|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

HOSE thay đổi bước giá: Thanh khoản hứa hẹn sẽ tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu nhỏ

07:30 | 28/08/2016
Chia sẻ
Việc chia nhỏ bước giá sẽ giúp các cổ phiếu thị giá thấp được giao dịch với đúng biên độ +/-7% như các cổ phiếu khác, thay vì biên độ bị hạn chế như hiện nay.

Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) vừa ra quyết định áp dụng quy chế giao dịch mới từ ngày 12/9, trong đó có 2 thay đổi đáng chú ý nhất là nâng khối lượng tối đa của lệnh đặt mua/bán và thay đổi bước giá cổ phiếu.

Cụ thể, cổ phiếu có giá tham chiếu dưới 10.000 đồng sẽ có bước giá là 10 đồng, các cổ phiếu giá 10.000-49.950 đồng có bước giá 50 đồng và các cổ phiếu trên 50.000 đồng có bước giá là 100 đồng.

Theo HOSE, thay đổi này rất quan trọng với các nhà đầu tư giao dịch thường xuyên, nhà đầu tư giao dịch với khối lượng lớn. Vậy, những thay đổi này tác động đến nhà đầu tư như thế nào?

Nâng cao ý nghĩa của "biên độ dao động", cải thiện thanh khoản

Việc chia nhỏ bước giá về 10 đồng sẽ khiến các cổ phiếu thị giá thấp được quan tâm nhiều hơn. Biên độ dao động giá trên HOSE đang là 7%, nhưng đối với nhiều cổ phiếu, biên độ thực tế không phải như vậy. Trước đây, một cổ phiếu khi về mặt bằng giá thấp sẽ chỉ còn rất ít bước giá.

Ví dụ, một mã có giá 2.000 đồng, sẽ chỉ còn 3 bước giá để giao dịch: 1.900 - 2.000 - 2.100. Điều này khiến biên độ dao động của các cổ phiếu này thực chất chỉ là +5% hoặc -5% mà không có lựa chọn nào khác. Khi đó, nhà đầu tư mua cổ phiếu giá 2.000 muốn có lời bắt buộc phải bán với giá 2.100 đồng trở lên. Việc kiếm lời 5% này khá khó khăn, trong khi nếu bán giá 1.900 thì lỗ, còn bán giá 2.000 thì thiệt phí giao dịch.

Còn theo quy chế mới, cổ phiếu giá 2.000 sẽ có thêm nhiều bước giá khác, từ 1.860 - 1.870,... trải dài cho tới 2.120 - 2.130 - 2.140 đồng. Với những bước giá này, nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn, mua 2.000 có thể bán giá 2.010, 2.020 đồng, rủi ro khi đó sẽ ít hơn, mua/bán cổ phiếu dễ dàng hơn và sẽ giúp thanh khoản được cải thiện.

Nhà đầu tư giao dịch nhiều, liên tục sẽ có lợi

Với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, giao dịch với khối lượng lớn, đây là những nhà đầu tư thường được các công ty chứng khoán ưu đãi với phí giao dịch thấp. Vì vậy, việc chia nhỏ bước giá sẽ khiến những nhà đầu tư này chủ động hơn và thoải mái hơn trong giao dịch của mình.

Tương tự, với các cổ phiếu có giá cao hơn, chắc chắn nhà đầu tư cũng sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong giao dịch. Tuy nhiên, tác động tại nhóm giá cao sẽ ít hơn so với các cổ phiếu giá thấp, bởi biên độ 7% không có nhiều khác biệt.

Các nhà đầu tư theo sát bảng điện tử sẽ gặp khó

Đối với các cổ phiếu giá cao, bước giá mới ảnh hưởng lớn đến những nhà đầu tư "bám bảng" để mua bán. Đây là những nhà đầu tư mua bán dựa trên khối lượng giao dịch, giá, và lượng đặt mua bán đổ vào thị trường.

Trên bảng điện tử hiện nay hiện thị 3 bước giá mỗi bên. Như vậy, đối với cổ phiếu trong khoảng 10.000 đồng trở lên, nhà đầu tư có thể nhìn thấy 3 bước giá 10.100 - 10.200 - 10.300 đồng, tức nhìn thấy số lượng đặt bán cho biên độ 3%.

Tuy nhiên, với bảng giá mới, nhà đầu tư chỉ nhìn thấy 10.050 - 10.100 - 10.150 đồng, tức chỉ nhìn thấy biên độ 1,5%, giảm một nửa so với bước giá cũ.

Thay đổi này còn lớn hơn nữa đối với các cổ phiếu trên 100.000 đồng. Trước đây, cổ phiếu giá 100.000 nhà đầu tư nhìn thấy biên độ 3% (101.000 - 102.000 - 103.000), thì giờ đây chỉ nhìn được 3 bước giá với biên độ 0,3%, bằng 1/10.

Điều này sẽ khiến những nhà đầu tư bám bảng bị che mắt nhiều hơn, khó xác định cung cầu hơn và sẽ phải tìm ra những chiến lược giao dịch mới, cả trong phiên khớp lệnh liên tục lẫn phiên khớp lệnh định kỳ ATO và ATC.

Gia Linh

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.