|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Rủi ro lãi suất của Hòa Phát gia tăng

15:31 | 31/08/2020
Chia sẻ
Do vay nợ tăng lên, ảnh hưởng của thay đổi lãi suất đối với lợi nhuận thuần của Tập đoàn Hòa Phát năm 2020 lớn hơn đáng kể so với năm 2019.
Rủi ro lãi suất của Hòa Phát gia tăng - Ảnh 1.

Nhà máy ống thép Hòa Phát. (Ảnh: Hòa Phát)

Theo báo cáo tài chính soát xét nửa đầu năm 2020, tại ngày 30/6 Tập đoàn Hòa Phát có 9.736 tỉ đồng tài sản tài chính hưởng lãi suất cố định, tăng gần 5.500 tỉ đồng so với ngày đầu năm 2020. Giá trị nợ phải trả tài chính chịu lãi suất cố định là 28.013 tỉ đồng, giảm hơn 4.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, giá trị nợ phải trả tài chính chịu lãi suất thả nổi là 14.653 tỉ đồng, tăng hơn 10.000 tỉ đồng so với ngày đầu năm.

Rủi ro lãi suất của Hòa Phát gia tăng - Ảnh 2.

Các công cụ tài chính của Hòa Phát chịu ảnh hưởng bởi lãi suất. (Nguồn: Hòa Phát)

Theo ước tính của Hòa Phát, khi lãi suất thay đổi 100 điểm cơ bản (hay 1 điểm %), giả sử các biến số khác như tỷ giá không đổi, lợi nhuận thuần hợp nhất năm 2020 của tập đoàn sẽ tăng hoặc giảm 58,5 tỉ đồng. Con số biến động của năm 2019 là xấp xỉ 40 tỉ đồng.

Tại ngày cuối quí II/2020, tổng nợ ngắn hạn và dài hạn của Hòa Phát là 42.666 tỉ đồng, chiếm 71% nợ phải trả và tăng gần 6.000 tỉ đồng so với ngày đầu năm.

Chi phí lãi vay trong 6 tháng đầu năm 2020 của Hòa Phát là 1.004 tỉ đồng, cao gấp 2,5 lần cùng kì năm ngoái và lớn hơn chi phí lãi vay 937 tỉ đồng của cả năm 2019.

Trong báo cáo phân tích mới đây, CTCP Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định vay nợ cao đang gây áp lực lớn lên lợi nhuận của Hòa Phát.

"Nợ vay dùng để phục vụ cho mảng sản xuất thép nhưng biên lợi nhuận gộp bị giảm sút. Chính vì thế nhà đầu tư nên cân nhắc rủi ro từ chi phí lãi vay tăng cao. Khi mảng nông nghiệp không thể tiếp tục duy trì được kết quả vượt trội do biến động của giá thịt heo, lợi nhuận của toàn công ty sẽ bị ảnh hưởng nặng nề", Chứng khoán Phú Hưng nhận xét.

Rủi ro lãi suất của Hòa Phát gia tăng - Ảnh 3.

Lãi vay của Hòa Phát nửa đầu năm 2020 lớn hơn cả năm 2019.

Hòa Phát cho biết tập đoàn đã kí kết các hợp đồng hoán đổi lãi suất nhằm đạt được một cơ cấu phù hợp bao gồm các khoản chịu lãi suất cố định và lãi suất thả nổi theo chính sách của tập đoàn.

Tại ngày 30/6/2020, Hòa Phát có các hợp đồng hoán đổi lãi suất với giá trị hợp đồng ước tính là 4.660 tỉ đồng, nhỉnh hơn so với mức 4.640 tỉ đồng ngày đầu năm 2020.

Tại ngày cuối quí II, Hòa Phát cũng đang có các hợp đồng giao dịch hoán đổi giá cả hàng hóa với một số ngân hàng thương mại trong nước để đề phòng rủi ro biến động giá mua nguyên vật liệu (quặng sắt) trong tương lai.

Các hợp đồng hoán đổi đáo hạn khi Hòa Phát mua nguyên vật liệu từ các nhà cung cấp được qui định trong hợp đồng theo giá quặng sắt được xác định tại thời điểm mua.

Nếu giá nguyên vật liệu mà Hòa Phát mua cao hơn giá qui định trong các hợp đồng hoán đổi, các ngân hàng sẽ hoàn trả lại khoản chênh lệch cho Hòa Phát.

Ngược lại, nếu giá mua thực tế thấp hơn giá qui định trong hợp đồng hoán đổi, Hòa Phát sẽ phải trả chênh lệch cho ngân hàng.

Ngoài rủi ro lãi suất và giá nguyên vật liệu, Hòa Phát còn phải chịu rủi ro tỷ giá, nhất là cặp tỷ giá VND với USD do tại ngày 30/6/2020 tập đoàn này đang vay dài hạn 200 triệu USD, vay ngắn hạn 108 triệu USD và phải trả người bán 370 triệu USD. Nếu VND mất giá so với USD, chi phí trả nợ nước ngoài của Hòa Phát sẽ tăng lên.

Rủi ro lãi suất của Hòa Phát gia tăng - Ảnh 4.

Các khoản tài sản, (nợ phải trả) tiền tệ thuần chịu ảnh hưởng của rủi ro tỷ giá hối đoái tại ngày 30/6/2020. (Nguồn: Hòa Phát)

Đức Quyền

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.