|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hòa Phát tiêu thụ hơn 53.000 tấn ống thép, gần gấp đôi Hoa Sen

08:02 | 14/03/2021
Chia sẻ
Trong tháng 1, Hoa Sen bất ngờ vượt lên dẫn trước Hòa Phát về tiêu thụ ống thép. Sang tháng 2, Hòa Phát lại bỏ xa Hoa Sen.
Hòa Phát tiêu thụ hơn 53.000 tấn ống thép, gần gấp đôi Hoa Sen - Ảnh 1.

Một cửa hàng ống thép Hòa Phát tại Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu rơi trọn vào tháng 2 nên nhu cầu tiêu thụ nhiều mặt hàng thép đi xuống rõ rệt. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng vừa qua các doanh nghiệp thành viên đã tiêu thụ tổng cộng 161.800 tấn ống thép, giảm 5% so với tháng 1.

Nhiều doanh nghiệp ngược dòng ghi nhận sản lượng bán ra cải thiện đáng kể như Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) tăng 33% lên 53.225 tấn; Việt Đức (Mã: VGS) tăng 84% lên 15.100 tấn, Vinapipe tăng 36% lên gần 1.600 tấn.

Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) từng vượt qua Hòa Phát để dẫn đầu thị phần ống thép trong tháng đầu năm 2021 nhưng sang tháng 2, sản lượng chỉ còn 27.004 tấn, giảm 33% và bằng khoảng một nửa của Hòa Phát.

Trong tháng 1, Hoa Sen và Hòa Phát tiêu thụ lần lượt 40.359 tấn và 39.994 tấn ống thép.

Hòa Phát tiêu thụ hơn 53.000 tấn ống thép, gần gấp đôi Hoa Sen - Ảnh 3.

Tiêu thụ ống thép tháng 2 và tỷ lệ tăng giảm so với tháng 1/2021.

Khu vực miền Bắc là thị trường tiêu thụ ống thép chính của Hòa Phát khi chiếm tỷ trọng 45%, tiếp theo là khu vực miền Nam với 33%, thị trường miền Trung và xuất khẩu lần lượt chiếm 19% và 3% tổng sản lượng bán ra.

Về phần Hoa Sen, miền Nam là thị trường chủ lực khi chiếm trên 37% sản lượng, tiếp đến là miền Bắc (26%), miền Trung (22%) và xuất khẩu (14%).

Lũy kế hai tháng đầu năm, các doanh nghiệp thành viên của VSA đã bán ra trên 332.000 tấn ống thép, tăng 14,7% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 41.768 tấn, tăng 20,3%.

Hòa Phát dẫn đầu với thị phần 28,1%, kế đến là Hoa Sen 20,3%. Khoảng cách giữa hai đại gia này đã được thu hẹp so với năm 2020.

Hòa Phát tiêu thụ hơn 53.000 tấn ống thép, gần gấp đôi Hoa Sen - Ảnh 4.

Ba doanh nghiệp còn lại trong top 5 thị trường ống thép hai tháng đầu 2021 là Việt Đức, Minh Ngọc và Nam Kim (Mã: NKG). 

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán BSC cho biết Nam Kim đang đầu tư mới kho hàng tập trung và di dời phân xưởng ống thép với quy mô 4 ha nhằm khai thác tối đa công suất các nhà máy mạ, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong thời gian tới. 

BSC cho rằng việc xây dựng kho hàng tập trung sẽ giúp Nam Kim gỡ được giới hạn tăng trưởng về sản lượng, đa dạng hóa sản xuất. Đây là việc làm cần thiết sau khi tái cấu trúc sản xuất, chuyển nhượng Nhà máy Nam Kim 1 (công suất 500.000 tấn/năm) và rút vốn góp tại Nam Kim Corea để giảm nợ vay trong năm 2019. 

Đối với dự án mở rộng kho hàng với tổng mức đầu tư ước khoảng 250 tỷ đồng, BSC cho rằng vẫn trong năng lực của Nam Kim nếu so sánh với 295 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2020 và 576 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối đến 31/12/2020. 

Năm 2021, Hội đồng quản trị Nam Kim đặt mục tiêu lãi sau thuế 600 tỷ đồng, cao gấp hơn hai lần thực hiện năm 2020.

Đức Quyền - Song Ngọc

Liệu hệ thống KRX có lỡ hẹn với mốc ngày 2/5?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa đưa ý kiến về hệ thống công nghệ thông tin thuộc dự án đầu tư xây dựng Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (hay còn gọi là hệ thống KRX) trước thời điểm dự kiến chính thức vận hành 2/5 theo như kế hoạch đưa ra trước đó.