Hẹp cửa lướt sóng vàng khi chênh lệch giá giãn rộng
Chiều ngày 28/2 giá vàng SJC giảm mạnh sau nhiều ngày tăng liên tiếp. Tính đến 14h25 ngày 28/12, giá vàng SJC chiều bán ra giảm 4 triệu đồng/lượng so với mức đỉnh 80 triệu đồng/lượng trong phiên sáng.
Ở chiều mua vào giảm hơn 6 triệu đồng/lượng xuống 72 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua bán nâng lên 4 triệu đồng/lượng, so mức khoảng 1 triệu đồng/lượng hồi đầu tuần.
Cuối giờ chiều, giá vàng SJC ở chiều bán ra phục hồi lên 77,5 triệu đồng/lượng trong khi chiều mua vào vẫn giữ nguyên. Điều này càng kéo rộng khoảng cách chênh lệch mua - bán lên 5 triệu đồng/lượng.
Có nên bắt đáy?
Trước tín hiệu giảm mạnh và phục hồi, nhiều người đang băn khoăn liệu đây có phải là thời điểm bắt đáy mua vào. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, người dân cần lưu ý khi thị trường vàng thời điểm này tồn tại nhiều rủi ro cho những người đầu tư ngắn hạn bởi chênh lệch giá mua - bán đang quá lớn.
Trong những đợt biến động, chênh lệch giá vàng SJC ở hai chiều mua - bán thường được nới rộng ra. Điều này nhằm đảm bảo cho các cửa hàng vàng tránh được rủi ro vì thường họ mua - bán vàng trong ngày. Nếu để qua đêm các cửa hàng sẽ chịu rủi ro nếu giá vàng đi xuống. Do đó, các nhà bán vàng sẽ phải để chênh lệch giá cao lên. Nhưng điều này đồng nghĩa rủi ro sẽ hướng vào những người mua vàng.
Lấy ví dụ ở thời điểm hiện tại, nếu nhà đầu tư mua vàng ở giá 77,5 triệu đồng/lượng, thì họ đã lỗ luôn 5 triệu đồng/lượng khi vàng mới vừa trao tay. Nhà đầu tư sẽ phải chờ một khoảng thời gian để quay trở lại điểm hoà vốn, sau đó tiếp tục chờ thêm để bắt đầu sinh lời từ kim loại quý này. Tuy nhiên, không ai có thể đoán định được thời gian chờ dài - ngắn là bao lâu, bởi còn phụ thuộc vào biến động thị trường, kinh tế vĩ mô. Chưa kể, nhà đầu tư còn mất thêm chi phí cơ hội trong ngắn hạn.
Trong điều kiện thông thường, sau một đợt tăng giá mạnh, vàng SJC sẽ điều chỉnh xuống với mức độ không quá sâu bởi nguồn cung không có nhiều. Sau đó là khoảng thời gian dài giá vàng đi ngang trong biên độ hẹp.
Thị trường chỉ biến động mạnh khi xảy ra những biến cố lớn về kinh tế - chính trị - xã hội gây ảnh hưởng sâu rộng, chẳng hạn như sự kiện căng thẳng Nga - Ukraine bùng nổ; triển vọng kinh tế thế giới suy thoái; hay mới đây nhất là kỳ vọng Fed giảm lãi suất sau thời gian dài thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư sẽ phải chờ rất lâu mới có một “con sóng” như năm nay hoặc đầu năm 2022.
Do đó, vàng không dành cho những người đầu cơ ngắn hạn mà chỉ cho những nhà đầu tư dài hạn, xem đây là một lớp tài sản phòng thủ trong danh mục. Bởi, thông thường giá vàng biến động trái chiều so với những tài sản rủi ro khác như chứng khoán, bất động sản. Khi những tài sản rủi ro giảm, sẽ có vàng bù đắp lại một phần.
Mới đây, Chính phủ cũng đã phát đi công điện yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng cường quản lý thị trường vàng nhằm ngăn ngừa tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội. Điều này đã phần nào gây áp lực giảm tức thời lên nhu cầu đầu cơ vàng.
Trên thực tế, NHNN cho biết ngay cả khi giá vàng tăng mạnh thời gian gần đây, thị trường vàng miếng SJC nhìn chung không biến động bất thường, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng khi giá vàng tăng cao như giai đoạn trước đây. Khối lượng giao dịch cả chiều mua, lẫn chiều bán vàng chỉ tăng nhẹ.
Chiều 28/12, NHNN ra thông báo sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng. Dự kiến, trong tháng 1/2024, NHNN sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.
Trước đó, Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam đã nhiều kiến nghị sửa đổi Nghị định 24 theo hướng điều chỉnh quy định về xuất nhập khẩu vàng, nhà nước không độc quyền vàng SJC. Điều này được kỳ vọng giúp nguồn cung vàng trong nước tăng lên qua đó thu hẹp chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới.