|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hiện tượng bùng nợ tràn lan khiến nhiều TCTD phải giảm cho vay tiêu dùng

08:10 | 17/11/2023
Chia sẻ
TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng tỷ lệ nợ xấu ngày càng cao đã buộc một số tổ chức tín dụng phải cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng. Ngoài những yếu tố khách quan, thực trạng này còn do khách hàng cố tình không trả nợ.

Phát biểu tại hội thảo “Thực trạng hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng (TCTD) và vấn đề thu hồi nợ hiện nay”, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, do hoạt động thu hồi nợ tiêu dùng gặp rất nhiều khó khăn nên một số TCTD đã phải cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng, tránh nợ xấu phát sinh. 

Tính đến cuối tháng 9/2023, toàn hệ thống có 84 TCTD triển khai hoạt động tín dụng tiêu dùng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 12,75 triệu tỷ đồng, trong đó tín dụng tiêu dùng của toàn hệ thống đạt khoảng 2,7 triệu  tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ nền kinh tế.

Trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tạm tính là 134.279 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ cho cho vay tiêu dùng toàn hệ thống. Ông Hùng đánh giá rằng tài chính tiêu dùng có thể được coi là kênh dẫn vốn hiệu quả đối với người dân trong xã hội.

TS Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. (Ảnh: VNBA).

Theo ông Hùng, thời gian vừa qua để giúp người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay, hạn chế tín dụng đen và phổ cập tài chính, các TCTD đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tình hình hoạt động, tăng dư nợ tín dụng, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng, cải cách thủ tục, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng mạng lưới, …

Tuy nhiên, hiện nay, tình hình kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, dẫn đến hoạt động cho vay nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng gặp nhiều thách thức với tỷ lệ tăng trưởng thấp.

Đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1,53% so với cuối năm 2022, là mức tăng rất thấp so với 5 năm qua.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng. Hiện nợ xấu chiếm khoảng gần 3,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, trong khi từ năm 2018 đến năm 2022, tỷ lệ nợ xấu chỉ khoảng 2%. Thậm chí, tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có nguy cơ tăng trên 15%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.

Tăng trưởng tín dụng tiêu dùng thấp góp phần làm tăng trưởng tín dụng chung chậm lại. 

Lý giải cho thực trạng này, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết ngoài những yếu tố khách quan, còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm, chưa có chế tài xử lý đó là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ.

Thậm chí có trường hợp khi cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền. Các hội nhóm rủ nhau “bùng nợ” tràn lan trên mạng xã hội kéo theo nhiều hệ lụy cho các TCTD nhưng không bị xử lý, ông nói thêm.

"Tất cả những điều trên làm cho hoạt động thu hồi nợ, đặc biệt là nợ tín dụng tiêu dùng của TCTD gặp rất nhiều khó khăn. Một số TCTD buộc phải chủ động cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng, tránh nợ xấu tiếp tục phát sinh", Phó Chủ tịch VNBA cho hay.

Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (Ảnh: VNBA).

Chia sẻ tại hội thảo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết trước đại dịch COVID-19, cho vay tiêu dùng tăng trưởng rất nhanh, giải quyết nhu cầu thiết thực của người dân. Kết quả hoạt động của các công ty tài chính cũng tích cực.

Ông nhận định cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng được là một lĩnh vực tiềm năng. Tại các nước phát triển, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng ở mức cao. Tại Việt Nam, khi điều kiện kinh tế, thu nhập của người dân ngày càng tăng, vượt qua ngưỡng của các nước đang phát triển thì việc vay tiêu dùng và cho vay phục vụ tiêu dùng là nhu cầu hết sức khách quan và cần thiết của xã hội.

Phó Thống đốc nhấn mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng của các TCTD được Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm, làm sao duy trì được sự tăng trưởng của TDTD, góp phần nâng cao đời sống người dân, ngăn chặn tín dụng đen, củng cố và tiếp tục nâng cao niềm tin của thị trường – người dân – người vay vốn. 

Minh Quang