HSBC chỉ ra hai yếu tố cản trở tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam
Theo báo cáo Vietnam at a glance mới đây của Ngân hàng HSBC, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 4 tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ nhờ xuất khẩu điện tử nở rộ.
Sau khi ghi nhận tốc độ tăng mạnh mẽ 13% so với cùng kỳ năm trước trong quý 1/2022, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tháng 4 lại tăng hơn gấp đôi lên 25% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tăng trưởng diễn ra toàn diện trên mọi ngành hàng, gần 40% tăng trưởng là nhờ các đơn hàng điện tử tăng mạnh ở mức 33% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, HSBC cũng lưu ý những cơn gió ngược chiều cản trở thương mại đang mạnh dần lên làm dấy lên nỗi băn khoăn xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ như vậy đến bao giờ.
Cụ thể, khả năng phục hồi trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam mạnh mẽ hơn so với các nước khác trong khu vực, phần nào cho thấy lực đẩy kể từ sau khi Việt Nam mở cửa lại nền kinh tế hồi tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, những cơn gió ngược chiều cản trở thương mại đang mạnh dần lên.
Một mặt, tác động của COVID-19 lên tiêu dùng hộ gia đình giảm bớt, nhu cầu trên thế giới dần dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ.
Lấy ví dụ như ở Mỹ, khoảng cách giữa hàng hóa và dịch vụ đã bắt đầu thu hẹp khi chi tiêu cho dịch vụ tăng dần lên. Điều đó có tác động ngầm đến xuất khẩu của Việt Nam bởi vị thế thống lĩnh rõ ràng của Mỹ. Đây vẫn luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam kể từ năm 2004 với thị phần tăng lên mức cao kỷ lục 30%.
Một yếu tố khác chính là Trung Quốc. Nhiều người vẫn tranh luận rằng Việt Nam có thể hưởng lợi từ những gián đoạn chuỗi cung ứng của Trung Quốc khi có thêm doanh nghiệp nhiều khả năng muốn đa dạng hóa nguồn sản xuất hàng.
Tuy nhiên, HSBC cho rằng cần lưu ý rằng bản thân Việt Nam cũng dễ bị ảnh hưởng bởi gián đoạn chuỗi cung ứng của Trung Quốc, thể hiện rõ trong giai đoạn COVID-19 mới xuất hiện đầu năm 2020.
Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam đã tỏa sáng trong nhiều năm, nền tảng sản xuất của Việt Nam lại phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu rất nhiều. Khoảng 30% nhập khẩu của Việt Nam đến từ Trung Quốc, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực điện tử (30%) và thiết bị máy móc (22%).
Vì vậy, tình trạng tắc nghẽn trong khâu vận chuyển ở Trung Quốc sẽ gây ra khó khăn cản trở tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai. Cụ thể, làm thế nào để đảm bảo nguyên liệu trong bối cảnh giãn cách phòng chống dịch COVID-19 ở Trung Quốc làm dấy lên mối lo ngại lớn cho các doanh nghiệp sản xuất ở địa phương.
"Trong khi xuất khẩu của Việt Nam đang rất tốt, kết quả rực rỡ này lại nhắc chúng ta không quên nền sản xuất của Việt Nam có độ phụ thuộc rất cao vào nhập khẩu nguyên liệu", HSBC lưu ý.