HSBC: Ngay cả TPP thất bại, Việt Nam vẫn vươn về phía trước
|
Hôm nay (28/9), HSBC vừa công bố Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô Việt Nam, triển vọng Thị trường: Mọi trông đợi đều đổ dồn vào cải cách.
Tăng trưởng đi đầu châu Á
Tuy không đưa ra dự đoán chính xác về tăng trưởng, nhưng HSBC nhận định: "Việt Nam vẫn có nhiều khả năng duy trì vị trí đi đầu ở châu Á với GDP tăng trưởng nhanh, miễn là các cuộc cải cách phải được thực hiện".
Ngân hàng này cho biết, hiện tại còn gặp nhiều thách thức về lạm phát và chính sách tài khóa, nhưng Việt Nam vẫn hứa hẹn nhiều triển vọng tăng trưởng.
Trước hết, hai yếu tố then chốt được HSBC cho là 'đòn bẩy' tăng trưởng trong 9 tháng qua gồm sản xuất và xuất nhập khẩu vẫn duy trì ở mức cao. Trong khi đó, một số nước châu Á và hầu hết các nền kinh tế phương Tây đang phải vật lộn để giữ trên mức có tăng trưởng.
HSBC cho rằng, ngay cả khi thỏa thuận TPP thất bại, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ việc gia tăng thâm nhập vào các thị trường của các đối tác thương mại chính. Bởi, Việt Nam đã kí nhiều hợp đồng thương mại với Hàn Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu.
"Bất kể số phận của thỏa thuận TPP như thế nào, Việt Nam vẫn đang vươn lên phía trước với kế hoạch cắt giảm thuế và loại bỏ bớt những rào cản cho các doanh nghiệp để giúp họ có thêm năng lực cạnh tranh trên trường thế giới", báo cáo của HSBC nhận định.
Bên cạnh đó, HSBC cho rằng, cải cách trong nước vẫn có ý nghĩa quan trọng nhất cho sự tăng trưởng bền vững.
Dẫn chứng là, Việt Nam cũng đang cố gắng đẩy nhanh quá trình bán các công ty Nhà nước, vì Chính phủ cần tiền để kiểm soát thâm hụt ngân sách và giảm nợ công nặng nề. Chưa kể, việc cải cách quy trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước đem lại sự minh bạch cao hơn về giá. Qua đó, Chính phủ cũng loại bỏ trần sở hữu nước ngoài trong một số lĩnh vực nhất định.
Những cải thiện của Bộ Tài chính về thu ngân sách trong những tháng còn lại của năm bằng cách thắt chặt quản lý thuế, đặc biệt là nợ được HSBC đánh giá cao.
Tuy nhiên, vào tháng 8 vừa qua, HSBC nhận định tăng trưởng Việt Nam khó đạt được mức GDP 6,7% theo kì vọng của Chính phủ. Ngân hàng này dự đoán tăng trưởng sẽ nằm xung quanh mức 6% trong năm nay (trước đó, dự báo tăng trưởng GDP của ngân hàng là 6,3% trong năm 2016 và 6,6% trong năm 2017).
Hôm qua, 27/9, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng vừa hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống mức 6% cả năm.
Lạm phát tăng vẫn là rủi ro tiềm ẩn
Tuy vậy, HSBC cho rằng vẫn có một vài điều quan ngại bao trùm lên nền kinh tế Việt Nam.
Ngân hàng này cho biết, hiện tại, lạm phát chưa phải là một mối lo lắng lớn vì vẫn được duy trì ở dưới mức mục tiêu 5%.
Bên cạnh đó, lạm phát mỗi tháng đều tăng và trong tháng 9 đã đạt mức 3,3%. Trong khi đó, lạm phát cơ bản của tháng 9 cũng tăng đạt mức 1,9% so với cùng kì năm ngoái sau khi giảm nhẹ trong tháng 8.
Lạm phát tăng vẫn là rủi ro tiềm ẩn trong bối cảnh thời tiết và các điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi có thể đẩy giá thực phẩm lên cao. Cùng với sự tăng giá xăng, Chính phủ điều chỉnh giá các dịch vụ y tế, giáo dục cũng dẫn tới sự leo thang của giá cả. Tín dụng tăng trưởng mạnh cũng sẽ tạo thêm áp lực cho lạm phát.
Việt Nam cũng quyết định tăng lương tối thiếu thêm 7,3% cho người lao động trên toàn quốc bắt đầu từ 2017. Mức tăng này vẫn còn cao hơn mức lạm phát hiện tại và do đó, có thể sẽ thúc đẩy tăng giá lần thứ 2, HSBC nhận định.
Chính vì vậy, cơ hội để nới lỏng tiền tệ thêm nữa sẽ bị giới hạn trong thời gian này.
HSBC dẫn chứng, thâm hụt ngân sách đang ở khoảng 111,5 ngàn tỉ đồng, tương đương 44% dự toán cả năm. Chưa kể, nguồn thu ngân sách từ dầu thô và các doanh nghiệp Nhà nước đang sút giảm do giá nguyên liệu thấp và quá trình thoái vồn Nhà nước tại các doanh nghiệp này.