Hết thời đầu tư chung cư lướt sóng
Thống kê của các công ty nghiên cứu bất động sản (BĐS) cho thấy thị trường BĐS Tp.HCM và Hà Nội đều không có nhiều dự án mới, đất nền các tỉnh cũng bắt đầu bão hòa. Cách đây 1 – 2 năm, thị trường các tỉnh rất sôi động nhưng lượng giao dịch cũng giảm, từ nay đến cuối năm 2019 vẫn có xu hướng giảm.
Neo giá cao, khó thanh khoản
Đánh giá về thị trường BĐS quý III/2019, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc CTCP BĐS EZ Việt Nam, cho rằng thị trường càng ngày càng đi xuống, thậm chí quý III còn kém hơn quý II.
“Nguyên nhân là do nguồn cung gần như không có mới, bão hòa cả cung – cầu; “cung” không có nhưng “cầu” cũng kém luôn. Giai đoạn trước tiêu thụ quá nhiều, nhà đầu tư lao vào mua bán nhiều, do đó thị trường thứ cấp mua đi bán lại còn sôi động hơn cả thị trường sơ cấp”, ông Toản nói.
Cũng theo ông Toản, phân khúc giảm nhiều nhất là chung cư, trong khi nguồn cung mới không có nhiều nhưng lại neo giá rất cao. Nếu tìm chung cư giá trên dưới 20 triệu đồng/m2 là rất khó.
Chung cư quanh vành đai 3 ở Hà Nội giá trung bình đều neo ở mức 35 đến hơn 40 triệu đồng/ m2. Ông Toản cho hay, chưa bao giờ giá chung cư lại ở mức hơn 100 triệu đồng/m2 như hiện nay, trước đây cao nhất chỉ 50-60 triệu đồng/m2.
Giá chung cư cao là một trong những lý do khách mua để đầu cơ không có, mua để ở thì chỉ tìm chung cư đã đi vào sử dụng, rẻ hơn so với những chung cư mở bán mới.
Tại thị trường Tp.HCM, lượng cung rất thấp nhưng giá lại rất cao nên lượng giao dịch thấp, các chủ đầu tư lớn gần như không có sản phẩm để bán hoặc có hàng bán thì đều bán với mức giá khá cao. Đơn cử, ở quận 2 mà bán với giá 70-80 triệu đồng/m2 thì rất khó thanh khoản.
Do nguồn cung không có nhiều nên chủ đầu tư không giảm giá, chủ đầu tư hiện nay đa phần là những doanh nghiệp lớn trụ được, còn những chủ đầu tư nhỏ lẻ gần như không còn chỗ đứng trên thị trường. Hơn nữa, những “ông lớn” có tiềm lực sẽ neo những mức giá cao.
Những dự án chung cư cao cấp, trung cao cấp đều là hàng tồn kho, giao dịch đều là các sản phẩm hàng tồn kho.
Thống kê từ CTCP BĐS EZ cho thấy 90% những người đầu tư vào chung cư trong 1-2 năm vừa rồi đến thời điểm này bán ra đều lỗ.
Mua chung cư hiện chủ yếu là nhu cầu ở thực hoặc cho thuê
Nên là sản phẩm cho thuê
Ông Dương Đức Hiển, Giám đốc kinh doanh nhà ở Savills miền Bắc và miền Trung, đánh giá về câu chuyện đầu tư mua nhà lướt sóng xảy ra cách đây 10 – 15 năm trước: “Đó là giai đoạn đầu tiên của thị trường BĐS nhưng thị trường BĐS ngày nay phát triển nhanh, thị trường hình thành nhanh và giá hầu như đều có khung giá chuẩn. Việc đẩy lên giá cao chỉ xảy ra khi nguồn cung khan hiếm và lượng cầu quá cao”.
Liên quan đến việc nhà đầu tư thua lỗ, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group, cho rằng gần 10 năm trở lại đây, mua căn hộ chung cư không còn là kênh đầu tư tốt. Chung cư nên chỉ có quyền sở hữu có thời hạn, bởi bản thân nó là một sản phẩm tiêu dùng như xe ô tô.
“Chung cư chủ yếu vẫn nên là sản phẩm phục vụ nhu cầu mua để ở, hoặc mua để khai thác cho thuê, còn nếu mua để đầu tư, chờ lên giá thì rất khó”, ông Hưng nói.
Chứng minh thêm cho vấn đề này, ông Hưng chia sẻ do là sản phẩm tiêu dùng nên chung cư có yếu tố nữa là khấu hao, tỷ trọng tiền sử dụng đất đóng góp trong giá trị căn chung cư không lớn. Vì vậy, với sự khấu hao của công trình xây dựng, giá chung cư về mặt lâu dài sẽ không phải một sản phẩm đầu tư tốt.
“Tuy nhiên, đầu tư để khai thác cho thuê thì rất tốt”, ông Hưng khẳng định.
Thời kỳ đầu tư chung cư có thể bán lấy chênh lệch từ cách đây khoảng 10 năm, một số sản phẩm hiếm hoi được tăng giá vào giai đoạn từ cuối năm 2012 – 2014 khi thị trường rất xấu, sau đó sớm hồi phục trở lại, nên một số dự án như Time City, Helios Tower 75 Tam Trinh (Hoàng Mai, Hà Nội) là những dự án có thể bán chênh lệch cao.
Theo thống kê của CEN Group, tỷ lệ người mua chung cư sau đó nhận nhà và bán lại chỉ chiếm chưa đến 10%, còn lại là đa phần nhu cầu thực hoặc mua nhà cho thuê.
Đánh giá về vấn đề này, ông Phạm Đức Toản cho hay thực tế theo quy luật của thị trường BĐS đang là giai đoạn thoái trào. Hết năm 2021, thị trường mới có thể phát triển tốt, nhưng sẽ không sôi động như những năm trước.
Theo ông Toản, phân khúc chung cư đến hết năm 2020 vẫn gặp khó khăn, nguồn cung không có, người đầu tư không sẵn sàng xuống tiền khi cho rằng giá nhà còn có thể xuống nữa. Thị trường BĐS hiện nay không phải là thị trường “con bò tót” mà là thị trường “con gấu” giống như thị trường chứng khoán.
Mua chung cư của những nhà đầu tư thứ cấp bán trên thị trường thời điểm hiện nay sẽ có giá rẻ hơn là mua trực tiếp từ chủ đầu tư, bởi đa phần nhiều nhà đầu tư thứ cấp cắt lỗ.
Theo tôi, mua nhà thời điểm này không nên nóng vội, nên tìm hiểu nhiều thông tin vì cùng với một số tiền nếu tìm hiểu kỹ có thể mua được sản phẩm ưng ý hơn”, ông Toản chia sẻ.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/