Hưng Yên vật lộn cứu mùa nhãn 'mất giá vì bội thu' thế nào?
Hưng Yên ước đạt 40.000 tấn nhãn trong năm nay |
Người dân đóng gói nhãn xuất đến siêu thị. |
Với diện tích hơn 200ha và sản lượng dự kiến lên tới 4.000 tấn, nhãn lồng xã Hồng Nam (huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) không chỉ là vựa nhãn lớn của Hưng Yên mà còn đối với cả nước. Trong những ngày đầu thu hoạch, để khắc phục tình trạng được mùa mất giá chính quyền địa phương đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại và tăng cường chế biến long nhãn.
Ông Vũ Duy Hân - Chủ tịch UBND xã Hồng Nam - cho biết, năm nay do thời tiết tương đối thuận lợi nên sản lượng nhãn của xã Hồng Nam được mùa lớn, ước tính gấp 1,5 lần năm 2017. Tuy nhiên so với năm 2017, giá nhãn lại giảm từ 5.000-10.000 đồng/kg, nguyên nhân chủ yếu là do năm nay nhãn cả nước được mùa, cung vượt cầu dẫn đến giá nhãn giảm.
Ông Vũ Duy Hân - Chủ tịch UBND xã Hồng Nam (Tiên Lữ, Hưng Yên). |
Nắm bắt được thực trạng trên nên ngay từ đầu tháng 8 khi người dân bắt đầu vào vụ thu hoạch nhãn, xã và thành phố đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động thúc tiến thương mại, điển hình là Lễ hội Nhãn lồng Hưng Yên năm 2018 được tổ chức hôm 11.8. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng tích cực đi tới các tỉnh, thành phố để tháo gỡ đầu ra cho các sản phẩm nhãn trên địa bàn.
Nhãn sai kín đường làng. |
Cho tới thời điểm hiện tại, trong tổng số 4.000 tấn nhãn năm nay mà xã Hồng Nam dự kiến thu hoạch có 1.000 tấn nhãn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đã được UBND xã đảm bảo sẽ tiêu thụ hết cho bà con.
Hiện tại, các sản phẩm nhãn VietGap trên địa bàn đã ký được hợp đồng với: Big C Thăng Long, Vietnam Airline, Tập đoàn An Việt… với giá bán dao động từ 30.000-35.000 đồng/kg, nhưng giá không ổn định mà sẽ điều chỉnh theo tuần, tùy thuộc vào biến động của thị trường.
Nhãn sai trĩu cành. |
Với các sản phẩm nhãn ngoài vùng VietGap còn lại, các doanh nghiệp không chấp nhận vì nhãn không đảm bảo tiêu chuẩn, xã đã có định hướng tăng cường vận động các cơ sở chế biến mua nhãn về làm long hướng tới xuất khẩu. Nhãn trong trường hợp này, giá bán dao động từ 8.000-12.000 đồng/kg, sau khi chế biến xong, chủ cơ sở bán dao động từ 170.000-180.000 đồng/kg, trung bình cứ 1kg nhãn sau khi chế biến sẽ được 1,2gr long nhãn thành phẩm.
Tuy nhiên với sản lượng lớn, lượng nhãn ngày một nhiều, trong khi đầu ra vẫn còn hạn chế nên không chỉ các hộ dân ngoài vùng VietGap mà cả những hộ dân trong vùng VietGap cũng hết sức lo lắng. Được biết, xã Hồng Nam có khoảng 1.200 hộ dân chủ yếu sống và phụ thuộc vào nghề trồng nhãn. Mỗi năm, người dân thu nhập trung bình từ 43-45 triệu đồng/người/năm.
9 giờ sáng mai (17.8), Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên tại Hà Nội 2018 sẽ diễn ra ở Siêu thị Big C Thăng Long. Đây là hoạt động xúc tiến thương mại của UBND tỉnh Hưng Yên phối hợp với Big Thăng Long nhằm giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nhãn trên địa bàn.
Trước đó, ngày 4.8.2018, dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là tiêu thụ nhãn của tỉnh năm 2018.