Hơn 1.116 tỷ đồng sử dụng sai mục đích của PVC được Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm dùng như thế nào
Vụ xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm được truyền thông quốc tế quan tâm | |
Bị cáo Vũ Đức Thuận: 'Ký hợp đồng EPC 33 nhằm tạo công ăn việc làm cho PVC' |
Xét xử Đinh La Thăng chiều 8/1: Nguyễn Xuân Sơn nhận thức mệnh lệnh thực hiện hợp đồng EPC số 33 có vấn đề |
Xuất phát từ khoản nợ xấu tại Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) do đầu tư dự án bị thua lỗ. Ông Đinh La Thăng tổ chức cuộc họp đưa ra phương án xử lý sẽ giao 5 dự án do PVFC thực hiện góp vốn (tổng giá trị 793 tỷ đồng) cho Tổng công ty PVC.
Do đang gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư, ngày 17/8/2010 ông Trịnh Xuân Thanh đề nghị PVN xin vay vốn và ông Vũ Đức Thuận trình PVN giảm lãi suất do các dự án nhận lại từ PVFC gặp khó khăn trả nợ.
Ngày 20/10/2010, PVN và OceanBank đã ký hợp đồng ủy thác cho Tổng công ty PVC vay vốn thực hiện thanh toán và bù đắp thanh toán các khoản đầu tư nhận chuyển nhượng từ PVFC. Tổng số tiền vay 793 tỷ đồng, lãi suất 5,5%/năm trong thời hạn 12 tháng.
Ngoài ra cũng tại thời điểm này PVC đang còn phải vay vốn để đầu tư vào dự án Công trình Khách sạn Thái Bình và khách sạn Lam Kinh Thanh Hóa với số tiền vay là 400 tỷ đồng đến hạn thanh toán.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại phiên xét xử ngày 8/1 (Ảnh: Zing) |
Ngay sau khi được PVN chỉ định thực hiện gói thầu EPC dự án NMNĐ Thái Bình 2, ông Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo đẩy nhanh việc ký hợp đồng EPC số 33 khi chưa đủ thủ tục pháp lý, sau đó xin tạm ứng để có nguồn tiền sử dụng trả các khoản gốc, lãi các khoản nợ, đầu t, góp vốn vào các dự án, công trình công ty khác.
Ngày 6/5/2011, báo cáo cho thấy PVC đã thực hiện đầu tư quá nguồn vốn chủ sở hữu 1.013 tỷ đồng và không còn nguồn tiền nào để hoạt động.
Vì vậy sau khi được PVN, Ban quản lý dự án tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng theo hợp đồng EPC số 33, thực hiện chủ trương đã thống nhất từ trước, ông Trịnh Xuân Thanh, ông Nguyễn Ngọc Quý, ông Vũ Đức Thuận, ông Nguyễn Mạnh Tiến đã chỉ đạo ông Phạm Tiến Đạt sử dụng gần 1.116 tỷ đồng từ nguồn tiền này để đầu tư, góp vốn vào các công ty dự án, công trình khác và trả nợ ngân hàng.
Cụ thể, PVC có sử dụng gần 200 tỷ đồng để thanh toán cho các nhà thầu thi công một số hạng mục của dự án NMNĐ Thái Bình 2. Thanh toán trả nợ các ngân hàng (gồm OceanBank chi nhánh Thăng Long; ngân hàng HSBC, ngân hàng MHB, Maritime Bank) hơn 763 tỷ đồng.
Chuyển tạm ứng 10 tỷ đồng cho CTCP Thiết bị Nội ngoại thất Dầu khí (PVC Metal); sử dụng 110 tỷ đồng để đầu tư, góp vốn vào CTCP Xây lắp Nghệ An (PVNC), CTCP Phát triển Đầu tư Đô thị Dầu khí (PVC-Mekong) và Công ty Bất động sản Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC-Land); số tiền còn lại được PVC sử dụng đầu tư vào các dự án khác.
Ngày 8/7/2011, sau khi ông Trương Quốc Dũng được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc PVC phụ trách tài chính thay ông Nguyễn Mạnh Tiến, nhận chỉ đạo của ông Vũ Đức Thuận, ông Dũng tiếp tục sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích.
PVC chuyển số tiền trên 30 tỷ đồng (trong đó có số tiền tạm ứng từ dự án NMNĐ Thái Bình 2) để ứng trước tiền góp vốn vào Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVNC). Chi 10 tỷ đồng tạm ứng cho PVC Metal.
Ngày 9/9/2011, ông Võ Văn Đồng – Phó TGĐ PVC báo cáo rõ về việc PVC đã sử dụng tiền tạm ứng từ hợp đồng EPC số 33 sai mục đích, nhưng lãnh đạo PVN không có ý kiến thu hồi.
Phải đến ngày 24/2/2012, ông Phùng Đình Thực, lúc đó là Chủ tịch HĐTV PVN yêu cầu ông Trịnh Xuân Thanh báo cáo tình hình sử dụng vốn với nguồn tạm ứng cho dự án NMNĐ Thái Bình 2, ông Thanh xác nhận phần lớn khoản tiền đã bị sử dụng sai mục đích.
Ngày 31/3/2012, Trưởng ban quản lý dự án yêu cầu PVC hoàn trả lại 100% tiền tạm ứng nhưng đến ngày 20/11/2012 mới bắt đầu thu hồi được khoản tiền đầu tiên.
Kết quả điều tra xác minh, số tiền mà PVC sử dụng sai mục đích là gần 1.116 tỷ đồng, đến ngày 22/11/2017 mới thu hồi được 1.088 tỷ đồng.
Thiệt hại do việc PVN và ban quản lý dự án tạm ứng cho PVC số tiền 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng gây ra cho PVN là tiền lãi tối thiểu trên số tiền không sử dụng vào mục đích Dự án 1.116 tỷ đồng là 51,6 tỷ đồng.
Thiệt hại trực tiếp gây ra đối với PVN là số tiền lãi suất được xác định phát sinh từ ngày 11/10/2011 (ngày đủ điều kiện để tạm ứng tiền cho PVC) đến ngày 20/3/2012 (ngày PVN chính thức đòi tiền tạm ứng dự án) là hơn 68 tỷ đồng.
Tổng cộng PVC gây thiệt hại số tiền trên 119 tỷ đồng.