Hiện tượng NĐT nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp trong nước: Chưa phải ở mức đáng lo ngại
Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch" với chủ đề: "Hậu COVID-19: Chuẩn bị gì để trở lại đường đua?" được tổ chức bởi Thời báo Kinh tế Sài Gòn và một số đơn vị, bàn về việc làm thế nào để tận dụng cơ hội vàng từ dòng dịch chuyển vốn đầu tư từ các nước sang Việt Nam, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT, cho hay có rất nhiều việc Việt Nam cần phải làm.
Theo ông Thắng, nhiều cuộc hội nghị đã bàn đến việc thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đang suy giảm từ 1.300 tỉ USD xuống còn gần 1.000 tỉ USD. Sự cạnh tranh đến từ các nước trong khu vực ngày càng tăng, cần có nhiều nhiều chính sách, sự hỗ trợ để lôi kéo nhà đầu tư nước ngoài.
![Hiện tượng NĐT nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp trong nước: Chưa phải ở mức đáng lo ngại - Ảnh 1. Hiện tượng NĐT nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp trong nước: Chưa phải ở mức đáng lo ngại - Ảnh 1.](https://cdn.vietnambiz.vn/171464876016439296/2020/5/22/pht-1590149178240717567290.jpg)
Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT. Ảnh: NDH.
Nghị quyết 50 xác định chủ trương, tạo tiền đề cơ bản và cũng là căn cơ để tạo điều kiện nâng cao hiệu quả trong thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Việc thay đổi, điều chỉnh cơ cấu đầu tư, hệ thống luật pháp chính sách theo đúng định hướng thu hút đầu tư nước ngoài một cách có chọn lọc... là những việc cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế ngày càng phức tạp hơn.
"Cần vạch ra các kế hoạch cụ thể, từ chủ trương đến thực tế, tổ chức thực hiện hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách", ông Thắng nói.
Vấn đề nguy cơ doanh nghiệp Việt Nam bị các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm với giá rẻ thời điểm này cũng được đưa ra bàn luận tại buổi tọa đàm.
Ông Phan Hữu Thắng cho hay ông đã nghiên cứu sâu về vấn đề này.
"Đúng là có hiện tượng thâu tóm doanh nghiệp trong nước thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trong 2-3 năm gần đây, năm 2019 cao hơn hẳn năm 2018. Tuy nhiên, đó có phải xu hướng mạnh và lấn át dòng vốn FDI hay chưa thì chưa phải", ông Thắng nói.
Ông Thắng cho rằng xu hướng này chưa phải ở mức quá đáng lo ngại. Lo ngại là phải nhận biết xu hướng và quản lí chặt chẽ, phải có định hướng rất rõ với các lĩnh vực ngành nghề gì thì thực hiện qua M&A.
Tuy nhiên, chúng ta không cấm được doanh nghiệp, bởi họ được làm cái gì mà pháp luật không cấm, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do COVID-19 và doanh nghiệp thiếu nguồn vốn làm ăn. Đối với lĩnh vực ngành nghề pháp luật không cấm thì các doanh nghiệp được thực hiện.
"Bên cạnh việc chọn lựa theo lĩnh vực mà chúng ta cần, chúng ta cũng phải lựa chọn theo đối tác đầu tư, không thể để Trung Quốc đầu tư núp bóng, lấy người Việt để mua đất, mua dự án. Chúng ta biết nhưng giải pháp phòng chống, xử lí còn yếu. Vấn đề là chính phủ cần quan sát và sớm nhìn ra cái gì có thể gây tác hại trong ngắn hạn và dài hạn", ông Thắng nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, do tác động của COVID-19, các nền kinh tế đang phải tái cấu trúc lại để tăng lợi ích của mình, xu hướng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam để phát triển những ngành tạo ra giá trị gia tăng ở Việt Nam đang tăng lên. Đó là cơ hội cho Việt Nam phát triển.
![Hiện tượng NĐT nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp trong nước: Chưa phải ở mức đáng lo ngại - Ảnh 2. Hiện tượng NĐT nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp trong nước: Chưa phải ở mức đáng lo ngại - Ảnh 2.](https://cdn.vietnambiz.vn/171464876016439296/2020/5/22/ba-pham-chi-lan-15901492589852015397205.jpg)
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
Trước mắt, xuất khẩu từ Việt Nam sang liên minh châu Âu (EU) có thể bị sụt giảm, không đạt được như kì vọng được đặt ra (trước khi có dịch bệnh) mà ta trông chờ vào EVFTA, EVIPA. Thế nhưng, sự sụt giảm này chỉ trong ngắn hạn, về lâu dài sẽ tăng. Lâu nay, xuất khẩu nhiều nhưng 70% là đến từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Nói về lĩnh vực nào sẽ đón đầu cơ hội nói trên, bà Phạm Chi Lan cho hay, đã có ý kiến nêu ra là Việt Nam tiếp tục phát triển lĩnh vực như sản phẩm bảo hộ y tế (khẩu trang, đồ bảo hộ y tế, găng tay...), dược phẩm cho cả trong nước và xuất khẩu.
Nhiều nước vẫn đang lo lắng giai đoạn 2 của dịch bệnh và có thể kéo dài đến mùa hè sang năm. Nỗi lo lắng về dịch bệnh chỉ có thể chấm dứt khi có vắc-xin, và vắc-xin hoàn tất khâu thử nghiệm và tổ chức sản xuất đồng loạt cho người dân. Do đó, cần 1-2 năm nữa mới hình thành được.
Trong khoảng thời gian này, Việt Nam cũng có thể tìm tòi về sản phẩm y tế từ bản sắc riêng của Việt Nam, ví dụ từ những bài thuốc nam truyền thống, nhiều khi rất hiệu quả.
Doanh nghiệp cũng nên quan tâm đến hoạt động xuất khẩu lao động làm việc trong mảng chăm sóc người bệnh, người già cho các thị trường Nhật Bản, Đức... Đây là những sản phẩm, dịch vụ cần tiếp tục quan tâm cho xuất khẩu, song song đó vừa phát triển dịch vụ trong nước. Ngày hôm qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói, dịch bệnh vẫn phức tạp do đó, vẫn cần tăng cường năng lực y tế.
Tiếp đến là lĩnh vực lương thực thực phẩm, khi Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) vẫn lo ngại nạn đói có thể xảy ra vì dịch cúm và tình trạng biến đổi khí hậu.
"Tôi kì vọng vào việc nâng cao chuỗi giá trị ở trung hạn vì có thời gian phát triển để phát triển nội lực. Tôi mừng rằng mục tiêu phát triển nội lực đã được các vị lãnh đạo cấp cao nói nhiều và được luật hóa trong các nghị quyết và văn bản pháp luật trong thời gian vừa qua", bà Lan nói.
Nếu thu hút đầu tư FDI mà nhà đầu tư phải mang hết các thứ vào Việt Nam từ Trung Quốc thì Việt Nam cũng chưa được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Do đó, hi vọng chỉ 2-3 năm nữa Việt Nam có thể làm được điều này.