|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hỗ trợ lãi suất 2%: Chưa có tiêu chí cụ thể về ngành nghề, khả năng phục hồi, cả ngân hàng và khách hàng đều ngại thanh kiểm tra

11:13 | 26/08/2022
Chia sẻ
Sau 3 tháng triển khai, các ngân hàng thương mại đã vào cuộc rất tích cực nhưng kết quả thực hiện giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% còn rất khiêm tốn. Dự kiến đến cuối tháng 8 mức giải ngân ước đạt hơn 13 tỷ đồng trên tổng quy mô 40.000 tỷ.

Số liệu từ NHNN cho biết , theo báo cáo nhanh từ các NHTM, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.407 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ đạt khoảng 4.300 tỷ đồng; dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8/2022 khoảng 13,5 tỷ đồng.

Tại Hội nghị trực tuyến phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% do NHNN tổ chức sáng 26/8,  các ngân hàng đã đưa ra loạt vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Trong đó, nổi cộm nhất là việc xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất.

 Toàn cảnh hội nghịphổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. (Ảnh: Diệp Bình).

Mặc dù các lĩnh vực, ngành nghề được hỗ trợ được cụ thể hóa từ Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, nhưng trên thực tế nhiều khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành; nhiều khách hàng không cóđăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ.

"Agribank có 96% là khách hàng cá nhân. Trong đó, lượng khách hàng cá nhân không có giấy ĐKKD chiếm 40 - 50%, tổng dư nợ trên 100.000 tỷ đồng không được hỗ trợ theo quy định", ông Phạm Toàn Vượng - Phó TGĐ Agribank cho hay.

Theo ông Vượng, có những trường hợp một số hoạt động kinh doanh có sự tương đồng nhưng vẫn có sự khác biệt với định dạng theo Nghị định 31 của Chính phủ khiến ngân hàng gặp khó trong việc phân ngành để áp dụng chương trình hỗ trợ lãi suất.

Ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết đối với doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh đa ngành, rất khó tách bạch được chi phí đặc biệt là chi phí cố định, khó xác định được vốn vay cho lĩnh vực nào. Ngân hàng cũng khó khi tính toán mức vay của doanh nghiệp trong việc phân tách các dòng tiền.

Về vấn đề này, bà Phạm Thị Trung Hà - Phó TGĐ Ngân hàng MB, đề xuất giải pháp với các Hộ kinh doanh không có ĐKKD, thì có thể dùng xác nhận của UBND địa phương hoặc Hiệp hội ngành hàng.

Khó xác định tiêu chí "khả năng phục hồi", lo ngại thanh kiểm tra sau này

Trong việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, các ngân hàng cho biết rất khó xác định tiêu chí "có khả năng phục hồi" theo quy định tại Nghị định 31. 

Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Phó TGĐ VietinBank, cho biết điều kiện "có khả năng phục hồi" không có hướng dẫn cụ thể dẫn đến mỗi ngân hàng áp dụng một điều kiện khác nhau, khó khăn cho cả ngân hàng và phía khách hàng vay.

"VietinBank có phụ lục có hướng dẫn một số tiêu chí khả năng phục hồi nhưng qua trao đổi thực tế thì có thể thấy việc đưa ra các tiêu chí giữa các ngân hàng không thống nhất có thể dẫn đến có thể dẫn tới việc khó thanh toán khoản hỗ trợ lãi suất hoặc quá trình thanh tra, kiểm tra phát sinh sau này", đại diện VietinBank cho hay.

Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc MB kỳ vọng NHNN sẽ làm rõ, để sau này khi thực hiện thanh tra, "khi kiểm tra sẽ lấy các quy định của chúng tôi để kiểm tra chứ không phải lấy quy định bên ngoài khác", bà nói.

Không chỉ các ngân hàng lo ngại về việc thanh kiểm tra, nhiều khách hàng cũng không mặn mà với khoản hỗ trợ lãi suất vì e ngại trong trường hợp sơ suất khi tham gia chương trình phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.  

Hỗ trợ lãi suất 2% là chương trình có nguồn tiền hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước nên các NHTM cũng thận trọng, đảm bảo dòng tiền hỗ trợ được đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn và hiệu quả.

Do đó, các NHTM mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán. 

Tuy nhiên, vẫn còn tâm lý e ngại của các NHTM khi triển khai thực hiện do một số chương trình trợ lãi suất (gồm chương trình HTLS năm 2009 và một số chương trình HTLS từ ngân sách nhà nước) vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng.

"Cho đến nay, chúng tôi vẫn còn tồn đọng vài tỷ tiền hỗ trợ lãi suất chưa thể thanh toán được từ nhiều năm trước", ông Nguyễn Hưng - TGĐ TPBank cho biết.

Diệp Bình