Huawei đấu Samsung - cuộc chiến vương quyền mới của ngành di động
Huawei cũng đang phát triển smartphone 5G gập được |
Cuộc chiến vương quyền mới của ngành di động
"Họ đã đến rất gần. Tuy vậy họ chỉ là đứng phía sau chúng tôi", một giám đốc điều hành Samsung giấu tên nói với Nikkei. "Họ" ở đây là một thế lực đến từ Trung Quốc.
"Thật khó để đối phó với họ bởi vì chúng tôi cần một chiến lược tùy biến để chống lại từng công ty”, người này nói thêm.
Theo Nikkei, công ty Hàn Quốc tin rằng lợi thế của họ nằm ở công nghệ. Tuy vậy, tốc độ phát triển kinh hoàng về doanh số của Huawei trên toàn cầu và sự thống lĩnh thị trường Ấn Độ của Xiaomi khiến Samsung phải bắt đầu lo lắng.
"No king rules forever, my son" (Không có vị vua nào mãi mãi, con trai) - câu nói nổi tiếng của King Terenas Menethil II trong World of Warcraft từng ứng vào số phận của Blizzard trong làng game, cũng vẫn đúng khi nói về thị trường công nghệ.
Bài học của những ông lớn một thời như Nokia, BlackBerry hay Kodak... vẫn còn đó. Từng ở vị thế số 2 nhiều năm trước khi dẫn đầu, Samsung biết rõ sự nguy hiểm của những kẻ đang bám đuổi như Huawei: thích ứng cực nhanh, sẵn sàng làm tất cả để đạt mục tiêu.
Cơn sóng ngầm hung hãn
Vào tháng 2/2016, Richard Yu, Giám đốc điều hành mảng smartphone của Huawei tuyên bố hãng sẽ đứng đầu thị trường điện thoại thông minh vào năm 2021. Tại thời điểm đó, nhiều người đã cười ông. Dư luận cho rằng Yu thuộc top những lãnh đạo “ảo tưởng sức mạnh” đến từ Trung Quốc.
Vài năm trước, không ai ngoài Trung Quốc biết Huawei. Công ty này thành lập năm 1987, chuyên bán các thiết bị viễn thông.
Dư luận từng cho rằng Yu thuộc top những lãnh đạo “ảo tưởng sức mạnh” đến từ Trung Quốc. |
Huawei Ascend là smartphone Android đầu tiên của hãng được ra mắt vào tháng 10/2010. Trong 8 năm sau đó, Huawei đã lần lượt vượt qua các đối thủ tại Trung Quốc như Oppo, Xiaomi. Quý II/2017, Huawei chính thức qua mặt Apple, đứng thứ 2 doanh số smartphone bán ra trên toàn cầu.
Tháng 7/2018, Yu một lần nữa tuyên bố sẽ vượt mặt Samsung trong 2 năm tới. Samsung đang là rào cản cuối cùng để Huawei thực hiện tham vọng thống lĩnh thị trường smartphone toàn cầu.
Tốc độ phát triển của Huawei hiện tại chứng minh được Richard Yu không nói đùa hay ảo tưởng. Trong nửa đầu 2017, Huawei đạt doanh thu 15,6 tỉ USD. Điều này thể hiện mức tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2016, theo IDC.
Trong khi thị trường smartphone giảm liên tiếp 3 quý, Huawei vẫn đạt mức tăng trưởng đáng ngạc nhiên. |
Kết thúc quý I/2017, Huawei đứng thứ 3 với 10% thị phần, sau Apple với 14,7%. Thế nhưng kết thúc quý II/2017, Huawei đã chính thức qua mặt Apple.
Theo số liệu tháng 7/2018 từ Canalys, Huawei đang đứng thứ hai thị trường với 54 triệu chiếc smartphone bán ra trong năm 2018. Xếp sau Huawei là Apple với 41 triệu chiếc và Samsung dẫn đầu với 73 triệu chiếc.
Trong khi hai “ông lớn” Apple và Samsung có mức tăng trưởng so với năm trước lần lượt 1% và -8% thì Huawei "lên tiếng" với 41%. Những con số khiến “táo” và “sung” buộc phải lo ngại.
