|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hiệp hội mắc ca hứa đầu ra cho 'cây tỷ đô'

15:30 | 22/11/2016
Chia sẻ
Hiệp hội mắc ca Việt Nam vừa có một loạt động thái để lo liệu tương lai dài hạn cho hạt mắc ca và giải quyết nạn cây giống kém chất lượng đang làm nhiều nông dân khu vực Tây Nguyên hoang mang.

Trồng xen 600 cây mắc ca với 2.000 cây cà phê trên diện tích 2 hécta, anh Trầm Văn Huynh tại thôn Tân Trung, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng cho biết, dù giá thu mua hạt mắc ca tươi năm nay giảm so với năm ngoái nhưng doanh thu từ mắc ca vẫn đang cao hơn cà phê.

“Vườn mắc ca của tôi đã được 7 năm tuổi. Đến năm thứ 5 thì thu nhập đã nhiều hơn cà phê rồi. Với 2 hécta này, từ năm thứ 6 tôi thu được 3 tấn hạt mắc ca, còn cà phê thì thu được 8 tấn. Giá trị quy ra tiền thì mắc ca cao hơn.”

Vào thời điểm khoảng tháng 8 năm ngoái, giá hạt mắc ca tươi (nguyên vỏ cứng) được thu mua tại vườn khoảng 120.000 đồng mỗi kg. Tuy nhiên, đến nay, theo một số nông dân huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, giá thu mua hạt tươi đã xuống dưới 100.000 đồng mỗi kg, có khi chỉ còn 70.000 đồng. Tuy nhiên, các nông dân cũng thừa nhận, đây vẫn là mức giá tốt và các cơ sở chế biến cũng mua rất nhanh. Bà Bùi Huyền - Trưởng phòng sản xuất của Công ty TBK Green Food ở Lâm Đồng cho biết, ngoài thu mua hạt mắc ca địa phương, công ty này còn nhập hạt nguyên liệu từ nước ngoài để đủ sản lượng chế biến vì nhu cầu tiêu thụ đang tốt. “Hiện nhà xưởng của chúng tôi có công suất tối đa 50 tấn mỗi tháng. Từ tháng 7 đến cuối năm nay, chúng tôi dự kiến chế biến 180 tấn. Trong năm sau, chúng tôi có kế hoạch mở rộng nhà xưởng lên quy mô 2.000m2, đạt công suất 1.000 tấn một năm để xuất khẩu thành phẩm đi Australia”.

hiep hoi mac ca hua dau ra cho cay ty do
Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đảm bảo đầu ra cho người trồng.

Theo tính toán của các chuyên gia, hiện tại, đầu tư một hécta mắc ca xen canh với cà phê có chi phí không lớn, chỉ vào khoảng 100 triệu đồng. Đây là khoản đầu tư mà không ít nông dân ở Tây Nguyên có thể xoay sở được. Thậm chí, nếu có nhu cầu thì thị trường cũng đã có ngân hàng triển khai khói vay ưu đãi riêng để trồng. Tuy nhiên, sản lượng mắc ca không chỉ tăng ở Việt Nam mà còn đang tăng ở khá nhiều nơi trên thế giới. Theo dự báo của Hiệp hội mắc ca Australia, sản lượng mắc ca tại các vùng trồng lớn như: Australia, Mỹ, Nam Phi đều sẽ tăng. Đó là chưa tính đến tình hình phát triển nóng của ngành mắc ca Trung Quốc. Tính đến cuối tháng 7/2016, hai tỉnh trồng mắc ca lớn của nước này là Vân Nam và Lâm Thương đang có tổng cộng 270.000 hécta mắc ca. Dự kiến thời gian tới, riêng tỉnh Lâm Thương sẽ mở rộng thêm 100.000 hécta. Khả năng cạnh tranh của mắc ca Trung Quốc cũng khá mạnh vì quy mô chế biến lớn, với những nhà máy có công suất đến 10.000 tấn một năm và sản phẩm đa dạng, không chỉ nhân mắc ca mà còn có nhân mắc ca rang muối, cà phê mắc ca, sữa mắc ca, mật ong mắc ca...

“Đã là nông dân thì chúng tôi cũng muốn trồng nhiều cây để không bị rủi ro về giá. Nhưng bây giờ bán cây giống thì phải cam kết thu mua sản phẩm. Bà con giờ hiểu biết lắm rồi. Đừng bán giống rồi thôi, phải xuống gắn kết với bà con. Chứ giờ trồng cả chục năm rồi mà bán không được thì chúng tôi chịu thiệt, còn mấy ông bán giống thì biến mất”, một nông dân tại huyện Di Linh lo lắng.

