|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hiệu quả trồng xen cà phê được phát huy

13:10 | 16/01/2019
Chia sẻ
Theo kết quả điều tra một số mô hình trồng xen tiêu tại Đắk Lắk, hiệu quả kinh tế gấp 1,69 lần so với cà phê trồng thuần trên cùng đơn vị diện tích. Mô hình trồng xen với cây ăn quả (bơ, sầu riêng) tại Lâm Đồng cho hiệu quả kinh tế cao, tổng doanh thu có thể đạt 192 triệu đồng/ha/năm.

Hiệu quả trồng xen cây vườn cà phê

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trồng xen trong vườn cà phê bước đầu đã đem lại hiệu quả. Cây trồng xen và cây cà phê có thời gian thu hoạch khác nhau, giúp cho bà con nông dân có thu hoạch rải đều trong năm và tăng thêm thu nhập.

hieu qua trong xen ca phe duoc phat huy
Hiệu quả trồng xen cà phê được phát huy. (Ảnh minh họa)

Theo kết quả điều tra một số mô hình trồng xen tiêu tại Đắk Lắk, hiệu quả kinh tế gấp 1,69 lần so với cà phê trồng thuần trên cùng đơn vị diện tích. Mô hình trồng xen với cây ăn quả (bơ, sầu riêng) tại Lâm Đồng cho hiệu quả kinh tế cao, tổng doanh thu có thể đạt 192 triệu đồng/ha/năm.

Theo Đề án tái canh cây cà phê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giai đoạn 2014 - 2020 trồng tái canh và ghép cải tạo khoảng 120.000 ha cà phê trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Nguyên, trong đó trồng tái canh khoảng 90.000 ha, ghép cải tạo khoảng 30.000 ha.

Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam cho hay do giá cà phê giảm, nhiều hộ đã chuyển sang trồng các loại cây khác như bơ, sầu riêng có lợi nhuận cao hơn. Diện tích các loại cây này đã lên 102.000 ha trong năm 2018.

Cùng với đó, theo thống kê chưa đầy đủ từ các tổ chức chứng nhận VietGAP, đến nay có hơn 1.800 cơ sở có Giấy chứng nhận VietGAP đang còn hiệu lực với diện tích gần 81.500 ha, tăng 297 cơ sở và tăng gần 60.400 ha so với năm 2017.

Trong năm 2018, ngành trồng trọt đạt được nhiều thành tựu tích cực. Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Văn Đức nhận định: “Một trong những thành tựu nổi bật của lĩnh vực trồng trọt trong năm 2018 là xuất khẩu gạo ước đạt 3,03 tỉ USD, tăng 16,1% về giá trị và tăng 4,5% về số lượng so với năm 2017.

Giá gạo xuất khẩu tăng từ 452 USD/tấn năm 2017 lên 502 USD/tấn trong năm 2018, tỉ trọng gạo chất lượng cao xuất khẩu đã đạt tới khoảng 80%”.

Mặt hàng rau quả tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với mức giá trị xuất khẩu cao, ước đạt 3,8 tỉ USD, tăng 8,5% về giá trị so với năm 2017.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Thống kê, năm 2018, giá trị sản xuất trồng trọt ước đạt 482 nghìn tỉ đồng, tăng khoảng 2,52%. Giá trị xuất khẩu nông sản ước đạt 19,5 tỉ USD, tăng 3% so với năm 2017.

Tập trung vào việc phát triển của từng cây có giá trị cao

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết năm 2019, lĩnh vực trồng trọt đề ra mục tiêu giá trị xuất khẩu nông sản đạt khoảng 21 tỉ USD.

Để đạt được mục tiêu đề ra, theo Cục Trồng trọt, cần tổ chức lại sản xuất của các hộ nông dân theo hướng quy mô lớn, tập trung và có sự liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa các tổ chức nông dân với doanh nghiệp tạo thành các chuỗi ngành hàng.

Mặt khác, ngành cần đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo và đưa vào sản xuất các giống cây trồng có chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh, điều kiện bất thuận của môi trường. Bên cạnh đó, ngành cũng cần đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch và ứng dụng công nghệ cao trong các công đoạn tưới, bón phân tự động,…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đề nghị trong năm 2019, lĩnh vực trồng trọt cần tập trung vào việc phát triển của từng cây có giá trị cao.

“Lúa phải đi từng vụ, từng vùng, cây ăn quả phải cụ thể cho hai miền, từng cây một phải chỉ đạo sát sao”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Về đề sâu bệnh, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu cần đặc biệt chú ý tới công tác này, đặc biệt các cây như: hồ tiêu, cây sắn,…Hiện nay, dịch bệnh là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu đối với những loại cây này để nâng cao năng suất cây trồng.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh rằng chất lượng và việc công nhận giống mới là vấn đề quan trọng. Việc kiểm soát số lượng giống mới cần quan tâm nhằm tạo điều kiện cho người nông dân dễ dàng lựa chọn sử dụng

Đức Quỳnh