|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hơn 1 triệu người không phải nộp thuế thu nhập cá nhân

08:05 | 09/11/2020
Chia sẻ
Ước tính với mức giảm trừ gia cảnh mới, có khoảng 1 triệu người đang phải nộp thuế TNCN ở mức đầu tiên (bậc 1) sẽ không phải nộp thuế TNCN. Với những người có thu nhập cao hơn, phải nộp thuế trong khoảng bậc 2 trở đi cũng nhận lợi ích từ chính sách này.

Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, sau khi Nghị quyết số 954 về nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN có hiệu lực vào tháng 7, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế được nâng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc được nâng từ mức 3,6 lên 4,4 triệu đồng/tháng.

Ước tính với mức giảm trừ mới, có khoảng 1 triệu người đang phải nộp thuế TNCN ở mức đầu tiên (bậc 1) sẽ không phải nộp thuế TNCN. Với những người có thu nhập cao hơn, phải nộp thuế trong khoảng bậc 2 trở đi cũng sẽ rất có lợi khi số thuế TNCN phải nộp giảm đáng kể do được nâng mức giảm trừ gia cảnh.

Việc nâng mức giảm trừ gia cảnh bắt đầu được thực hiện đã ảnh hưởng ngay đến số thu thuế TNCN, cụ thể số thu từ tiền lương, tiền công tháng 8/2020 bằng 93,2% cùng kì năm 2019 và giảm 37,2% so với số thu tháng 7/2020; số thu từ tiền lương, tiền công tháng 9/2020 bằng 92,7% cùng kì năm 2019 và giảm 43,3% so với số thu tháng 7/2020.

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, tổng số thu từ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 đạt 90.115 tỉ đồng, bằng 70% so với dự toán. 

Dưới tác động của dịch, tốc độ tăng thu thuế TNCN 9 tháng đầu năm 2020 đã giảm 12,7% so với cùng kì năm 2019, trong đó số thu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công và số thu thuế TNCN từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân (nguồn thu chính của thuế TNCN) bị tác động mạnh nhất. 

Cụ thể, trong quí I/2020, số thu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công tăng 19,1%; thu từ đầu tư vốn tăng 15,2%; từ hoạt động kinh doanh của hộ cá nhân tăng 6,4%; thu từ chuyển nhượng bất động sản tăng 6,1%...

Nguyên nhân chủ yếu là những nguồn thu phát sinh từ hoạt động kinh tế năm 2019 tăng khá (17,2% so với cùng kì) và được nộp trong quí I/2020. 

Cũng do tình hình kinh tế năm 2019 tăng dẫn đến các doanh nghiệp chi trả thu nhập cho người lao động trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán tăng cao, thị trường bất động sản sôi động, thị trường chứng khoán khởi sắc nên thuế TNCN từ những nguồn này cũng tăng theo.

Từ tháng 3/2020, dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, tháng 4/2020 thực hiện giãn cách toàn xã hội khiến hoạt động kinh doanh giảm sút, nhiều doanh nghiệp cắt giảm tiền lương, tiền công.

Thêm vào đó, do thực hiện gia hạn thuế TNCN đối với hộ, cá nhân kinh doanh theo Nghị định số 41 của chính phủ dẫn đến số thu thuế TNCN quí II giảm mạnh, chỉ bằng 92,6% so với cùng kì.

Từ quí III/2020, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu hồi phục nhẹ so với quí II nên thu thuế TNCN cũng tăng nhẹ (1,9% so với cùng kì). 

Tuy nhiên, số thu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công và số thu thuế TNCN từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân tiếp tục giảm, cụ thể số thu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công chỉ đạt 94,7% và số thu thuế TNCN từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân quí III đạt 98,5% so với cùng kì năm 2019.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Tường Vy