|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hơn 200 nghìn tỷ đồng hàng hóa đã sẵn sàng phục vụ Tết nguyên đán 2018

20:05 | 12/02/2018
Chia sẻ
Theo báo cáo đánh giá sơ bộ của Bộ Công thương, lượng hàng hóa chuẩn bị cho dịp Tết nguyên đán 2018 ước đạt hơn 230.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10-15% so với Tết năm trước.
hon 200 nghin ty dong hang hoa da san sang phuc vu tet nguyen dan 2018 Hoa Tết giá tăng gấp đôi vẫn hút khách
hon 200 nghin ty dong hang hoa da san sang phuc vu tet nguyen dan 2018 Thị trường thịt heo hơi bán Tết: Khó xảy ra 'sốt' giá
hon 200 nghin ty dong hang hoa da san sang phuc vu tet nguyen dan 2018
Lượng hàng hóa phục vụ Tết nguyên đán 2018 dồi dào hơn so với năm trước. Ảnh minh họa

Thị trường hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 được dự báo sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu đều được chuẩn bị và dự trữ đầy đủ, giá cả không có nhiều biến động lớn. Trong khi đó, xuất hiện nhiều mẫu quà Tết và hàng hóa trang trí độc - đẹp - lạ.

Lượng hàng hóa phục vụ Tết gia tăng

Theo báo cáo đánh giá sơ bộ của Bộ Công thương, lượng hàng hóa chuẩn bị cho dịp Tết nguyên đán 2018 ước đạt hơn 230.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10-15% so với Tết năm trước.

Theo kế hoạch cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu Tết Mậu Tuất của Sở Công thương TP. HCM, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại trên địa bàn căn cứ vào kết quả thực hiện tết năm ngoái và dự báo mức tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng từ 10 - 15% so với các tháng trong năm.

Kế hoạch cung ứng hàng trên địa bàn TP. HCM gần 18.000 tỷ đồng, tăng 743 tỷ đồng so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Đinh Dậu 2017 và hơn 7.000 tỷ đồng là hàng bình ổn thị trường.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công thương TP. HCM cho biết, một số mặt hàng thiết yếu như thịt; trứng gia cầm; rau, củ, quả; dầu ăn; gạo; bia; nước giải khát... đã được các doanh nghiệp lên kế hoạch tổ chức sản xuất và phân phối sớm. Do đó sản lượng dự trữ dồi dào, nhiều lô hàng mới, chất lượng cao đủ khả năng đáp ứng nhu cầu người dân.

Dự báo thị trường Tết sẽ tiêu thụ khoảng 18.000 tấn hàng bánh, mứt, kẹo, khoảng 1 triệu chậu mai và bon-sai, 135 triệu cành các loại hoa khác. Cung ứng 80% thị phần hoa cho thị trường TP.HCM là 4 chợ hoa Hồ Thị Kỷ, Đầm Sen, Thủ Đức và Bình Điền.

Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết từ ngày 17/1 đến 15/2/2018, tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 10.601,4 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường là 4.166,5 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước và 1 tháng sau Tết, giảm giá sâu trong hai ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm...

Theo dự kiến của Sở Công thương, số lượng một số mặt hàng chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết 2018 gồm 193.600 tấn gạo, 50.000 tấn thịt heo, 14.000 tấn thịt gà, 13.800 tấn thịt bò, 200 triệu quả trứng gia cầm, 220.000 tấn rau củ, 12.000 tấn thực phẩm chế biến, 12.000 tấn thủy - hải sản, khoảng 3.500 tấn nông - lâm sản khô, 3.000 tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu - bia - nước giải khát, 120.000m3 xăng dầu và các mặt hàng về may mặc, điện máy…

Dự kiến, các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng bánh mứt kẹo, rượu - bia - nước giải khát phục vụ Tết trên địa bàn TP. HCM đưa ra thị trường khoảng 10.000 tỷ đồng giá trị hàng hóa. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm hàng bánh mứt kẹo, giò chả, miến, nông sản chế biến, chè, miến dong, bột sắn... với tổng giá trị khoảng 2.200 tỷ đồng trong khi các doanh nghiệp kinh doanh thương mại dự kiến dự trữ và đưa ra thị trường giá trị hàng hóa khoảng 12.830 tỷ đồng.