Cuộc đua nghiên cứu và phát triển
Không phải dễ để một thương hiệu như Huawei làm được việc này. Sự tăng trưởng của Huawei đến từ sản phẩm. Theo tờ Phonandroid của Pháp, hầu hết người dùng đều hài lòng về các sản phẩm của Huawei.
Suốt 8 năm làm smartphone, Huawei chưa từng dính những lỗi khiến hãng phải thu hồi hay nhận sự tẩy chay từ người dùng như nổ pin của Samsung hay chết nguồn như LG. Trường hợp bom tấn Mate 20 Pro dính lỗi hở sáng màn hình xanh gần đây vẫn chưa đủ để Huawei bị tẩy chay.
Bên cạnh tiếp thị, Huawei khá nghiêm túc trong việc đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) để ra đời những công nghệ mới, đặc biệt ở chip mạng LTE và công nghệ camera.
Theo Phonearena, Huawei chi 15% trong doanh thu 92,5 tỷ USD của mình, tương đương 13 tỷ USD vào R&D trong năm 2017. Bên cạnh đó, nhân viên R&D của Huawei chiếm đến 45% tổng nhân sự.
Theo báo cáo của Uỷ ban Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Liên minh Châu Âu (EU Industrial R&D Investment Scoreboard), Huawei đứng thứ 6 trong số các công ty công nghệ toàn cầu đầu tư nhiều vào R&D. Trong khi đó, Samsung chi gần bằng Huawei với 14,8 tỷ USD, chiếm 7% doanh thu cho R&D trong năm 2017.
Huawei Mate 20 Pro được giới chuyên gia nhận xét chứa hàm lượng công nghệ cao. Điều này cho thấy Huawei nghiêm túc trong khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm. |
Tại sự kiện IFA 2018, Huawei trình làng Kirin 980, chipset tiến trình 7 nm đầu tiên trên thế giới của mình. Trước đó, chip 970 với nhân NPU hỗ trợ tác vụ trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới cũng được hãng này trang bị cho Huawei P20 Pro. Theo Phonearena, phải đến năm sau, chipset có NPU với tên gọi Exynos 9820 của Samsung có lẽ mới xuất hiện.
Bên cạnh đó, chip LTE, công nghệ 5G hay cụm 3 camera "khủng" cũng là những điểm đáng ghi nhận về mặt nghiên cứu và phát triển của Huawei.
Tuy vậy, Huawei vẫn chỉ dừng lại ở mức nghiên cứu và phát triển như Apple. Hãng vẫn cần những bên cung ứng linh kiện mới có thể vận hành. Theo Nikkei, điều này góp phần làm đội giá bán, giảm lợi nhuận của hãng.
Trong khi đó, Samsung tự chủ hầu hết linh kiện trên sản phẩm của mình. Điều này giúp hãng chủ động hơn trong việc đặt giá bán smartphone. Samsung đang phát triển thế hệ smartphone màn hình gập, được kỳ vọng thay đổi bộ mặt ngành di động đang rất nhàm chán khi hầu hết chạy theo thiết kế màn hình khuyết của Apple.
Màn hình gập là trận chiến tiếp theo
Thị trường di động thời gian tới sẽ cạnh tranh rất khốc liệt hơn. Các hãng sản xuất cần có sự thay đổi chiến lược bởi smartphone ngày nay đã quá nhàm chán bởi mẫu mã, tính năng quen thuộc.
Tarun Pathak, Phó Giám đốc tại Counterpoint Research, cho biết đây là lần đầu tiên thị trường smartphone toàn cầu giảm trong ba quý liên tiếp. Có thể là do nhu cầu suy yếu tại các thị trường phát triển như Trung Quốc, Mỹ và Tây Âu. Đây là những thị trường chiếm gần một nửa doanh số bán điện thoại thông minh trên toàn cầu. "Việc thiếu hụt sự đổi mới mạnh mẽ và dòng đời sản phẩm ngày càng kéo dài khiến người dùng không có nhu cầu thay đổi thiết bị”, Counterpoint nhận định.