Ông Trần Đình Sỹ - Chủ tịch UBND huyện Di Linh cũng khẳng định, huyện này nói riêng và Lâm Đồng nói chung ủng hộ trồng mắc ca. Tuy nhiên, 2 nỗi lo lớn của địa phương và chất lượng giống và đầu ra phải giải quyết được rốt ráo thì mới an tâm. “Tôi thấy quan trọng nhất là vấn đề cây giống, thời gian qua bà con trồng tự phát nên không biết chọn giống nào. Thứ hai là quy trình chăm sóc cần được hướng dẫn kỹ hơn. Và thứ ba là vấn đề đầu ra. Rất nhiều nông dân cũng suy nghĩ không biết đầu ra trong tương lai như thế nào. Rồi còn khâu chế biến sau thu hoạch nữa”, ông Sỹ thẳng thắn.

Phản hồi về vấn đề này, Hiệp hội mắc ca Việt Nam cho biết đã có hàng loạt giải pháp được triển khai nhằm đảm bảo tương lai lâu dài của hạt mắc ca. Hiệp hội này đã ký được thỏa thuận hợp tác với 2 hiệp hội mắc ca có sản lượng hàng đầu thế giới là Hiệp hội mắc ca Australia và Hiệp hội mắc ca Vân Nam (Trung Quốc) để liên kết nhau trong vấn đề giá. Đại diện các hiệp hội này cũng cho rằng, vấn đề liên kết sẽ hạn chế tối đa rủi ro giá cho mắc ca toàn cầu. “Chúng tôi không thể dự báo được sản lượng mắc ca của Trung Quốc trong thời gian tới, nhưng dù phát triển chậm nhất thì cũng là một vùng trồng rất lớn trên thế giới. Trừ khi chúng ta cùng tìm kiếm, phát triển thị trường chứ nếu không khi cung mắc ca tăng cao thì giá toàn cầu sẽ giảm xuống. Do đó, nếu các hiệp hội cùng hợp tác phát triển chặt chẽ thì sẽ xây dựng được thị trường ổn định”, ông Jolyon Richard Burnett - Tổng giám đốc Hiệp hội Mắc ca Australia nhận định.

“Với tình hình cạnh trang gay gắt trên thị trường thì chúng ta còn chặng đường rất dài. Chỉ khi chúng ta đoàn kết, liên kết lại thì mới đạt được hiệu quả. Hiện giá mắc ca rất cao nhưng thị phần còn rất nhỏ, chỉ chiếm 2% trong tổng các loại hạt. Chúng ta nên hợp tác để nâng từ 2% lên 10%”, bà Chen Yuxiu – Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Vân Nam (Trung Quốc) lạc quan trong bối cảnh tiêu thụ mắc ca trên đầu người tại Trung Quốc chỉ mới có 1,3gram so với Australia là 137 gram mỗi người một năm.

Cùng với ký kết với nước ngoài, Hiệp hội mắc ca Việt Nam còn tuyên bố cam kết thu mua và trợ giá cho các nông dân tham gia thành viên hiệp hội với 95% giá thế giới. Công ty Him Lam, thành viên của hiệp hội này đã có kế hoạch xây dựng một nhà máy chế biến mắc ca tại Lâm Đồng. Giáo sư Hoàng Hòe - Phó chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho biết, lộ trình về lượng cây sẽ trồng và các loại giống đạt chuẩn đã được đơn vị này chuẩn bị xong để đảm bảo đầu vào và cả đầu ra dài hạn cho. “Dự tính trong tương lai sẽ trồng thêm chỉ 10 triệu cây cho 5 đến 10 năm tới. Tôi muốn nói số cây chứ không phải hécta vì chúng ta trồng xen vào vườn cà phê. Hiện có 10 giống mắc ca phù hợp mà chúng tôi khuyến nghị nông dân chủ động chọn từ nguồn có uy tín”, giáo sư Hòe chia sẻ.

“Ở Việt Nam, cây mắc ca phát triển khá nhanh, sản lượng có vẻ tốt hơn các cây trồng cùng thời điểm với Australia, hương vị cũng thơm ngon. Nhưng mắc ca của các bạn giống như trẻ vị thành niên. Thách thức từ một đứa trẻ vị thành niên là đến khi trưởng thành phải vẫn giữ được chất lượng và sản lượng ổn định. Trong nhiều năm trở lại đây, giá mắc ca luôn cao hơn các loại hạt khác, nếu trồng với chất lượng tốt thì giá sẽ cao. Do đó, phải trồng giống mắc ca chất lượng cao, chứ các bạn trồng nhiều như vậy mà chất lượng kém sẽ ảnh hưởng giá trên toàn cầu”, ông Jolyon Richard Burnett nhận xét.

Theo hai đơn vị cung cấp giống lớn là Vina Mắc ca và Him Lam Mắc ca thì giống đạt chuẩn sẽ cho quả bói từ năm thứ 3, trễ nhất là năm thứ 4. Sản lượng thu hoạch sẽ tăng dần từ 5 kg hạt mỗi cây lên 16 kg hạt mỗi cây từ năm thứ 5 đến năm thứ 10. Các chuyên gia khuyến nghị, nông dân nên chọn mua các các vườn ươm chấp nhận cung cấp đầy đủ hóa đơn và hợp đồng bảo hành về thời gian cho quả bói để tránh thiệt hại và dễ dàng đòi quyền lợi nếu có sự cố xảy ra.

Viễn Thông