|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

HSBC: Áp lực lạm phát tại các nước châu Á không nặng nề như Mỹ

16:47 | 03/12/2021
Chia sẻ
Trong bối cảnh Fed chuẩn bị điều chỉnh chính sách, HSBC đánh giá động thái này sẽ kéo theo nhiều ảnh hưởng đến nước khác, song tác động đối với khu vực châu Á lại khá nhẹ nhàng. So với Mỹ, áp lực lạm phát tại các nước trong khu vực không còn nặng nề hay khả năng trở nên nặng nề trong tương lai gần.

Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC mới đây đã phát hành báo cáo về những lưu ý cho các ngân hàng trung ương châu Á khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã sẵn sàng khởi động chu kỳ điều chỉnh chính sách tiền tệ.

Áp lực lạm phát tại các nước châu Á không lớn như Mỹ

Trong bối cảnh thị trường lao động tiếp tục phục hồi và giá cả leo thang với tốc độ nhanh chóng, Fed dường như đã sẵn sàng điều chỉnh tốc độ mua tài sản và nâng lãi suất điều hành trong ít tháng nữa. 

Theo HSBC, trước đây, mỗi lần Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ, tình hình tài chính của các thị trường mới nổi đều bị ảnh hưởng khiến các nước phải đưa ra những đợt điều chỉnh tăng lãi suất cần thiết để duy trì bình ổn.

HSBC: Áp lực lạm phát tại các nước châu Á không nặng nề như Mỹ - Ảnh 1.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Reuters).

Thậm chí ở những thị trường có tình hình tài chính bị tác động nhẹ, chủ yếu ở các nước đã phát triển, một động thái của Fed thường biểu thị tín hiệu khởi động một chu kỳ mới trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng phát triển theo hướng phụ thuộc lẫn nhau trong những năm qua.

Theo đánh giá của HSBC, động thái của Fed lần này cũng chắc chắn sẽ kéo theo nhiều ảnh hưởng lên các nước khác. Tuy nhiên, tác động đối với khu vực châu Á lại khá nhẹ nhàng vì những lý do hợp lý như áp lực lạm phát không còn nặng nề tại hầu hết các nước trong khu vực so với Mỹ và không có khả năng trở nên nặng nề trong tương lai gần.

Thêm nữa, trong chu kỳ lần này, quá trình phục hồi kinh tế ở Mỹ ngày càng bớt liên quan đến hoạt động nhập khẩu vì mở cửa lại nền kinh tế thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ hơn là hàng hóa, điều đó khiến động lực tăng trưởng truyền thống truyền từ Tây sang Đông bị yếu đi. 

Ngoài ra, cán cân thanh toán quốc tế vững mạnh giúp các ngân hàng trung ương châu Á thoải mái bỏ xa Fed.

Áp lực giá ở châu Á không quá nặng nề

Tại nhiều quốc gia châu Á, giá tiêu dùng chưa tăng nhanh như ở các nước khác trên thế giới. Theo HSBC, nói như vậy không có nghĩa tình hình không có gì đáng lo ngại. Ví dụ, giá nhiên liệu thế giới tăng cũng đã tạo ra những ồn ào nhất định trong mấy tháng vừa qua. 

Giá lương thực thế giới leo thang cũng làm dấy lên mối quan ngại, mặc dù trên thực tế, chỉ số CPI lương thực trong nước tại khu vực châu Á không chịu nhiều ảnh hưởng từ giá lương thực thế giới, nguyên nhân chính chủ yếu do gián đoạn trong nước.

HSBC: Áp lực lạm phát tại các nước châu Á không nặng nề như Mỹ - Ảnh 2.

Lạm phát CPI ở khu vực châu Á mới nổi (tỷ lệ so với cùng kỳ năm trước). (Biểu đồ: báo cáo HSBC).

Tuy nhiên, theo HSBC vẫn cần lưu tâm đến mức độ gia tăng của chỉ số lạm phát toàn phần. 

Mặc dù chỉ số lạm phát toàn phần có gia tăng, song chỉ số này hiếm khi cao trở lại như thời điểm cuối năm 2019 – trong rất nhiều năm, nếu không muốn nói là trong nhiều thập kỷ, hầu như không thấy chỉ số này lập đỉnh kỷ lục ở bất cứ đâu. 

Điều quan trọng là lạm phát cơ bản hầu như không nhúc nhích, chỉ tăng nhẹ dần đều, gần bằng mức thấp nhất kể từ đầu những năm 2000.

HSBC: Áp lực lạm phát tại các nước châu Á không nặng nề như Mỹ - Ảnh 3.

Chỉ số lạm phát CPI mới nhất và mục tiêu/dự báo chính thức của ngân hàng trung ương (% so với cùng kỳ năm trước). (Biểu đồ: báo cáo HSBC).

Trong số các nền kinh tế mà HSBC khảo sát, lạm phát của New Zealand đang ở mức cao nhất, theo sau là Philippines và Ấn Độ.

Ngân hàng trung ương New Zealand đã có động thái tăng lãi suất. HSBC dự báo lạm phát sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Tại Ấn Độ, lạm phát CPI toàn phần đã giảm trong phạm vi mục tiêu, nhưng hiệu ứng cơ sở và tăng trưởng khá lành mạnh có thể đẩy lạm phát tăng lại trong vài tháng tới.

Ở Philippines, lạm phát toàn phần cũng tăng nhưng điều này phần nào phản ánh tác động của chi phí lương thực tăng cao cũng như tình trạng gián đoạn sản xuất và vận chuyển trong nước gần đây do thiên tai. 

Ở Hàn Quốc, lạm phát toàn phần cũng cao hơn mục tiêu của ngân hàng trung ương mặc dù giá hàng hóa bị đẩy lên do chính sách trợ giá viễn thông năm ngoái, tạo ra một hiệu ứng cơ sở không thuận lợi vốn sẽ không tồn lại lâu. 

Nhìn chung, theo đánh giá của HSBC, khó để đưa ra nhận định rằng châu Á đang phải đối mặt với áp lực giá nặng nề và tồi tệ giống các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là Mỹ.

Phương Trang