Hiệp hội sữa Việt Nam quan ngại trước đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính
Theo Hiệp hội, Bộ Tài chính đang dùng từ “nước ngọt” trong dự thảo áp thuế tiêu thụ đặc biệt rất không rõ ràng, gây hiểu lầm, mâu thuẫn và dễ gây tranh cãi.
Hiệp hội này cho rằng nước ngọt là một từ có nghĩa rất rộng và không rõ ràng. |
Hiệp hội này cho rằng nước ngọt là một từ có nghĩa rất rộng và không rõ ràng. Điều này có nghĩa là bất cứ sản phẩm đồ uống được và có bất cứ loại đường nào, gồm sữa, sản phẩm có sữa, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặt biệt của người già, trẻ em, phụ nữ có thai, thực phẩm dinh dưỡng dùng cho bệnh nhân… đều có thể bị coi là nước ngọt. Trong khi các sản phẩm này có lợi cho sức khỏe, rất cần thiết cho người dân mà Chính phủ khuyến khích sử dụng…
Nếu Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thì các mặt hàng này sẽ tăng lên, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sức khỏe của đại bộ phận người dân, nhất là các đối tượng đặc biệt như trẻ em, người già, bệnh nhân, những người suy dinh dưỡng, thấp còi. Số lượng đối tượng này hiện đang chiễm cỡ khoảng 25%.
“Luật cần sử dụng từ chính xác, tránh gây hiểu lầm cũng như tạo ra những cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần sử dụng nước ngọt thay cho "nước giải khát" thay cho "nước ngọt" để phân biệt các sản phẩm dùng để giải khát với các sản phẩm dinh dưỡng”, Hiệp hội này bày tỏ.
Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, ngay cái lý do đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt là nhằm bảo vệ sức khoẻ người dân cũng không phù hợp, chưa kể nó còn đi ngược với Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường bảo vệ sức khoẻ của nhân dân.
Báo cáo mới nhất của Hội đồng cấp cao Độc lập của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tháng 6/2018 về các bệnh không lây nhiễm (trong đó có béo phì) không khuyến cáo đánh thuế lên các sản phẩm có đường. Thay vào đó, báo cáo này cho rằng, 4 nguyên nhân chính gây nên các bệnh không lây nhiễm bao gồm thuốc lá, rượu, chế độ ăn không hợp lý (nhiều chất béo, muối, đường) và thiếu vận động.
“Báo cáo này của WHO chỉ khuyến cáo đánh thuế với rượu, thuốc lá, cải thiện hợp lý chế độ ăn và tăng cường vận động. Trong số 193 nước trên thế giới, theo số liệu của Bộ Tài chính, cũng chỉ có 40 nước, tức 20% số quốc gia đánh thuế lên nước giải khát có đường. 80% quốc gia còn lại không đánh thuế”, Hiệp hội này nhấn mạnh và cho rằng: “Hiện chưa có bất kỳ số liệu thống kê nào cho thấy việc đánh thuế ở 40 nước nêu trên đem lại hiệu quả trong việc giảm tình trạng béo phì".
Dự thảo sửa đổi 5 luật thuế trong đó có Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Bộ Tài chính hoàn thiện và đưa ra lấy ý kiến từ cuối năm 2017. Qua các lần sửa đổi, lấy ý kiến, đến nay, các dự thảo đang dần dần được hoàn thiện. Điều đáng nói là, lần nào Bộ Tài chính lấy ý kiến và đề cập đến chuyện đánh thuế thì không chỉ các đơn vị, tổ chức doanh nghiệp, hiệp hội mà người tiêu dùng cũng… đồng loạt phản đối.
Một trong những cơ sở để Bộ Tài chính đưa ra đề xuất này là nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt nhằm giảm tình trạng người dân thừa cân, béo phì và mắc bệnh tiểu đường. Bộ Tài chính cho rằng, tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì và tiểu đường ở Việt Nam đang ở mức cao. Hiện ở Việt Nam tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số.
Phản đối dự thảo này, Hiệp hội Mía Đường Việt Nam dẫn chứng số liệu của WHO cho thấy, các quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng vẫn có tỷ lệ béo phì tăng liên tục trong những năm qua để khẳng định rằng – cái sự lo dân béo phì của Bộ Tài chính là không có cơ sở.
Cụ thể, Thái Lan, mặc dù áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt trong suốt 30 năm qua nhưng tỷ lệ người thừa cân, béo phì ở độ tuổi 5 đến 19 tuổi tăng nhanh từ 3,1% vào năm 2000 lên đến 11,3% vào năm 2016. Brunei là một trong 4 quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt nhưng tỷ lệ người tử vong do bệnh tiểu đường cao nhất thế giới với 11% và tỷ lệ béo phì ở độ tuổi từ 9 đến 15 tuổi tăng từ 6,4% vào năm 2000 lên mức 14,1% vào năm 2016.