|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tài chính tiêu dùng hết thời lãi lớn, loạt 'ông lớn' lỗ đậm hoặc lợi nhuận giảm gần một nửa so với cùng kỳ

14:41 | 05/09/2023
Chia sẻ
Báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2023 của các công ty tài chính tiêu dùng đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm cho toàn ngành. Trong số 7 công ty tài chính được khảo sát, không có công ty nào ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ, đồng thời có ba công ty thua lỗ trong nửa đầu năm 2023.

 Ảnh minh hoạ: Minh Quang.

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, chất lượng tài sản sụt giảm, người tiêu dùng dè dặn hơn trong chi tiêu, cũng như chịu áp lực giám sát lớn hơn từ các cơ quan chức năng, nhiều công ty tài chính đã phải thu hẹp hoạt động, đóng cửa chi nhánh hay sa thải nhân viên. 

Đồng thời, ngành tài chính tiêu dùng cũng đối mặt với thách thức từ chính người đi vay tiền, khi nhiều khách hàng "rủ nhau" bùng nợ, chây ỳ trong việc trả nợ hay thậm chí đe dọa ngược nhân viên của các công ty tài chính. 

Cụ thể, FE Credit, công ty từng được ví như "con gà đẻ trứng vàng" của VPBank đã ghi nhận khoản lỗ sau thuế lên tới 2.996 tỷ đồng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023. Cùng kỳ năm trước, công ty vẫn lãi 144 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của FE Credit đã tụt dốc kể từ khi đại dịch COVID bùng nổ. Vào năm 2019, công ty từng ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 4.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ đó tới nay, lợi nhuận của FE Credit liên tục sụt giảm và đã âm tới hơn 3.100 tỷ đồng vào năm ngoái. 

Theo các chuyên gia, tình hình kinh doanh của FE Credit xấu đi đến từ việc công ty mở rộng quá nhanh và tập trung vào cho vay tiền mặt, khiến mức độ rủi ro của công ty cao hơn nhiều so với doanh nghiệp cùng ngành. Tỷ lệ nợ xấu của FE Credit ở mức 21,8% vào cuối năm 2022, thuộc nhóm cao nhất trong ngành tài chính tiêu dùng. 

 Trong 7 công ty tài chính được khảo sát, không có công ty nào báo cáo lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ.  

Home Credit, công ty đang được ngân hàng lớn thứ hai của Thái Lan nhắm đến, với định giá có thể đạt 1 tỷ USD, báo lãi sau thuế nửa đầu năm 2023 chỉ đạt 212 tỷ USD trong khi trong năm 2022 công ty từng thu về hơn 1.189 tỷ đồng. 

Đại diện của Ngân hàng Kasikornbank (KBank) cho biết có ý định mua lại Home Credit, mức giá dự kiến có thể lên đến 1 tỷ USD. Nếu thành công, thương vụ này sẽ là có quy mô lớn thứ hai trong ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam, chỉ đứng sau thương vụ bán 1,4 tỷ USD vốn cổ phần của FE Credit cho Tập đoàn SBMC vào năm 2022. 

HD Saison, một ông lớn khác trong ngành tài chính tiêu dùng, từng thu về cả nghìn tỷ đồng lãi mỗi năm giờ đây cũng chứng kiến lợi nhuận trước thuế tụt dốc.

Cụ thể, công ty thu về 314 tỷ đồng lãi sau thuế trong nửa đầu năm 2023, giảm 48,6% so với cùng kỳ. Dư nợ của công ty giảm nhẹ so với cùng kỳ, trong khi tỷ lệ nợ xấu vào cuối tháng 6 vọt lên 7,9% - mức cao nhất kể từ 2017. 

Trong bối cảnh lợi nhuận các công ty tài chính sa sút, Mcredit - liên doanh giữa Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và Ngân hàng SBI Shinsei (Nhật Bản) đã báo lãi cao nhất, đạt 328 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, khoản lợi nhuận này vẫn giảm gần 32%. 

Công ty Tài chính CP Điện Lực (EVNFinance - Mã: EVF), báo lãi sau thuế 160 tỷ đồng trong đầu năm 2023, giảm 2,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhìn chung, lợi nhuận sau thuế của EVNFinance vẫn cao hơn so với nửa đầu năm 2021 và những năm về trước. 

Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu (nợ nhóm 3,4 và 5 chia cho tổng dư nợ) của EVFinance cũng giảm còn 11,4% vào cuối tháng 6/2023, so với mức 22,2% vào cuối năm ngoái.