Còn theo Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM - Saigon Co.op, tổng lượng hàng hóa dự kiến cung ứng cho 3 tháng trước, trong và sau tết năm nay của Saigon Co.op là hơn 130.000 tấn, tăng 15% so với năm trước. Trong đó, lượng hàng bình ổn tăng từ 5 - 30% tùy nhóm.

Làm việc với các địa phương về công tác chuẩn bị tết âm lịch, đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết nguồn hàng năm nay tăng khoảng 10 - 15% so với năm trước và đang được các địa phương tích cực chuẩn bị, đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân. Mặt khác, các tỉnh cũng có kế hoạch và phương án ứng phó với biến động thời tiết, dù thời tiết cực đoan chỉ diễn ra cục bộ và khắc nghiệt ở một số nơi như vài tỉnh phía Bắc.

Vụ cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường kết hợp triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bên cạnh đó, các hoạt động kết nối cung cầu, hợp tác thương mại vùng miền nhằm thúc đẩy tiêu thụ và tạo nguồn hàng bình ổn cũng được triển khai, có 17 địa phương đang thực hiện chương trình bình ổn các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, đường, bánh kẹo; kiểm tra, giám sát hàng hóa nhập lậu, hàng giả hàng nhái và chất lượng, giá cả, kiểm soát thị trường.

Đánh giá lượng hàng hiện còn tồn kho cao, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam dự báo năm nay không xảy ra tình trạng khan hiếm đối với mặt hàng bia và nước giải khát. Trong tháng Tết, dự báo nhu cầu tiêu thụ tại TP.HCM vào khoảng 41 triệu lít bia và 47 triệu lít nước giải khát, tăng 30% so với tháng thường. Giá bia, nước giải khát cũng dự báo không tăng.

Bánh kẹo, quà Tết nhiều lựa chọn

Dạo vòng quanh các chợ Thủ Đức, Tân Định, Lê Văn Sỹ, Bến Thành, Chợ Lớn… các tiểu thương cho biết thời điểm này, không khí mua sắm Tết đã rục rịch sôi động, các mặt hàng bánh kẹo sản xuất trong nước và nhập ngoại nhiều mẫu mã bắt mắt, giá cạnh tranh.

Chị Lan, tiểu thương chợ Tân Định cho biết thói quen mua sắm của người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến hình thức và chất lượng, đặc biệt là vấn đề dinh dưỡng, sức khỏe. Những dòng sản phẩm chất lượng cao, sử dụng nguyên liệu thiên nhiên được người mua ưu tiên lựa chọn và kiểm tra kỹ xuất xứ.

Thị trường bánh kẹo Tết năm nay sôi động hơn với cuộc “đổ bộ” của nhiều loại bánh kẹo nhập khẩu từ Pháp, Đức, Nhật, Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Riêng các mặt hàng xuất xứ từ các nước ASEAN thì giá cả tương đương với sản phẩm ở phân khúc trung bình của doanh nghiệp Việt nhưng thường được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn vì mẫu mã bắt mắt. Riêng sản phẩm xuất xứ Thái Lan có giá tốt và nguồn hàng phong phú, đa dạng chủng loại nên dễ được lựa chọn.

Những sản phẩm chế biến từ nông sản, đặc sản Việt là xu hướng mua sắm làm quà tặng trong những năm gần đây bởi gần gũi, mang yếu tố may mắn như hồng, dâu tây, atiso sấy khô…

Ở khu vực phía Bắc, hiện có nhiều giống hoa mới được đưa ra thị trường phục vụ nhu cầu trang trí tốt như hoa đỗ quyên khô (còn gọi là đỗ quyên ngủ đông) nhìn không khác bó cỏ khô nhưng khi cắm vào nước sẽ bung nở hoa hoặc sản phẩm truyền thống được tạo hình mới mẻ như quất cảnh tạo thế lục bình, quất cảnh hình con chó…

Loại “đỗ quyên ngủ đông” dù mới xuất hiện hơn nửa tháng nay nhưng đã gây sốt thị trường hoa Tết, khiến không ít người hiếu kỳ mua về chơi. Một đầu mối buôn loại hoa khô ở quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết dự kiến riêng cửa hàng của anh có thể cung cấp hơn 200.000 cành trong dịp Tết này.'Không sợ thiếu tiền mặt lưu thông dịp Tết nguyên đán 2018.

Hoàng Long