/2015. Đến nay dự án đã có một số lần chạy tàu thử nghiệm nhưng vẫn chưa thể chạy chính thức.