|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

'Cơn đau đầu' của các công ty tài chính: Khách vay tiền rồi tìm cách bùng nợ

09:45 | 29/03/2023
Chia sẻ
Thực trạng bùng nợ app cho vay online đang diễn ra ngày càng phổ biến và có xu hướng hoạt động theo hội nhóm, người này xúi người kia, chỉ dẫn nhau cách làm hồ sơ vay tiền và "khỏi trả luôn".

"Senmo: 500.000 đồng; Cây đèn thần: 500.000 đồng; Dongplus: 1 triệu đồng, Vvay: 4,8 triệu đồng...  Nghe điện thoại từ sáng tới tối...", một tài khoản Facebook có tên Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ "chiến tích" vay nợ thông qua ứng dụng cho vay online của mình. 

Tài khoản này là thành viên của một hội nhóm trên Facebook, hoạt động với phương châm bùng nợ app [ứng dụng] vay tiền online, chia sẻ cách thức đối phó cũng như quy trình làm hồ sơ như thế nào để vượt qua "ải" xét duyệt của bên cho vay.

Theo quan sát, tài khoản Nguyễn Mạnh Dũng có khoản vay ở 15 đơn vị cho vay, thấp nhất là 500.000 đồng và con số cao nhất lên tới 75 triệu đồng, tổng con số nợ đã vượt quá 100 triệu đồng. Người này cho biết không cố tình bùng nợ nhưng việc bị nhân viên xử lý nợ gây khó dễ đã đẩy bên vay chọn cách quên luôn số nợ này.

Đây chỉ là một trong hơn 61.000 thành viên đang hoạt động trong nhóm chia sẻ cách đối phó với app cho vay online. Và đây cũng không phải là hội nhóm duy nhất hoạt động trên mạng xã hội.

Chỉ cần nhập từ khóa "bùng nợ app cho vay", ngay lập tức, người dùng có thể thấy rất nhiều hội nhóm có chung lý tưởng với nhóm nêu trên xuất hiện. Nhóm đông thành viên có thể dao động từ 98-176.000 người, nhóm hoạt động lẻ tẻ thì cũng dưới 10.000 đến 30-40.000 thành viên.

Tất cả nhóm trên đều hoạt động vì mục đích chia sẻ cách thoát nợ khỏi app cho vay online và số bài đăng đều vượt hơn 10 bài đăng/ngày.

 Người dùng ẩn danh tìm cách bùng nợ app cho vay. (Ảnh chụp màn hình).

Đủ chiêu trò để bùng nợ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các hình thức vay tiền online có thể thực hiện qua app hoặc website. Những đơn vị cho vay này chỉ yêu cầu một số thông tin cơ bản như giấy tờ cá nhân, số điện thoại...

Bên cạnh đó, người vay còn phải cung cấp quyền truy cập các thông tin như danh bạ, tin nhắn, đồng bộ Google và lịch sử cuộc gọi,... Thậm chí, đường dẫn tới trang cá nhân Facebook, Zalo cùng được yêu cầu cung cấp.

Nếu người vay không thanh toán, bên cho vay sẽ tiến hành đòi nợ thông qua những thông tin mà người vay cung cấp, ví dụ gọi điện thoại cho người thân, bạn bè,... để ép người vay trả tiền. Cá biệt, một số trường hợp còn bị đe dọa, tung hình ảnh cá nhân cùng nhưng người liên quan lên các nền tảng MXH vì "xù nợ".

Tuy vậy, các hội nhóm chia sẻ "bí kíp" bùng nợ khôn thiếu bài vở để đối phó. Một số chiêu được truyền tay trong các hội nhóm này là dùng sim rác, tạo tài khoản Facebook, Zalo giả mạo, dùng giấy tờ giả, "cày" danh bạ ảo, bỏ số điện thoại cũ và thay mới,... Và có cầu thì ắt hẳn có cung, nhiều thành viên nhóm bùng nợ cũng sẵn sàng cung cấp các CMND/CCCD còn "sạch" (chưa bị dính nợ xấu - PV) cho các con nợ.

Để ngăn ngừa rủi ro "bùng nợ", bên cho vay người cũng có cách. Nhiều ứng dụng cho vay online cung cấp cho người vay các khoản vay đầu với giá trị không lớn, dao động từ 500.000 đồng tới 2 triệu. Đối phó với cách này, nhiều người vay sẽ thực hiện "nuôi" hạn mức. 

Họ sẽ vay tiền ở mức ban đầu và trả nợ đúng hạn để tạo sự tin tưởng, mục đích là nâng hạn mức cho vay lên. Quá trình này thường kéo dài vài tháng, khi hạn mức cho vay đạt mức mong muốn, người vay sẽ ra tay bùng nợ.

Vì sao người vay tiền bùng nợ?

Bên cạnh những thành viên có chủ đích là "xù nợ", nhiều người trong hội nhóm bùng nợ vay online vẫn còn tâm lý "có vay, có trả". Tuy nhiên, các khoản vay với lãi cao khiến họ khó lòng xoay sở trong khả năng tài chính. Họ tìm đến các khoản vay mới để lấy chỗ này đắp chỗ kia. Khi hết khả năng xoay tiền, họ dần dần chìm vào con đường "xù nợ".

"Mình vay app 2 năm nay, vay rồi trả, số tiền lên tới 200 triệu rồi. Giờ mình hết khả năng, cũng không có ý định bùng nhưng cứ vay rồi trả, lúc nào cũng căng như dây đàn. Mình đã trễ Tamo, Findo, Senmo trong một tuần. Sắp tới hạn Vamo, DrDong. Mình cũng có ý định không đóng nữa để từ giờ khỏi vay", một tài khoản Facebook có tên Jane Nguyễn chia sẻ trong hội bùng nợ app cho vay.

Theo khảo sát của chúng tôi, các app cho vay thường đưa ra mức lãi suất dao động từ 14-19,5%/năm và các khoản vay thường kéo dài từ 7 ngày đến 12 tháng, tùy vào hạn mức cho vay. Thậm chí, những ứng dụng này còn chấp nhận người có hồ sơ nợ xấu, nợ chú ý.

 Hàng loạt app cho vay online với thủ tục đơn giản. (Ảnh: Doanh Chính).

Một số người dùng truyền tai nhau rằng các ứng dụng này hoạt động không được cấp phép, việc đòi nợ không đúng chuẩn sẽ khiến họ gặp phiền phức. Do đó, nhóm bùng nợ liên tục "khuyên bảo" nhau rằng "hãy bùng nợ".

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tại Việt Nam hiện mới chỉ có 16 công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép hoạt động. Song, nhiều bên cho vay online thường mập mờ cách gọi là "công ty tài chính" để thực hiện hoạt động cho vay không phép, một số bên hoạt động theo hình thức "cầm đồ"...

"Muốn bùng app với công ty tài chính thì cứ mạnh dạn... Tôi vỡ nợ, bùng 20 app, 2 công ty tài chính được 2 tháng rồi", một người dùng "an ủi" người vay tiền. Người này cho biết các bên cho vay sẽ chỉ có thể làm phiền người thân, gia đình, bạn bè... trong một thời gian ngắn, không kéo dài lâu.

Doanh Chính