|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hội nghị G20 chưa có đột phá đáng kể

20:33 | 07/09/2016
Chia sẻ
Từ ngày 4-5/9, các nhà lãnh đạo 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới đã nhóm họp tại TP. Hàng Châu, Trung Quốc nhằm thảo luận các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục ỳ ạch sau khủng hoảng tài chính.
tin nhap 20160907203049
Lãnh đạo các nước tham dự G20 chụp ảnh lưu niệm.

Hội nghị G20 lần này thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế và các nhà đầu tư trong bối cảnh bất đồng chính trị tiếp tục cản trở nỗ lực mở cửa kinh tế, thế giới có thể bước vào thời kỳ tăng trưởng thấp kéo dài nếu không thực hiện các biện pháp chính sách thích hợp cả về liều lượng và hiệu lực.

Cũng như những hội nghị trước, chương trình và nội dung Hội nghị này được nước chủ nhà Trung Quốc đưa ra trên cơ sở những đề xuất của các nước thành viên và các tổ chức quốc tế, tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt, nhằm chuyển hướng sang tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, đồng đều.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình kêu gọi các nhà lãnh đạo tránh nói chuyện trống rỗng và tránh đối đầu, tạo sự đồng thuận rộng rãi để mở ra một chương mới, đưa kinh tế toàn cầu thoát khỏi tình trạng phát triển ảm đạm hiện nay.

Tại Hội nghị này, lãnh đạo các nước G20 đã tập trung thảo luận một số chủ đề lớn. Trong đó, tăng trưởng thấp, bất bình đẳng tăng cao, cải cách cơ cấu chậm chạp là một trong những nội dung chính.

Kết thúc Hội nghị, lãnh đạo các nước G20 đã đề ra kế hoạch hành động và một số giải pháp chủ yếu nhằm vượt qua những thách thức hiện nay, tăng cường phối hợp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong lĩnh vực tài khóa, tiền tệ, cơ cấu kinh tế. Các nhà lãnh đạo cũng xác định những lĩnh vực cải cách cần ưu tiên để có thể đạt mức tăng trưởng tối ưu cho mỗi quốc gia, đẩy lùi chủ nghĩa bảo hộ, phát triển thương mại tự do, tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng cho mọi doanh nghiệp.

Để bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững, các nhà lãnh đạo đã cam kết sẽ chia sẻ kết quả tăng trưởng, sử dụng những công cụ cần thiết để giảm mức độ bất bình đẳng, nâng cao triển vọng kinh tế, nhất là đối với những nhóm thu nhập thấp và đối tượng lao động bị tác động tiêu cực của tiến bộ công nghệ thông qua hoạt động đào tạo kỹ năng và đầu tư vào giáo dục, y tế.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đề cập đến tình trạng khủng hoảng thép toàn cầu, viễn cảnh kinh tế toàn cầu sau khi Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), vấn đề thuế, lợi ích thương mại và mở cửa kinh tế.

So với nhiều hội nghị quốc tế trước đây, Hội nghị này mang màu sắc ngoại giao hình thức nhiều hơn, khi các nước tỏ ra quá thận trọng trong hội nghị và các cuộc đàm phán song phương, tranh thủ thời gian, tránh đề cập đến những vấn đề mà các bên còn bất đồng quan điểm. Thời gian hội nghị cũng quá ngắn, bắt đầu từ chiều 4/9 và kết thúc vào chiều 5/9 sau một ngày làm việc. Bỏ qua những vấn đề về bất ổn về địa chính trị tại một số khu vực, nhiều chủ đề kinh tế nóng bỏng không được đề cập, khủng hoảng thép toàn cầu chỉ được thảo luận vào cuối hội nghị sau đề nghị với thái độ kiên quyết của một số nước thành viên khi sản lượng thép dư thừa quá mức và lượng thép xuất khẩu tràn lan của Trung Quốc đang gây tổn hại cho nhiều nước trên thế giới, các nhà đầu tư thất vọng về tình trạng một số nước tiếp tục tăng cường chính sách phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp nước ngoài và mở rộng các rào cản thương mại.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu có nguy cơ ngày càng xấu đi, điều này tương phản với xu hướng gia tăng bất bình đẳng, khiến các nhà lãnh đạo chính trị trì hoãn cải cách và tìm kiếm chính sách hỗ trợ riêng. Tuy nhiên, phương thức quản lý và điều hành này không mang lại hiệu quả đáng kể, kinh tế thế giới phục hồi rất mong manh.

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP toàn cầu năm 2016 chỉ tăng 3,1%, đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp với tốc độ tăng thấp hơn kết quả tăng trưởng trung bình 3,7% trong thời kỳ 1990-2007, trong đó hiệu quả thấp tại các nước đang chuyển đổi đã đẩy kinh tế toàn cầu vào thời kỳ tăng trưởng thấp kéo dài. Năm 2017, GDP toàn cầu có triển vọng tích cực hơn với dự kiến tăng 3,4%, nhưng thế giới vẫn bị bao trùm bởi nguy cơ gia tăng bất ổn về kinh tế và chính trị, kể cả tác động của việc Vương quốc Anh rời EU.

Tại các nước phát triển, tăng trưởng GDP thực tế thấp hơn 1% so với thời kỳ 1990-2007. Trong đó, nhiều nước vẫn bị ảnh hưởng của di sản khủng hoảng, nợ nần tăng cao, gây khó khăn cho các định chế tài chính. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do nhu cầu yếu ớt, ảnh hưởng trầm trọng đến triển vọng kinh tế dài hạn khi các doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất và cắt giảm lao động, làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp. Nhu cầu yếu ớt cũng kìm hãm thương mại, qua đó giảm năng suất lao động. Về phía cung, năng suất lao động tăng thấp và xu hướng già hóa dân số trút thêm gánh nặng lên mức tăng trưởng tiềm năng, đây là xu hướng đã hình thành từ trước khi xảy ra khủng hoảng. Trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng thấp kéo dài, phần lớn doanh nghiệp có xu hướng ngại đầu tư, điều này gây tổn hại đến năng suất và tăng trưởng kinh tế ngắn hạn.

Tại các nước mới nổi, tăng trưởng GDP cũng chậm dần, thậm chí có sự chênh lệch đáng kể giữa các nền kinh tế lớn. Cụ thể là, GDP tại Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục tăng 7-7,5%, trái lại GDP tại CHLB Nga và Brazil lại giảm tới 4%. Trong nỗ lực tái cân bằng và chuyển đổi kinh tế, Trung Quốc đã duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, nhưng quá trình chuyển đổi đã gây khó khăn cho các đối tác quốc tế vốn lệ thuộc vào nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc, điều này có thể dẫn đến bất ổn tài chính. Trong bối cảnh giá cả hàng hóa giảm sâu, thu nhập khả dụng của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bị thu hẹp, nhưng việc thích ứng với thực tế này là vấn đề khó khăn. Trong một số trường hợp, cần thay đổi mô hình tăng trưởng.

Quang cảnh Hội nghị G20 bộc lộ những khó khăn và thách thức ngày càng gia tăng, cả về kinh tế và chính trị, chưa thể tạo ra những biện pháp và chính sách kinh tế vĩ mô đủ mạnh để đưa thế giới thoát khỏi tình trạng suy thoái kéo dài như hiện nay, thậm chí có thể đẩy nhiều nước vào bẫy thu nhập thấp.

Theo Xuân Thanh

Báo Chính Phủ