|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hoành Sơn sắp mất quyền chi phối Cảng Phước An?

08:30 | 25/11/2019
Chia sẻ
Tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 dự kiến diễn ra vào ngày 25/11 tới đây, Cảng Phước An sẽ trình các cổ đông về việc tăng vốn cho dự án Cảng Phước An thông qua hình thức phát hành riêng lẻ.

Theo kế hoạch, ngày 25/11, CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (Mã: PAP) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 nhằm thông qua một số nội dung liên quan đến việc tăng vốn điều lệ, bổ sung vốn cho dự án Cảng Phước An và thay đổi nhân sự công ty.

Tính đến ngày 30/6/2019, Cảng Phước An còn lỗ lũy kế trên 27 tỉ đồng nên công ty không đủ điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng theo qui định. Do vậy, công ty chỉ có thể tăng vốn dưới hình thức chào bán riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư.

Theo đó, Cảng Phước An muốn phát hành thêm 40 triệu cp riêng lẻ với giá tối thiểu 10.000 đồng/cp. Với số tiền thu về ít nhất 400 tỉ đồng từ đợt phát hành, công ty sẽ bổ sung vốn đền bù giải phóng mặt bằng dự án Cảng Phước An và cải thiện một vài chỉ số tài chính.

Dự án Cảng Phước An có qui mô khu cảng 183 ha và khu dịch vụ hậu cần cảng 550,4 ha, tổng mức đầu tư trên 17.571 tỉ đồng. Trong đó, vốn góp thực hiện dự án chiếm 15%, tương đương gần 2.636 tỉ đồng.

viber_image_2019-11-25_07-50-24

Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp.

Dự án được chia làm ba phân kì. Hiện nay, Cảng Phước An đang triển khai thi công xây dựng Phân kì 1 (2017-2020) với tổng vốn đầu tư gần 1.589 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu hơn 238 tỉ đồng.

Trung tâm quĩ đất Nhơn Trạch đang áp giá bồi thường và lập phương án bồi thường để trình thẩm định, phê duyệt đối với phần đất 490,6 ha còn lại chưa được thu hồi của khu dịch vụ hậu cần cảng.

Để tránh trường hợp đầu cơ và tăng giá đất tại khu vực dự án, công ty cần tiến hành ngay việc triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng và đưa đất vào sử dụng. Dự kiến số tiền bồi thường cho phần diện tích còn lại khoảng 1.385 tỉ đồng.

Ngoài ra, ĐHĐCĐ bất thường tới đây cũng sẽ thông qua việc thay thế một số thành viên trong HĐQT và Ban kiểm soát công ty. ĐHĐCĐ sẽ xem xét và thực hiện các thủ tục bầu thêm một thành viên Ban kiểm soát.

Trước đó vào ngày 14/10, Tổng Công ty cổ phần Phát triển Khu Công nghiệp (Sonadezi - Mã: SNZ) đã gửi văn bản về việc thôi cử người đại diện phần vốn góp của Sonadezi tại Cảng Phước An đối với ông Trần Thanh Hải.

Cùng ngày, ông Trần Thanh Hải cũng đã có đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT Cảng Phước An. Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh cũng đã có đơn xin thôi việc và đã nghỉ công tác tại Cảng Phước An kể từ ngày 7/8 vì lí do cá nhân.

Hoành Sơn mất quyền chi phối Cảng Phước An sau đợt phát hành?

Theo kế hoạch được Cảng Phước An công bố, nếu đợt phát hành 40 triệu cổ phiếu riêng lẻ diễn ra thành công, vốn điều lệ của Cảng Phước An sẽ tăng từ 1.100 tỉ đồng lên 1.500 tỉ đồng.

Khi đó, tỉ lệ sở hữu của Công ty TNHH MTV Hoành Sơn và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lần lượt giảm xuống 44% và 23,33%. Đồng thời, tỉ lệ sở hữu của các "cổ đông khác" tăng từ 8,18% lên 32,67%.

PAP-co-dong

Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp dựa theo kế hoạch Cảng Phước An

Việc Hoành Sơn chấp nhận giảm tỉ lệ sở hữu và qua đó mất quyền chi phối tại Cảng Phước An là một động thái khá lạ. Bởi từ ba năm trước, Hoành Sơn đã liên tục gia tăng sở hữu tại Cảng Phước An để nâng  sở hữu lên mức 60% hiện nay. 

Công ty TNHH MTV Hoành Sơn là thành viên của CTCP Tập đoàn Hoành Sơn do doanh nhân Hà Tĩnh Phạm Hoành Sơn làm Chủ tịch. Tại ngày 3/10/2018, Công ty TNHH MTV Hoành Sơn có vốn điều lệ 2.500 tỉ đồng.

Trước đó vào ngày 2/10/2018, Hoành Sơn bất ngờ giảm vốn điều lệ từ 2.500 tỉ đồng xuống 1.000 tỉ đồng. Trong đó, ông Phạm Hoành Sơn sở hữu 95% (950 tỉ đồng), bà Nguyễn Thị Hằng Nga 4% (40 tỉ đồng) và bà Lưu Thị Duyên 1% (10 tỉ đồng).

Cụ thể, tháng 7/2016, Hoành Sơn chi 460 tỉ đồng mua toàn bộ 46 triệu cp (51% vốn) của Cảng Phước An, qua đó nắm quyền chi phối tại đơn vị này. Cổ đông lớn nhất trước đó là PVN giảm sở hữu từ 79,58% về 38,89%.

Tiếp sau đó tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, các cổ đông của Cảng Phước An đã thông qua việc phát hành riêng lẻ 20 triệu cp cho Hoành Sơn. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của Cảng Phước An tăng lên 1.100 tỉ đồng.

Kể từ ngày 12/7/2017, ông Nguyễn Hoành Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Hoành Sơn giữ vị trí Chủ tịch HĐQT tại Cảng Phước An.

Trong khi Hoành Sơn liên tục gia tăng sở hữu lên 60%, PVN và Sonadezi ngày càng giảm, lần lượt sở hữu 31,82% và 6,82%. Ngày 11/6, HĐQT Sonadezi cũng đã thông qua thoái toàn bộ 7.5 triệu cp tại Cảng Phước An với giá khởi điểm 11.200 đồng/cp, tương ứng với số tiền dự kiến thu về khoảng 84 tỉ đồng.

Như vậy, nhà đầu tư nào sẽ mua vào khối lượng phát hành riêng lẻ lần này của Cảng Phước An? Liệu Hoành Sơn có thực sự buông quyền chi phối, hay kịch bản của đợt tăng vốn năm 2017 có lặp lại?

Tại cuối kì kế toán quí III/2019, Cảng Phước An lỗ lũy kế trên 27 tỉ đồng.

Cơ cấu tài sản của Cảng Phước An có sự dịch chuyển lớn. Tại ngày 30/9/2019, tài sản ngắn hạn của công ty tăng mạnh 79% so với đầu năm, ghi nhận 881 tỉ đồng. Trong đó, tiền và tương đương tiền nhảy vọt từ 488 tỉ đồng ở đầu năm lên 876 tỉ đồng.

Ngược lại, tài sản dài hạn của công ty giảm mạnh 61% về 240 tỉ đồng, chủ yếu là các khoản trả trước cho người bán dài hạn.

Nguyên Ngọc

ĐHĐCĐ Vincom Retail: Lãi 1.080 tỷ đồng trong quý I, lãnh đạo khẳng định không đổi tên khi xuất hiện cổ đông mới
Năm 2024, ban lãnh đạo Vincom Retail trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.420 tỷ đồng.