|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hé mở tình hình kinh doanh ngân hàng ngoại tại Việt Nam

13:12 | 12/04/2017
Chia sẻ
Hoạt động cho vay, dịch vụ và kinh doanh ngoại hối là 3 mảng chính đóng góp vào thu nhập của ngân hàng ngoại tại Việt Nam trong năm qua.

he mo tinh hinh kinh doanh ngan hang ngoai tai viet nam

Tính đến hết năm 2016, Việt Nam có 8 ngân hàng 100% vốn nước ngoài được cấp phép hoạt động. Trong đó, ANZ Việt Nam, Hong Leong Việt Nam, HSBC Việt Nam, Shinhan Việt Nam, Standard Chartered Việt Nam vốn là những tên tuổi quen thuộc và hoạt động dưới hình thức ngân hàng 100% vốn ngoại từ gần một thập kỷ qua.

he mo tinh hinh kinh doanh ngan hang ngoai tai viet nam
Vốn điều lệ các ngân hàng 100% vốn ngoại ở Việt Nam tính đến hết năm 2016. (Biểu đồ: Tiến Vũ tổng hợp/SBV).

Tuy nhiên thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh của nhóm này khá “kín đáo”, chưa được biết đến nhiều. Theo khảo sát của người viết, hầu hết chỉ tiêu cho vay của một số ngân hàng ngoại tại Việt Nam trong năm qua tăng trưởng với mức dao động quanh 20%, ngược lại thì tiền gửi phần lớn sụt giảm.

he mo tinh hinh kinh doanh ngan hang ngoai tai viet nam
(Bảng: Tiến Vũ tổng hợp).

Trong số ngân hàng công bố kết quả kinh doanh gần đây, ANZ Việt Nam là nhà băng duy nhất sụt giảm chỉ tiêu cho vay khách hàng cũng như tiền gửi lần lượt là 14% và 8%, về 13.961 và 32.636 tỷ đồng. Theo một số nguồn tin thì ANZ có kế hoạch thu hẹp thị trường Đông Nam Á khi dự tính bán mảng bán lẻ, tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ở 4 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Giữa tháng 3 vừa qua, Thời báo Kinh tế Sài Gòn đưa tin có ba ngân hàng nước ngoài và hai ngân hàng Việt Nam đang tìm hiểu việc mua lại mảng bán lẻ của ANZ Việt Nam. Trước đó, Ngân hàng lớn nhất Singapore DBS Group đã mua lại mảng tư vấn tài chính và bán lẻ tại 5 thị trường châu Á từ ANZ, gồm Singapore, Hong Kong, Trung Quốc, Đài Loan và Indonesia.

he mo tinh hinh kinh doanh ngan hang ngoai tai viet nam Thu nhập nhân viên Ngân hàng ANZ Việt Nam đạt 70 triệu đồng/tháng
he mo tinh hinh kinh doanh ngan hang ngoai tai viet nam Năm ngân hàng muốn mua lại mảng bán lẻ của ANZ Việt Nam

Đối với Hong Leong Việt Nam, năm qua sụt giảm chỉ tiêu cho vay nhưng lại tăng lượng tiền gửi của khách hàng. Báo cáo thường niên 2016 của Ngân hàng mẹ Hong Leong Berhad (Malaysia) cho thấy dư nợ cho vay của Hong Leong Việt Nam tính đến cuối năm đạt 319,4 triệu USD, giảm 18%. Doanh thu thị trường nước ngoài (gồm Việt Nam, Sigapore, Hong Kong, Trung Quốc và Campuchia) đạt 218 triệu USD, tăng 14% so với năm 2015.

BNP Chi nhánh TP HCM mặc dù không thuộc nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam nhưng là một trong số ít ỏi ngân hàng ngoại công bố tình hình tài chính. Năm qua, cho vay khách hàng của BNP tăng đến 28%, mức cao nhất mà khảo sát cho thấy, lên 3.584 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiền gửi khách hàng lại giảm gần một nửa, còn 13.376 tỷ đồng.

