|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Quảng Ngãi tìm đầu ra cho dưa hấu

11:27 | 18/04/2018
Chia sẻ
Hội nghị kết nối tiêu thụ và khảo sát thực tế tại Quảng Ngãi trong hai ngày 16 và 17/4 là cơ hội để Quảng Ngãi tìm kiếm đối tác tiêu thụ dưa hấu và các nông sản của tỉnh, tiến tới phát triển nông nghiệp bền vững và giải quyết bài toán “được mùa mất giá”.
quang ngai tim dau ra cho dua hau Nghịch lý dưa hấu được mùa, được giá nông dân vẫn canh cánh lo
quang ngai tim dau ra cho dua hau Giải cứu dưa hấu, thịt heo sẽ còn tiếp diễn nếu nông dân kinh doanh như hiện nay
quang ngai tim dau ra cho dua hau

Các doanh nghiệp đi khảo sát thực tế các ruộng dưa tại Quảng Ngãi. Ảnh: Hà Linh

Điệp khúc “được mùa mất giá”

Đoàn công tác do ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), dẫn đầu, đã thăm cánh đồng trồng dưa hấu thuộc thôn An Quang, xã Bình Thanh Tây, huyện Bình Sơn hôm 16-4. Đây là thời gian nông dân đang bước vào vụ thu hoạch nhưng lại lo lắng đầu ra. Bà Huỳnh Thị Nguyệt, một nông dân, cho biết: “Thời điểm này giá dưa đã rớt xuống còn 5.500 đồng/kg, trong khi giá đầu tháng ở mức gần gấp đôi con số này. Trung bình 1 sào (500 m2) sẽ cho thu hoạch khoảng 2,5 tấn dưa và hầu như năm nào dưa cũng đạt năng suất cao. Tuy nhiên, từ năm này qua năm nọ, dưa đến kì thu hoạch thì thương lái mới tìm tới xem hàng và ngã giá. Chính điều này khiến chúng tôi rất bị động vì nếu lỡ thương lái quay lưng thì chúng tôi chẳng khác nào ngồi trên đống lửa. Để rồi cậy nhờ khắp nơi giải cứu dưa như nhiều năm trước”.

Cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Công Thương cũng đã đến khảo sát cánh đồng ớt ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn và một khu vực trồng dưa hấu quy mô lớn khác ở bãi bồi dọc theo con sông Trà Khúc thuộc xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh. Câu chuyện “được mùa mất giá” ở đây cũng xảy ra tương tự như thôn An Quang.

Ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến điệp khúc dưa hấu được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa cứ lặp đi lặp lại từ năm này qua năm nọ. “Nông dân trồng dưa hấu một cách tự phát, đa phần sản xuất nhưng chưa xác định được thị trường về số lượng và chất lượng sản phẩm,” ông cho biết và nói thêm mặt khác bà con hầu như chưa có sự gắn kết với các hệ thống bao tiêu mà chỉ bán lẻ sản phẩm trực tiếp. “Chính vì vậy, tôi hy vọng hội nghị sẽ là “chìa khóa” mở toang cánh cửa thị trường tiêu thụ dưa hấu nói riêng và các mặt hàng nông sản nói chung”, ông Bính chia sẻ.

Giải pháp từ… thị trường Trung Quốc?

Ông Trần Duy Đông cho biết một trong những mục tiêu mà Bộ Công Thương đặt ra qua Hội nghị kết nối tiêu thụ dưa hấu và một số nông sản có thế mạnh tại tỉnh Quảng Ngãi là các đơn vị tham gia sẽ cùng nhau tìm hướng đi mới, giúp nông dân Quảng Ngãi nói riêng và các tỉnh sản xuất dưa hấu nói chung trên cả nước giải bài toán mang tên thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đại diện của 7 sở công thương các tỉnh thành như Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi, hội nghị còn thu hút sự tham dự của hàng chục thương nhân Việt Nam và Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

quang ngai tim dau ra cho dua hau
Các doanh nghiệp tham gia ký kết thu mua sản phẩm nông sản của Quảng Ngãi. Ảnh: Hà Linh

Ông Tô Đức Mậu, Hội trưởng Thương hội xuất nhập khẩu hoa quả Bằng Tường, thành phố Bằng Tường, Trung Quốc, cho biết sau khi đi thực tế một số cánh đồng trồng loại dưa hắc mỹ nhân ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, thương hội quyết định kết nối giao thương với nông dân trồng dưa hấu trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến. Được biết, Thương hội Bằng Tường là đơn vị hàng đầu Trung Quốc về xuất nhập khẩu nông sản (chiếm 51% khối lượng xuất nhập khẩu hoa quả Trung Quốc). Trung bình mỗi năm, lượng nông sản xuất nhập khẩu của Thương hội này lên đến 2,3 triệu tấn.

Tại sự kiện, bốn sở công thương của Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định đã ký hợp đồng hợp tác với hai đơn vị đồng cấp của Lạng Sơn, Lào Cai và UBND thành phố Móng Cái, Quảng Ninh để xuất khẩu dưa hấu và nông sản sang cửa khẩu.

Nhiều thương nhân hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trong nước cũng cho biết sẵn sàng hỗ trợ bà con nông dân kết nối với thị trường nước ngoài. Cụ thể, Công ty cổ phần Thành Đạt - doanh nghiệp đang phân phối sản phẩm hoa quả của Việt Nam qua Trung Quốc, lần đầu tiên đến miền Trung để tìm hiểu về nông sản. Ông Dương Văn Thành, Chủ tịch HĐQT của công ty, cho biết: "Qua hội nghị lần này, tôi đang xem xét trong lương lai gần có thể hỗ trợ giúp việc tiêu thụ dưa hấu cũng như một số mặt hàng nông sản khác của địa phương Quảng Ngãi được thông suốt”.

Hội nghị kết nối nông sản được tổ chức cả nước

Bên cạnh Quảng Ngãi, sắp tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trong cả nước tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, qua đó tạo môi trường trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, xúc tiến mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong nước và nước ngoài.

Hà Linh