Điện thoại màn hình gập được kỳ vọng sẽ thay đổi thị trường di động đang dần nhàm chán. |
Ngày 10/11, Samsung chính thức hành động. Họ hé lộ với cộng đồng nhà phát triển một chiếc smartphone có màn hình gập. Thiết bị này có kích thước tương tự tablet 7,3 inch nhưng khi xếp lại chỉ bằng một bao thuốc lá.
Theo The Verge, smartphone này hứa hẹn sẽ thay đổi thói quen sử dụng di động của mọi người. “Nó có thể thay thế máy tính bảng hoặc thậm chí là laptop”, The Verge viết.
Để làm được việc này, Samsung phối hợp với đội ngũ Google để tạo ra hệ điều hành Android mới, hỗ trợ chạy 3 ứng dụng cùng lúc cho smartphone mới này. Đây có lẽ là điểm yếu lớn của Huawei khi họ vẫn đang loay hoay trong sân nhà để cải thiện EMUI cho mượt mà hơn. Dù đang rất mạnh về camera và chip mạng, nhưng phần mềm vẫn đang là vấn đề lớn của Huawei.
Với chiếc điện thoại gập, Samsung hy vọng sẽ lấy lại được đà tăng trưởng. Việc Samsung sở hữu Samsung Display (công ty con chuyên bán màn hình cho các đối tác) sẽ ra rào cản lớn nhất để Huawei có thể theo kịp công nghệ màn hình gập.
Theo Nikkei, Samsung buộc phải gây áp lực với Samsung Display để giữ lại công nghệ màn hình gập cho riêng mình. Công ty con dự kiến sẽ cung cấp màn hình gập riêng cho Samsung Electronics trong giai đoạn đầu. Sau đó mới đến lượt các hãng di động khác được đặt hàng.
Không chịu thua kém, Huawei cũng hợp tác với BOE Technology Group, nhà sản xuất màn hình hàng đầu Trung Quốc, đối tác Apple, để phát triển màn hình OLED gập.
Trong quá khứ, Huawei mất khá ít thời gian để bắt kịp các đối thủ. Theo Nikkei, không chỉ bằng cách "sao chép" sáng chế của các đối thủ, Huawei còn đầu tư R&D để dẫn đầu thị trường. Từ năm 2010-2013, Huawei nhanh chóng vượt mặt HTC, Nokia để vươn lên vị trí thứ 3 thị phần smartphone toàn cầu.
Bài toán Mỹ, Trung, Ấn
Thị phần của điện thoại thông minh Huawei dẫn đầu ở Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha, Ba Lan, Ý và Ai Cập. Hãng đứng hạng 2 tại 30 quốc gia khác trong đó có Pháp, Phần Lan, Hungary, Áo và UAE.
Tuy nhiên, theo Credit Suisse, quỹ tín dụng Thụy Sĩ, Huawei có thể gặp trở ngại rất lớn với tham vọng dẫn đầu toàn cầu của mình. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung là nguyên nhân lớn nhất.
“Đối với các thị trường đã phát triển, Samsung có thể có lợi thế so với Huawei, khi hãng không phải đối mặt với các nguy cơ chính trị trong tình hình chính trị hiện nay", đại diện Credit Suisse nói.
Samsung và Huawei đều có cho mình những thị trường chủ lực. Ảnh: Samsung News. |
"Nhưng đối với các thị trường đang lên như Trung Quốc, Huawei lại có lợi thế với sự hiện diện rộng rãi và lịch sử xuất khẩu công nghệ tương đối tiên tiến cùng mức giá hợp lý", người này nói thêm.
Tuy vậy, quỹ tín dụng Thụy Sĩ nhận định vẫn còn quá sớm để biết ai sẽ chiến thắng trong trận chiến mới nhất này. Cả hai công ty châu Á đều muốn đổi mới và cả hai đều có khả năng chiến thắng.
Ngoài ra, Ấn Độ - thị trường lớn thứ hai sau Trung Quốc cũng bị Huawei bỏ lỡ. Cả Huawei và Honor, thương hiệu con của Huawei đều không xuất hiện ở top 5 thương hiệu di động bán chạy của quốc gia này dù doanh số dòng Nova trên toàn cầu lên đến 50 triệu chiếc.
