Hệ thống luyện thép 1 triệu tấn/năm của Pomina đi vào hoạt động, cổ phiếu POM tăng gấp rưỡi sau 8 phiên
Doanh nghiệp cho biết công nghệ sản xuất của Pomina hoạt động khép kín và đồng bộ từ thượng nguồn sử dụng tới hạ nguồn tại ra thép thành phẩm. Gang lỏng sau khi nấu luyện đạt chất lượng từ lò cao sẽ được chuyển sang lò điện EAF.
Công nghệ consteel sẽ loại bỏ hoàn toàn xỉ, các tạp chất, giúp làm sạch gang lỏng và được kết xuất ra từ đáy lò.
Ngoài hệ thống luyện thép vừa đưa vào vận hành thì theo báo cáo thường niên 2019, tổng công suất luyện phôi thép của Pomina là 1,5 triệu tấn/năm và công suất cán thép xây dựng là 1,1 triệu tấn/năm.
10 tháng đầu năm nay, Pomina chiếm 7% thị phần thép xây dựng, đứng sau Vina Kyoei, VNSteel và Tập đoàn Hoà Phát.
Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng 10 tháng của Pomina đạt 583.506 tấn, giảm 18% so với cùng kì năm ngoái, tồn kho thời điểm cuối tháng 10 là 44.904 tấn.
Về tình hình kinh doanh, quí III, Pomina đạt 2.235 tỉ đồng, giảm 25% so với cùng kì năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 16 tỉ đồng, cải thiện so với con số lỗ 119 tỉ đồng quí III/2019.
9 tháng đầu năm, doanh thu của Pomina đạt 7.275 tỉ đồng, giảm 20,5%. Doanh nghiệp lỗ 9 tháng gần 128 tỉ đồng nhưng đã giảm so với con số lỗ 252 tỉ đồng cùng kì năm 2019. Tại ngày 30/9, doanh nghiệp còn lỗ luỹ kế tới 137 tỉ đồng.
Cổ phiếu tăng gấp rưỡi trong 8 phiên
Kết phiên 20/11, cổ phiếu POM giảm 3,1% còn 8.250 đồng/cp sau 7 phiên tăng trần và tăng gấp rưỡi chỉ trong vòng 8 phiên.
Cổ phiếu POM tăng trần nhiều phiên trong bối cảnh nhóm cổ phiếu thép đang hút dòng tiền khi loạt cổ phiếu như HSG, HPG, NKG, VIS, TLH, VGS liên tục tăng giá thậm chí tăng trần những phiên gần đây.
Hỗ trợ giá cổ phiếu thép đến từ các thông tin tích cực của ngành thép như Trong tháng 10, sản lượng thép thô của Việt Nam tăng mạnh đạt mức cao nhất trong hai năm 2019 và 2020, tiêu thụ thép thô tăng tới 30% so với cùng kì năm trước.
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quí III của các doanh nghiệp tăng trưởng mạnh thậm chí đột biến so với cùng kì năm trước.
Ngoài ra, Tập đoàn Hoà Phát cũng vừa cho biết nhu cầu mua thép cuộn cán nóng (HRC) của khách hàng vào tháng 1/2021 cao gấp đôi sản lượng mà Hoà Phát sẵn sàng bán.
Hòa Phát ước tính chỉ có thể cung cấp ra thị trường khoảng 90.000 tấn do phải dành một phần cho sử dụng nội bộ nhưng khối lượng đơn hàng mua HRC cho tháng 1/2021 là trên 180.000 tấn.
Tương tự, Tập đoàn Hoa Sen vừa có thông báo tăng giá thứ phẩm – phụ phẩm tháng 12/2020. Theo thông báo được Hoa Sen gửi đến khách hàng, ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc cho biết tình hình giá thép cán nóng (HRC) trên thế giới tăng đột biến nên các nhà sản xuất thép cán nóng hạn chế xuất khẩu ra thế giới dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung HRC trầm trọng.
Phía Hoa Sen cho biết thêm, giá thép cán nóng (HRC) tăng lên 570 USD/tấn tại thị trường Việt Nam mà vẫn không thể mua được. Do đó, Hoa Sen sẽ tăng giá một số mặt hàng thứ phẩm, phụ phẩm so với giá trúng thầu tháng 11/2020.