Hơn 7 tỷ USD chảy về các doanh nghiệp BĐS qua kênh trái phiếu trong năm 2020
Tại hội thảo trực tuyến diễn ra chiều 9/4 với chủ đề "Dòng tiền đang về đâu?", ông Trần Lê Minh, Giám đốc Quản lý quỹ danh mục trái phiếu, CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) cho biết, thời điểm hiện nay, đang có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm tới thị trường cổ phiếu Việt Nam. Mọi con mắt đang tập trung vào cổ phiếu.
Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường trái phiếu cũng là một thị trường quy mô không hề nhỏ và được giao dịch với quy mô rất lớn.
Theo số liệu ông Minh đưa ra, trong 3 tháng đầu năm 2021, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu là 15.500 tỷ đồng/ngày. Trên thị trường trái phiếu, giá trị giao dịch bình quân là 12.700 tỷ đồng/ngày.
Trong đó, trái phiếu Chính phủ được quan tâm và giao dịch nhiều nhất. Còn trái phiếu Chính phủ (TPCP) bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương quy mô rất nhỏ, thông thường chỉ dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Riêng với trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư trong năm 2020.
Xét về quy mô, ông Minh cho biết, thị trường TPDN tăng trưởng rất nhanh trong giai đoạn 2016 - 2020 với tổng giá trị thị trường đạt khoảng 950.000 tỷ đồng (tại thời điểm cuối năm 2020), tương đương 15,6% GDP. Chỉ tính riêng giai đoạn 2019 - 2020, quy mô thị trường TPDN đã tăng trưởng 45%.
Tuy nhiên, nếu so sánh giữa Việt Nam và các nước khác trong khu vực thì quy mô thị trường TPDN của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Trong khi các thị trường khác như Hong Kong, Singapore quy mô chiếm tới 30 - 40% GDP, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc chiếm tới 80% GDP.
Tính riêng trong năm 2020, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận sự bùng nổ khi tổng giá trị phát hành sơ cấp đạt 431.000 tỷ đồng, cao hơn giá trị phát hành củaTPCP. Con số này vào năm 2019 cũng đạt 320.000 tỷ đồng.
Trong đó, bất động sản và ngân hàng là hai ngành chính có tổng khối lượng trái phiếu phát hành lớn trong giai đoạn 2019 - 2020. Theo sau là cách ngành năng lượng, du lịch và giải trí.
Trong năm vừa qua, bất động sản là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng giá trị trái phiếu phát hành với 38% (tương đương khoảng 163.780 tỷ đồng), tiếp theo là ngân hàng với 30% (tương đương khoảng 129.300 tỷ đồng).
Trái phiếu doanh nghiệp được phát hành ở kỳ hạn phổ biến là 3 năm, chủ yếu thuộc nhóm công ty bất động sản. Các kỳ hạn dài hơn chủ yếu do ngân hàng phát hành.
Trong giai đoạn 2019 - 2020, lãi suất huy động trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản đã tăng từ mức trung bình hơn 8%/năm lên 10,5%/năm, nhóm năng lượng cũng tăng mạnh từ hơn 6%/năm lên 10,5%/năm, nhóm xây dựng cũng tăng từ gần 8%/năm lên 11,2%/năm. Riêng nhóm ngân hàng vẫn giữ nguyên lãi suất huy động trái phiếu ở mức 6,7%/năm.
"Lãi suất trên thị trường TPDN có xu hướng tăng nhẹ trong khi lãi suất tiền gửi,lãi suất TPCP có xu hướng giảm, kéo theo sự chênh lệch giữa TPCP và TPDN ngày càng mở rộng. Đây cũng là một trong những lý do tạo nên sự thu hút đối với TPDN", ông Minh cho biết.