|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hòa Phát và Formosa bán 1,2 triệu tấn HRC trong hai tháng, giá đang tăng nhanh

19:04 | 16/03/2021
Chia sẻ
Trong hai tháng đầu năm 2021, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh đã sản xuất tổng cộng 1,12 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC), tiêu thụ gần 1,22 triệu tấn. Giá HRC đang trong xu hướng tăng và đầu tháng 3 này đã vượt 700 USD/tấn.

Hòa Phát bán ra gần 428.000 tấn HRC

Việt Nam hiện nay có hai doanh nghiệp sản xuất được thép cuộn cán nóng là Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Trong hai tháng đầu năm, hai công ty này đã cho ra lò 1,12 triệu tấn HRC, trong đó Hòa Phát là 383.000 tấn và Formosa là 733.500 tấn.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), thị trường tiêu thụ chủ yếu của Hòa Phát là ở miền Bắc với sản lượng 312.700 tấn, kế đến là miền Nam với 106.800 tấn. Trong khi đó, HRC của Formosa chủ yếu được dùng ở miền Nam (416.000 tấn) và xuất khẩu (223.500 tấn).

Tổng cộng, hai doanh nghiệp này đã tiêu thụ gần 1,22 triệu tấn HRC trong hai tháng qua, Hòa Phát gần 428.000 tấn còn Formosa là 789.000 tấn. Tính đến cuối kỳ, Hòa Phát còn 64.700 tấn HRC tồn kho.

Hòa Phát và Formosa bán 1,2 triệu tấn HRC trong hai tháng, giá đang tăng nhanh - Ảnh 1.

Đầu tháng 1 năm nay, Hòa Phát đưa lò cao số 4 của Khu liên hợp Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) vào vận hành. Sau khoảng một tháng, lò cao này đạt công suất tối đa, đóng góp vào sản lượng HRC của Hòa Phát. 

Năm 2021, Hòa Phát đặt mục tiêu cho ra lò 8 triệu tấn thép thô, vượt qua Formosa để trở thành nhà sản xuất thép số 1 Việt Nam. Trong số này, sản lượng HRC ước đạt khoảng 2,7 triệu tấn.

Tập đoàn của Chủ tịch Trần Đình Long cũng dự định xây hai nhà máy sản xuất container với công suất 500.000 TEU (đơn vị tương đương container 20 feet), dự kiến sử dụng 1 triệu tấn HRC mỗi năm. Lãnh đạo công ty kỳ vọng nhà máy sẽ cho ra sản phẩm đầu tiên vào quý II/2022.

Giá HRC vượt 700 USD/tấn

Theo VSA, giá HRC (tiền hàng cộng cước vận tải CFR cảng Đông Á) ngày 4/3 vừa qua là 710 USD/tấn, tăng mạnh so với mức 663 USD tại ngày 18/2 và đã vượt qua mốc 700 USD từng đạt được vào ngày 8/12/2020.

Theo S&P Global Platts, tại ngày 12/3 vừa qua giá HRC nội địa tại Mỹ tăng vọt 35,8 USD/tấn so với ngày hôm trước lên mức 1.432 USD/tấn, cao gấp gần ba lần tháng 8 năm ngoái. Nguyên nhân là tình trạng khan hiếm nguyên liệu thô.

Tại Thượng Hải, giá HRC loại Q235 5,5 mm cùng ngày 12/3 là 4.950 nhân dân tệ, tương đương 761 USD, mỗi tấn. Việc thủ phủ thép Đường Sơn cắt giảm sản lượng theo kế hoạch nhiều khả năng sẽ đẩy giá HRC tiếp tục lên cao.

Hòa Phát và Formosa bán 1,2 triệu tấn HRC trong hai tháng, giá đang tăng nhanh - Ảnh 2.

Theo S&P Global Platts, chênh lệch giá HRC giữa Mỹ và Trung Quốc trong tháng 3/2021 là mức cao nhất kể từ khi tổ chức này bắt đầu thống kê giá vào năm 2008.

Giá thép cao đã khiến thị trường Mỹ trở nên rất hấp dẫn với các nhà sản xuất ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong tháng 2, Hàn Quốc đã xuất khẩu khoảng 196.000 tấn thép sang Mỹ, tăng 64% so với tháng 1. Xuất khẩu của Nhật Bản cũng tăng 85% so với tháng trước, đạt gần 83.000 tấn.

Tổng lượng HRC mà Mỹ nhập khẩu trong tháng 2 là 138.460 tấn, tăng 15% so với tháng 1.

Giá HRC tại Trung Quốc cũng đang tăng cao nên các nhà sản xuất của đất nước tỷ dân tỏ ra không mấy mặn mà với việc xuất khẩu.

Hòa Phát và Formosa bán 1,2 triệu tấn HRC trong hai tháng, giá đang tăng nhanh - Ảnh 3.

Biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã liên tục cải thiện kể từ sau Tết Nguyên đán, chủ yếu nhờ giá thành phẩm tăng, đặc biệt là HRC. Giá thép thanh biến động thất thường hơn nhưng cũng được nhiều nhân tố hỗ trợ hơn vì thời tiết ấm lên cho phép các công trường xây dựng hoạt động mạnh trở lại.

Đức Quyền - Song Ngọc

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.