Doanh nghiệp tài chính niêm yết còn lại là công ty Tài chính CP Tín Việt (VietCredit - Mã: TIN), đã không có được kết quả ổn định như EVNFinance. Nửa đầu năm 2023, VietCredit báo lỗ sau thuế 74 tỷ đồng, trong khi từng lãi 34 tỷ cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân khiến VietCredit chịu lỗ là do doanh thu từ hoạt động cấp thẻ tín dụng giảm 100 tỷ đồng, xuống chỉ còn 8,3 tỷ, trong khi đó, chi phí lãi vay mà công ty phải chịu lại tăng lên. Tỷ lệ nợ xấu của công ty cũng vọt lên 20,2% vào cuối quý II/2023, trong khi vào cuối năm ngoái, tỷ lệ này chỉ là 11,9%.

Shinhan Finance, công ty tài chính có 100% vốn nước ngoài thuộc sở hữu của Shinhan Financial Group, đã báo lỗ sau thuế 249 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Cùng kỳ năm ngoái, công ty từ lãi 93 tỷ đồng. Kể từ năm 2019, Shinhan Finance đều ghi nhận lợi nhuận trên 200 tỷ đồng. 

Trong khi mảng kinh doanh tài chính thua lỗ, Shinhan Bank ghi nhận lãi lên tới 2.400 tỷ đồng, bằng 64% lợi nhuận của của năm 2022 và gần bằng lợi nhuận của cả năm 2021. 

Những thách thức lớn với cho vay tiêu dùng

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, quy mô thị trường tài chính khó tăng nhanh trong khi chất lượng tài sản có nguy cơ sụt giảm do khách hàng là nhóm đối tượng dễ chịu tổn thương nhất trước tác động của COVID-19

Ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài như dịch bệnh, thiên tai... dẫn tới các cá nhân, hộ gia đình có tâm lý tiết kiệm, hạn chế chi tiêu, khiến cho nhu cầu vay tiêu dùng giảm trong ngắn hạn. Đồng thời, phân khúc chính của các công ty tài chính (các sản phẩm tín chấp và khách hàng có thu nhập hạn chế) là đối tượng dễ tổn thương dẫn tới năng lực trả nợ suy giảm và nguy cơ nợ xấu gia tăng.

Mặt khác, lợi nhuận của các công ty tài chính tiêu dùng dự kiến sẽ thu hẹp trước áp lực cạnh tranh gay gắt, lãi suất có xu hướng giảm (để thu hút khách hàng).

Ngoài ra, vấn đề pháp lý cũng được các công ty quan tâm do hiện tại vẫn đề này chưa được làm rõ hoàn toàn. Điều này,sẽ ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động, khả năng sinh lời của các công ty tài chính, hoạt động chính và nguồn thu quan trọng của các công ty tài chính.

Một thách thức nữa của tài chính tiêu dùng là khung pháp lý ngày càng theo hướng chặt chẽ, thận trọng hơn, có thể góp phần lành mạnh hóa thị trường TCTD, nhưng cũng sẽ có ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động, khả năng sinh lời của các công ty tài chính, hoạt động chính và nguồn thu quan trọng của các công ty tài chính.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết trong những tháng đầu năm 2023, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép gặp nhiều khó khăn, nhất là hoạt động thu nợ.

VNBA cho biết việc đòi nợ sai luật là hành vi cần lên án, công ty cho vay tiêu dùng nào vi phạm cần xử lý nghiêm, thậm chí rút giấy phép để tạo sự công bằng, minh bạch cho thị trường. Tuy nhiên, việc cơ quan chức năng kiểm tra các công ty tài chính dày đặc, được báo đài đưa tin đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh uy tín và dẫn đến hoạt động thu hồi nợ đang bị đình trệ, nợ xấu tăng cao.

Một số khách hàng cố tình vin vào những tin tức này để tẩy chay, cho rằng hoạt động thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng này là phạm pháp, chây ỳ việc trả nợ và có hành vi thách thức lại cán bộ thu hồi nợ khi bị nhắc nợ nhiều lần. Tỷ lệ khách vay không trả nợ ngày càng cao trong khi đó, chế tài với khách hàng này chưa có và việc khởi kiện lại khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp.

Theo VNBA, gần đây xảy ra hiện tượng "rủ nhau" bùng nợ từ một bộ phận khách hàng, gây những tác động xấu tới thị trường, ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu nợ của các công ty tài chính tiêu dùng.

Bên cạnh đó, nhân viên thu hồi nợ của công ty tài chính bị ảnh hưởng tâm lý về việc bị đe dọa ngược từ khách hàng, hoang mang, lo lắng vì nhiều thông tin trái chiều. Tỷ lệ nhân sự nghỉ việc cao và tuyển dụng nhân sự cũng trở nên khó khăn hơn. Việc khách hàng chậm trả nợ khiến cho các công ty phải tăng chi phí cho hoạt động nhắc nợ, đòi nợ bao gồm vận hành, nhân lực và chi phí pháp lý.

Ngoài ra, các tổ chức cho vay bắt buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu thực tế, làm ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng kinh doanh, khiến lãi suất cho vay phải điều chỉnh tăng, tác động trực tiếp đến khách hàng.

Minh Quang

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).