"Mất thị phần ở Mỹ buộc Huawei phải chăm chỉ hơn ở châu Âu và các thị trường mới nổi" Tarun Pathak, Counterpoint Research. |
Nếu muốn dẫn đầu, Huawei phải mở rộng ra các thị trường mới nổi, bắt đầu với Ấn Độ. Thị trường khổng lồ này cho phép Huawei bán điện thoại thông minh giá rẻ của mình với số lượng lớn.
Tuy nhiên, rất khó để tìm ra con đường sinh lợi ở đất nước này. Có quá nhiều thương hiệu giá rẻ tại Ấn Độ và sức mua của người dùng tại quốc gia này khá thấp. Theo nhận định của Counterpoint, điện thoại thông minh ở Ấn Độ đa phần có giá dưới 3 triệu đồng. Samsung vẫn đang đứng thứ hai tại đây với Galaxy J2, smartphone thuộc dòng giá rẻ, sau Xiaomi. Huawei muốn dẫn đầu tại Ấn Độ, họ bắt buộc phải vượt qua Samsung và Xiaomi, hai thương hiệu vốn tiếp cận thị trường đông dân này sớm và hiệu quả hơn.
Ở một bình diện khác, Samsung cũng đang chật vật để lọt vào top 10 thị phần tại Trung Quốc, sân nhà của Huawei, dù sở hữu thứ hạng tốt tại Mỹ và Ấn. Tiếp tục tối ưu thị trường Trung Quốc sẽ giúp thương hiệu Hàn Quốc củng cố vị trí dẫn đầu.
Theo Gizmochina, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đang nghiên cứu một chiến lược để vượt mặt Xiaomi tại Trung Quốc. Mang các tính năng mới lên dòng sản phẩm tầm trung trước cả dòng cao cấp là một trong số những chiến lược Samsung bắt đầu sử dụng.
Công ty Hàn Quốc gần đây đã tung ra smartphone 4 camera đầu tiên của mình là Galaxy A9 và Galaxy A6 với giá khởi điểm tương ứng 503 USD và 259 USD. Galaxy A6s nhận được phản hồi tốt từ thị trường tốt Trung Quốc. Theo Sino, Samsung đã bán được 1,23 triệu chiếc trong quý III/2018.
Samsung là thương hiệu châu Á có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Forbes |
Theo xếp hạng của Forbes năm 2017, Samsung là thương hiệu châu Á có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Theo Statista, tính đến 7/2017, công ty Hàn Quốc đứng đầu bảng xếp hạng với 31,6%. trong khi đó Huawei chỉ có 4,5% ảnh hưởng. Điều này cho thấy Samsung có thương hiệu vững mạnh để có thể bán từ flagship đến smartphone giá rẻ.
Trong khi đó, Huawei đang xây dựng hình ảnh thương hiệu cao cấp bằng việc ra mắt thương hiệu con Honor, chuyên bán sản phẩm "giá tốt". Chiến lược này khá thành công khi ước tính Honor chiếm gần 2/3 trong tổng số 16 smartphone Huawei bán ra trong quý II/2017.
Gần 4 triệu chiếc Honor đã được bán ngoài thị trường Trung Quốc. Theo IDC, smartphone của Honor là tăng trưởng chính của Huawei.
Thương hiệu là thế mạnh lớn của Samsung mà Huawei phải mất nhiều thời gian và tiền của mới có được. |
Tham vọng dẫn đầu thị trường smartphone của Huawei không còn là "ảo tưởng". Tốc độ phát triển và thứ hạng thị phần hiện tại của hãng đang chứng minh điều đó. Tuy vậy, Samsung vẫn đang chiếm ưu thế về việc chủ động trong sản xuất linh kiện và độ lớn thương hiệu.
Samsung tạm thời thắng thế về mặt thị phần vì đứng nhì tại Ấn Độ, được bán rộng rãi tại Mỹ và không bị cấm ở Trung Quốc. Trong khi đó, Huawei vẫn chưa thể đặt chân vào Mỹ, không xuất hiện top đầu tại Ấn. Có chỗ đứng ở cả ba thị trường Ấn, Mỹ, Trung là điều kiện cần nếu Huawei muốn dẫn đầu trong hai năm tới.
Xem thêm |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/