CEO WiGroup: Hậu quả của việc tăng lãi suất bắt đầu thẩm thấu vào các tài sản tài chính
Hậu quả của việc tăng lãi suất bắt đầu thẩm thấu vào các tài sản tài chính
Tại talkshow "Tỷ giá và lãi suất tác động đến nhóm ngành?", ông Trần Ngọc Báu,CEO WiGroup, cho biết trong giai đoạn vừa qua những hậu quả của việc tăng lãi suất hay thắt chặt trên thị trường tiền tệ bắt đầu thẩm thấu rõ ràng hơn vào các tài sản tài chính.
Ông Báu phân tích khi tài sản tài chính suy giảm, các đơn vị hay quỹ đầu tư nắm giữ nhiều tài sản tài chính hoặc ngân hàng sẽ khá nhạy cảm với những biến động này. Không phải ngẫu nhiên thị trường lại giảm khá mạnh trong thời gian gần đây, vì rõ ràng đây là giai đoạn khá căng thẳng cả trong nước lẫn quốc tế.
"Câu hỏi đặt ra là NHNN sẽ lựa chọn tỷ giá hay lãi suất?", ông đặt vấn đề.
Từ tháng 5 đến nay, NHNN đã tăng giá chào bán USD khoảng 4 lần nhưng tỷ giá vẫn biến động căng thẳng, tăng từ 22.700 lên đến 24.000 VND/USD và chưa có xu hướng hạ nhiệt. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND chỉ biến động khoảng 4,3%, còn đồng tiền của những nước khác như Nhật Bản hay các nước châu Âu đã mất giá 17-18%. Như vậy, VND vẫn tăng giá so với đồng tiền khác và chỉ mất giá so với USD.
Để ghìm tỷ giá ở mức thấp thì NHNN là người trực tiếp cung ứng USD ra thị trường. Thực tế, tỷ giá ở NHTM liên tục vượt qua tỷ giá chào bán của NHNN, đồng nghĩa với việc NHNN liên tục phải bán USD ra.
Khi NHNN bán USD ra, dự trữ ngoại hối sẽ giảm. Dự trữ ngoại hối đã giảm từ 110 tỷ USD xuống còn 87 tỷ USD. Như vậy, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã chạm tới mức cảnh báo nên rất khó để dùng dự trữ ngoại hối ghìm tỷ giá.
Dự trữ ngoại hối không thể dùng nữa, NHNN sẽ bắt buộc phải dùng công cụ tiếp theo là lãi suất. Số liệu cho thấy Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng khoảng 3% lãi suất, từ đó đến nay, Việt Nam cũng đã tăng lãi suất liên ngân hàng mặt bằng chung khoảng 1% lên 5% (tăng khoảng 4%), tức là lãi suất của Việt Nam còn tăng nhiều hơn lãi suất của Fed.
Theo dự báo từ nhiều tổ chức, Fed sẽ còn tăng lãi suất từ 1,25-1,5% nữa và tăng nhẹ trong năm 2023. Điều này đồng nghĩa trong khoảng ít nhất 6 tháng tới, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất và điều này tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá khi đồng USD mạnh lên. Và lãi suất điều hành của Việt Nam cũng sẽ tiếp tục tăng, ít nhất là nhỉnh hơn lãi suất quỹ liên bang (Fed Fund Rate).
Trong lần điều chỉnh lãi suất vừa rồi, NHNN đã tạo ra vùng lãi suất mục tiêu trong khoảng 4-5%, song lãi suất thị trường đã tăng từ tháng 6. Các NHTM thường đi vay NHNN để mang ngược trở lại cho thị trường vay vì lãi suất mà NHNN cho NHTM vay đang thấp hơn lãi suất thị trường, đây là một rủi ro mà cơ quan quản lý cần có biện pháp xử lý.