Tăng trưởng cho vay của Shinhan Việt Nam khá cao với mức 23%, lên 26.833 tỷ đồng. Đáng chú ý là tiền gửi khách hàng tăng đến 55%, lên gần 42.000 tỷ đồng, vượt mặt ANZ và chỉ đứng sau HSBC. Năm 2015, Shinhan Việt Nam cũng có tăng trưởng tài sản thuộc top cao ở khu vực Đông Nam Á khi đạt trên 33%.

Kinh doanh ngoại hối thắng lớn trong năm qua

Mặt khác, khảo sát cho thấy hoạt động cho vay, dịch vụ và kinh doanh ngoại hối là 3 mảng chính đóng góp vào thu nhập của nhà băng ngoại.

Trong đó, thu nhập lãi thuần 2016 của HBSC tiếp tục dẫn đầu với hơn 2.300 tỷ đồng, tăng nhẹ 2%. Shinhan tăng trưởng nhiều nhất với 19%, đạt 1.710 tỷ đồng. Ngược lại ANZ giảm 8%, đạt 1.230 tỷ đồng.

Hoạt động dịch vụ đa số sụt giảm, trong khi kinh doanh ngoại hối thắng thế, đặc biệt là ANZ tăng đến hơn 210% khi đạt 252 tỷ đồng; HSBC là 754 tỷ đồng, tăng 66%.

he mo tinh hinh kinh doanh ngan hang ngoai tai viet nam
(Bảng: Tiến Vũ tổng hợp).

Dự phòng rủi ro thấp

Một chỉ tiêu đáng chú ý khác là dự phòng rủi ro. Nhóm nhà băng ngoại này thường có dự phòng thấp, khoảng vài chục tỷ đồng. Qua đó, kết quả kinh doanh ít bị “hao mòn” và ghi nhận mức lợi nhuận từ vài trăm cho đến hơn nghìn tỷ đồng.

he mo tinh hinh kinh doanh ngan hang ngoai tai viet nam
(Bảng: Tiến Vũ tổng hợp).

HSBC Việt Nam hiện là ngân hàng ngoại có vốn điều lệ cũng như tổng tài sản lớn nhất. Đây cũng là nhà băng có kết quả kinh doanh nổi trổi hơn các đối thủ khác. Dự phòng rủi ro năm 2016 giảm hơn 70%, góp phần mang lại lợi nhuận tăng trưởng 54%, đạt hơn 1.440 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được giảm từ 1,06% xuống còn 0,84%; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) giảm từ 20% còn 16%.

BNP gây ấn tượng không kém khi lợi nhuận đạt 229 tỷ đồng, gấp 2,8 lần năm 2015. Shinhan tăng trưởng 14% và đạt con số lợi nhuận trên nghìn tỷ. Ngược lại thì ANZ sụt giảm gần 30% lợi nhuận khi đạt 300 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1.11%.

Như đề cập ở trên, tính đến hết năm 2016, Việt Nam có 8 Ngân hàng 100% vốn nước ngoài; ngoài ra còn có 51 Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 51 Văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài và 2 Ngân hàng liên doanh.

Thống kê hoạt động các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cho biết, loại hình ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài năm qua có mức tăng trưởng tổng tài sản hơn 9,6%, lên khoảng 828 nghìn tỷ đồng. Vốn tự có tăng 11,8%, lên 131 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý là CAR đạt mức cao nhất hệ thống với 33,2%. Ngoài ra, số liệu về tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) và sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) tính đến quý III/2016 của khối nhà băng này cao hơn nhóm ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam, đạt lần lượt là 0,6% và 3,97%.

he mo tinh hinh kinh doanh ngan hang ngoai tai viet nam
ROA và ROE của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam tính đến hết quý III/2016. Đvt: %. (Nguồn: SBV).

Tiến Vũ