|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hơn 4.000 lao động Việt Nam đang ở 2 vùng dịch Covid-19 của Hàn Quốc

20:12 | 22/02/2020
Chia sẻ
Trong tổng số gần 50.000 lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, hiện có hơn 4.000 lao động ở 2 vùng dịch lớn là thành phố Daegu và tỉnh Gyeongbuk.

Trước thông tin về số ca nhiễm dịch bệnh Covid-19 tại Hàn Quốc tăng đột biến trong những ngày gần đây, trao đổi với phóng viên VOV, chiều 22/2, bà Trần Thị Vân Hà, trưởng phòng Thông tin Truyền thông, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), cho biết: Cục đã chỉ đạo Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình lao động Việt Nam tại Hàn Quốc.

Hơn 4.000 lao động Việt Nam đang ở 2 vùng dịch Covid-19 của Hàn Quốc - Ảnh 1.

Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc. Ảnh minh họa. (Nguồn: vhrc)

Bà Trần Thị Vân Hà cũng cho biết: Theo báo cáo nhanh của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, trong tổng số gần 50.000 lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc, hiện có hơn 4.000 lao động ở 2 vùng dịch lớn là thành phố Daegu và tỉnh Gyeongbuk. Trong đó, hơn 1.000 lao động ở thành phố Daegu và 3.007 lao động ở tỉnh Gyeongbuk.

Để bảo vệ sức khỏe và an toàn cho người lao động, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đề nghị Văn phòng Chương trình cấp phép việc làm cho người nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc (EPS) và doanh nghiệp phái cử theo dõi sát tình hình dịch bệnh liên quan đến lao động Việt Nam.

"Đối với Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc thì ngay khi có thông tin dịch đã bùng phát tại Hàn Quốc thì Cục đã có ý kiến với Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và Ban đã có chỉ đạo đối với Văn phòng EPS tại Hàn Quốc cũng như đại diện các doanh nghiệp để thông tin và tư vấn thường xuyên cho lao động những biện pháp phòng tránh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế nước sở tại.

Đồng thời, Ban quản lý lao động cũng chỉ đạo Văn phòng EPS và đại diện các doanh nghiệp theo dõi sát tình hình cộng đồng lao động Việt Nam để báo cáo với Ban ngay khi có những diễn biến phức tạp liên quan đến sức khỏe của lao động Việt Nam", bà Hà nói.

Hiện, Văn phòng Chương trình cấp phép việc làm cho người nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc và đại diện doanh nghiệp cũng đang triển khai cung cấp thông tin phòng dịch cho người lao động.

Hệ thống các tư vấn viên người Việt tại các trung tâm hỗ trợ lao động cũng thường xuyên cập nhật thông tin cho người lao động Việt Nam, đồng thời khuyến cáo người lao động không nên đến các khu vực đang có dịch và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch; tuân thủ các hướng dẫn về phòng tránh dịch bệnh của cơ quan chức năng Hàn Quốc.

Bà Trần Thị Vân Hà cho biết thêm: "Trước đó, Cục đã có văn bản gửi các Ban quản lý lao động ở nước ngoài phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng nước sở tại hướng dẫn người lao động và nắm tình hình, diễn biến của dịch để có khuyến cáo khi cần thiết.

Và hiện nay theo thông tin mà Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc nắm được thì chưa có thông tin về việc lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc bị nhiễm dịch Covid 19".

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng khuyến cáo, lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc cần thông tin về dịch bệnh Covid-19, có thể liên lạc với Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc theo số điện thoại: 010-3248-6886 và 010-4356-2505 hoặc số điện thoại của Văn phòng Chương trình cấp phép việc làm cho người nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc (EPS) là 010-9892-1712.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho biết, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Tư pháp Hàn Quốc) đã có thông báo chính thức: Công dân nước ngoài đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nếu có các biểu hiện liên quan đến dịch bệnh Covid-19 khi đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế công cộng sẽ không bị truy cứu về tình trạng cư trú bất hợp pháp và không bị trục xuất.

Hàn Quốc cũng khuyến khích người lao động bất hợp pháp đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị nếu tiếp xúc với người nhiễm bệnh Covid-19 hoặc nghi ngờ bị lây nhiễm.

Trước đó, tháng 1/2020 Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH cũng đã có văn bản gửi các đơn vị có liên quan, doanh nghiệp xuất khẩu lao động yêu cầu tăng cường công tác phòng dịch cho người lao động; Chỉ thực hiện xuất cảnh đưa lao động đi làm việc tới những vùng không có dịch bệnh và không cho lao động quá cảnh qua những vùng có dịch bệnh.

Hà Nam

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.