Chuyên gia cho rằng từ giờ đến cuối năm sẽ còn một lần tăng lãi suất nữa ít nhất trong quý tới. Hai nguyên nhân dẫn đến điều này là mặt bằng chung lãi suất của Việt Nam vẫn thấp hơn lãi suất của Mỹ và lãi suất chính sách đang không theo kịp lãi suất thị trường.
NHNN phải dùng song song cả dự trữ ngoại hối và tăng lãi suất để giảm áp lực lên tỷ giá
CEO WiGroup cũng cho rằng giai đoạn này NHNN đang phải dùng cả hai công cụ là dự trữ ngoại hối và tăng lãi suất để giảm áp lực lên tỷ giá, đồng thời sẵn sàng chấp nhận việc VND mất giá, ước tính thêm khoảng 1% nữa.
Số liệu do ông Báu cung cấp cho thấy cán cân tổng thể thời gian qua âm khoảng 5 tỷ USD, nếu quý III âm tiếp khoảng 5 tỷ USD, lượng ngoại tệ chạy ròng ra khỏi Việt Nam chỉ khoảng 10 tỷ USD. Trong khi NHNN đã bán ra 20 tỷ USD, tức là đang có một nhu cầu đầu cơ USD nội tại trong nền kinh tế Việt Nam chứ không hẳn nền kinh tế cần con số này.
Như vậy, sức nóng về tỷ giá nằm ở cả yếu tố về nhu cầu USD lẫn đầu cơ, NHNN cần giải quyết cả hai vấn đề này.
Chuyên gia cho rằng lãi suất có tăng cũng chỉ tăng từ 1-1,5%, tác động đến tăng trưởng kinh tế là không nhiều. Về suy giảm tài sản tài chính, áp lực của việc tăng lãi suất lên tài sản tài chính đã được phản ánh và không còn quá nhiều trong tương lai.
Nếu Việt Nam chấp nhận ghìm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế nhưng lại buông tỷ giá thì vay ngoại tệ khối tư nhân và lạm phát là các yếu tố cần quan tâm.
Theo ông Báu, vay ngoại tệ của khối tư nhân đang tăng trưởng rất mạnh trong. Dư nợ nước ngoài của khối doanh nghiệp tăng rất từ 500.000 tỷ đồng năm 2014 lên 2 triệu tỷ đồng năm 2022. So sánh với quy mô tổng cung tiền của Việt Nam, đây là con số lớn. Do đó, áp lực về tỷ giá tác động lên khối tư nhân nhiều hơn khối Chính phủ.
Giải thích về vấn đề lạm phát chưa chịu quá nhiều áp lực, chuyên gia cho rằng đồng tiền của các nước trên toàn cầu mất giá khoảng 18% so với USD, trong VND chỉ mất khoản 4%. Điều này hỗ trợ rất nhiều cho giá nguyên liệu nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, thậm chí tạo ưu thế cho Việt Nam.
Song, một số quốc gia đã đến giai đoạn phản ánh đầy đủ tác động của tỷ giá và có biện pháp can thiệp, trong khi đó nếu mà chúng ta buông tỷ giá sẽ gây áp lực lạm phát.
Nhiều tổ chức dự báo áp lực lạm phát của năm 2023 sẽ nhiều hơn 2022, nhưng không đến từ yếu tố giá xăng dầu mà là giá nhà, giá điện, vật liệu xây dựng và giá thịt lợn. Do đó, việc nhích nhẹ mặt bằng lãi suất sẽ giảm bớt kỳ vọng trong chi tiêu của người dân lại.
Thứ ba, dòng vốn ngoại đang khá nhạy cảm với vấn đề tỷ giá, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Việt Nam nếu phát đi tín hiệu ra thị trường là không kiểm soát tỷ giá, áp lực về dòng vốn ngoạii trong ba tháng tới còn mạnh hơn nữa.
Ông Báu cho rằng NHNN có thể chấp nhận cho VND mất giá, nhưng vẫn phát tín hiệu cho thị trường là sẽ kiểm soát tỷ giá bằng dự trữ ngoại hối và nâng lãi suất.