HoREA: Việc chậm cấp sổ hồng cho condotel không phải do quy định của Luật Đất đai 2013 gây ra
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng liên quan đến các quy định pháp luật hiện hành đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư bất động sản du lịch, được cấp Giấy chứng nhận (sổ hồng).
Theo HoREA, hiện nay đã có một số quy định về cơ bản đã đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư tại các dự án bất động sản có sản phẩm là công trình xây dựng không phải là nhà ở, phục vụ mục đích lưu trú, du lịch. Trong đó có đủ căn cứ để cấp sổ hồng cho căn hộ du lịch (condotel).
Cụ thể là khoản 2 Điều 6 Nghị định 02/2022/NĐ-CP "Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản” có hiệu lực từ ngày 1/3/2022 cộng với quy định tại Điều 104 Luật Đất đai 2013 về “Cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản gắn liền với đất” (sổ hồng) và Điều 32 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định “Chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở”.
HoREA nhận định, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành (nêu trên) thì Sở Tài nguyên Môi trường cấp tỉnh đã có thể thực hiện được thủ tục cấp sổ hồng cho condotel, shophouse du lịch, officetel, serviced apartment trong các dự án đầu tư xây dựng có chức năng lưu trú, du lịch.
Đối với các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng được xây dựng trên đất thương mại, dịch vụ (quy định tại Điều 153 Luật Đất đai 2013) thuộc loại đất phi nông nghiệp sử dụng có thời hạn theo thời hạn của dự án, tối đa không quá 50 năm và được xem xét gia hạn quyền sử dụng đất nếu người sử dụng đất có nhu cầu, theo quy định của pháp luật về đất đai.
Cũng theo Hiệp hội này, trong 7 năm qua, kể từ ngày 1/7/2015-28/02/2022, quả thực đã có vướng mắc pháp lý đối với bất động sản du lịch, bởi vì mặc dù Điều 104 Luật Đất đai 2013 và Điều 32 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đã cho phép cấp Giấy chứng nhận công trình xây dựng không phải là nhà ở, trong đó có bất động sản du lịch, nhưng do Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và Luật Xây dựng 2014 không quy định đồng bộ, nên Sở Tài nguyên Môi trường cấp tỉnh không thể cấp được “sổ hồng” cho bất động sản du lịch.
"Do vậy, việc chậm cấp sổ hồng cho công trình xây dựng không phải là nhà ở, phục vụ mục đích lưu trú, du lịch, trong đó có condotel hoàn toàn không phải do quy định của Luật Đất đai 2013 gây ra", HoREA nhận định.
Hiện nay, các địa phương vẫn chưa triển khai thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu bất động sản lưu trú, du lịch, trong đó có condotel.
Do đó, HoREA đề nghị Chính phủ chỉ đạo giao cho Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp tổ chức quán triệt và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 02/2022/NĐ-CP, trong đó có Phụ lục “Hợp đồng mua bán/thuê mua căn hộ du lịch (hoặc căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú)” (quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định số 02/2022/NĐ-CP).
Đồng thời hướng dẫn thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận (sổ hồng) công nhận quyền sở hữu bất động sản lưu trú, du lịch, trong đó có căn hộ du lịch (condotel) cho nhà đầu tư có quyền sử dụng đất có thời hạn theo thời hạn của dự án, tối đa không quá 50 năm và được xem xét gia hạn quyền sử dụng đất nếu người sử dụng đất có nhu cầu, theo quy định của pháp luật về đất đai.
Bên cạnh đó, Hiệp hội này đề nghị khi xem xét Đề án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) thì cần “luật hóa” các nội dung của khoản 2 Điều 6 Nghị định số 02/2022/NĐ-CP với các quy định về: “phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung của căn hộ du lịch (condotel)”; “việc xác định diện tích sử dụng căn hộ, diện tích khác trong tòa nhà căn hộ du lịch (condotel)”; “Hội nghị tòa nhà căn hộ du lịch (condotel)”; “Ban quản trị tòa nhà căn hộ du lịch (condotel)”; “Quản lý vận hành tòa nhà căn hộ du lịch (condotel)”; “Bảo trì tòa nhà căn hộ du lịch (condotel)”; “Kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của tòa nhà căn hộ du lịch (condotel) có nhiều chủ sở hữu”, tương tự như Luật Nhà ở 2014 đã quy định đối với căn hộ nhà chung cư.