|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hòa Phát vay hơn 42.000 tỉ đồng từ những đâu?

12:11 | 11/09/2020
Chia sẻ
Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng tài sản của Hòa Phát tăng trưởng gần 11.000 tỉ đồng, trong đó có sự đóng góp của gần 6.000 tỉ đồng nợ vay tăng thêm. Song song với đó, năng lực trả nợ của Hòa Phát cũng được củng cố thông qua tăng cường tích trữ tiền mặt và lợi nhuận nghìn tỉ từ hoạt động kinh doanh.
Hòa Phát vay hơn 42.000 tỉ đồng từ những đâu? - Ảnh 1.

Biển quảng cáo ống thép Hòa Phát trên đường cao tốc. (Ảnh: Song Ngọc)

Tổng nợ vay 42.666 tỉ đồng

Tại ngày 30/6/2020, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) có tổng nợ phải trả 60.064 tỉ đồng, tương đương trên 53% tổng tài sản. Trong đó, vay ngắn hạn là 22.014 tỉ đồng và vay dài hạn là 20.652 tỉ đồng, tăng lần lượt 5.176 tỉ đồng và 810 tỉ đồng so với ngày đầu năm. (Con số nợ vay ngắn hạn nói trên đã bao gồm các khoản vay dài hạn sắp đến hạn trả trong vòng 12 tháng.)

Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2020, các khoản vay ngắn hạn của Hòa Phát tại ngày 30/6 chủ yếu là bằng Việt Nam đồng trị giá 17.247 tỉ đồng, theo sau là các khoản vay bằng USD với giá trị qui đổi là 2.522 tỉ đồng, và các khoản vay bằng yen Nhật trị giá hơn 51 tỉ đồng.

Một phần các khoản vay ngắn hạn này được bảo đảm bằng nhiều loại tài sản của Hòa Phát như tiền và tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng, hàng tồn kho, tài sản cố định, … Ngoài ra, một số thành viên HĐQT của Hòa Phát cũng dùng cổ phiếu HPG thuộc sở hữu cá nhân để bảo đảm cho các khoản vay ngắn hạn của tập đoàn.

Chủ tịch Trần Đình Long đang dùng 100 triệu cổ phiếu HPG để bảo lãnh khoản vay 1.700 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Thành Công. Số tiền này được dùng để bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh của công ty con là CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất.

Trong báo cáo tài chính gần đây nhất, Hòa Phát không liệt kê cụ thể các chủ nợ vay ngắn hạn của tập đoàn.

Tại ngày 30/6 Hòa Phát có dư nợ vay dài hạn 22.846 tỉ đồng, trong số này có gần 2.200 tỉ đồng đến hạn trả trong vòng 12 tháng đã được tính vào nợ vay ngắn hạn nói đến ở trên.

Chủ nợ dài hạn lớn nhất của Hòa Phát là Vietcombank – Chi nhánh Thành công với số dư 8.861 tỉ đồng. Kế đến, các chi nhánh của Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) cho Hòa Phát vay tổng cộng 8.291 tỉ đồng.

Hòa Phát vay hơn 42.000 tỉ đồng từ những đâu? - Ảnh 2.

Giá trị vay dài hạn của Tập đoàn Hòa Phát (bao gồm các khoản đến hạn trả trong vòng 12 tháng kể từ ngày 30/6/2020). Nguồn: Trích báo cáo tài chính bán niên 2020.

Ngoài ra Hòa Phát còn vay một số ngân hàng ngoại như BNP Paribas – Chi nhánh Singapore 200 triệu USD (tương đương 4.660 tỉ đồng), HSBC Việt Nam 819 tỉ đồng, ANZ Việt Nam 85 tỉ đồng.

Các khoản vay dài hạn này được bảo đảm bằng tiền gửi có kì hạn, hàng tồn kho, tài sản cố định, xây dựng cơ bản dở dang và bảo lãnh bởi công ty thành viên của Tập đoàn Hòa Phát.

Các khoản vay dài hạn bằng Việt Nam đồng chịu lãi suất từ 2,6% đến 9,6% một năm, khoản vay bằng USD chịu lãi suất LIBOR + 2,05% một năm.

Năng lực trả nợ của Hòa Phát

Bên cạnh khối nợ lớn, Hòa Phát cũng tích trữ được số tiền mặt đáng kể. Tại ngày 30/6/2020, tổng giá trị tiền mặt, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng của Hòa Phát là 12.147 tỉ đồng, đứng thứ 11 trong số các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Hòa Phát vay hơn 42.000 tỉ đồng từ những đâu? - Ảnh 3.

So với ngày đầu năm, khối tiền của Hòa Phát đã tăng trên 100%, tức là tăng hơn 6.228 tỉ đồng. Xét theo giá trị tuyệt đối, Hòa Phát là doanh nghiệp tăng trưởng tiền mặt lớn thứ 2 thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020, chỉ sau Vingroup.

Hòa Phát vay hơn 42.000 tỉ đồng từ những đâu? - Ảnh 4.

Tổng nợ ngắn hạn của Hòa Phát thời điểm cuối quí II là 33.561 tỉ đồng, vẫn thấp hơn so với con số 39.021 tỉ đồng tài sản ngắn hạn.

Chỉ số khả năng trả lãi của Hòa Phát trong 6 tháng đầu năm 2020 là 6,7 lần, tức là thu nhập trước thuế và lãi vay (EBIT) của công ty lớn gấp 6,7 lần so với chi phí lãi vay.

Tỉ lệ này đã giảm đáng kể so với mức 12,6 lần của 6 tháng đầu năm ngoái nhưng vẫn ở trong vùng an toàn. Trong báo cáo phân tích mới đây, công ty chứng khoán ngân hàng Vietcombank (VCBS) cho biết hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ROIC) của Hòa Phát đang ở mức 12,9%/năm, cao hơn nhiều so với chi phí đi vay bình quân hiện khoảng 5%/năm. 

VCBS nhận định việc sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức độ hiện tại vẫn mang lại hiệu quả đòn bẩy ROE cho cổ đông và Hòa Phát vẫn còn dư địa gia tăng đòn bẩy tài chính để tăng trưởng tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE).

Đức Quyền