Hiệp hội vàng “cầu cứu” Chủ tịch Quốc hội
Theo phản ánh của Hiệp hội vàng, đơn vị này đã có văn bản gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) góp ý về việc sửa đổi, bổ sung Luật doanh nghiệp 2014 và Luật đầu tư 2014 để đề nghị VCCI tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ và Thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, sau đó Hiệp hội chưa nhận được bất kỳ văn bản đề nghị góp ý nào từ các cơ quan chức năng có liên quan đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư, kể cả các trang web của các Bộ, ngành có liên quan cũng không đăng tải Dự thảo danh mục này.
Đến ngày 22/11/2016 khi Quốc hội thông qua danh mục 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, thì Hiệp hội mới được biết “Kinh doanh vàng” là một trong số 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư đã được Quốc hội thông qua ngày 22/11/2016).
Theo Hiệp hội, quy định mới của Luật đầu tư sửa đổi đối với ngành vàng đã siết chặt hơn rất nhiều so với Luật đầu tư 2014, chứ không nới lỏng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Đặc biệt, quy định mới này sẽ tạo ra rất nhiều giấy phép con không cần thiết, gây tốn kém rất nhiều về thời gian, chi phí và cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng khi làm các thủ tục hành chính.
Hồi tháng 6/2016, cho rằng việc bị hạn chế cho vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ khiến các doanh nghiệp trong ngành gặp khó khăn, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cũng đã có công văn kiến nghị gửi tới Thủ tướng với mong muốn đề nghị Ngân hàng Nhà nước bãi bỏ quy định tại Thông tư 33.