Hầu hết các hãng bán lẻ Indonesia muốn mở rộng kinh doanh sang Việt Nam
Đây là khẳng định của Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Indonesia, ông Roy Nicholas Mandey, đưa ra mới đây.
Phát biểu với báo giới, ông Roy kêu gọi Chính phủ Indonesia ủng hộ nỗ lực của các hãng bán lẻ nước này mở rộng kinh doanh ra nước ngoài thông qua việc sửa đổi hoặc nới lỏng các quy định liên quan, cũng như đẩy mạnh đàm phán với chính phủ các nước liên quan để xin cấp phép hoạt động cho các nhà bán lẻ.
Ông Roy cho rằng, nếu không có các nỗ lực đàm phán này, các nhà bán lẻ hiện đại của Indonesia sẽ phải suy nghĩ rất kỹ trước khi bắt tay mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài.
Chủ tịch Aprindo nhấn mạnh: "Đối với ngành kinh doanh bán lẻ hiện đại, các trung tâm hậu cần rất cần thiết cho việc phân phối hàng hóa, không chỉ ở khâu bốc dỡ hàng hóa từ Indonesia tại cảng địa phương trước khi vận chuyển tới các trung tâm hậu cần.
Điều này phải được tạo điều kiện thuận lợi, phải được trao đổi qua kênh chính phủ. Nếu tự tìm hiểu rồi tự đàm phán, chắc chắn đó không phải là cách thức tối ưu".
Theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, trong năm 2018, tăng trưởng doanh số bán hàng tiêu dùng đối với các nhu yếu phẩm hằng ngày (hàng tiêu dùng nhanh/FCMG) tại Việt Nam tăng 13% so với năm 2017. Trong khi đó, số lượng cửa hàng bán lẻ và cửa hàng tiện lợi cũng tăng 45,5%, với 1.812 cơ sở.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết số lượng người trung lưu ở Việt Nam trong năm 2018 đạt 11,64 triệu người, tương đương 13% dân số. Con số này sẽ tăng lên 26% vào năm 2026.
Hiện 2 nhà bán lẻ Indonesia đã có mặt tại Việt Nam, gồm công ty PT Perintis Plenary Services với các chuỗi cửa hàng dược phẩm Century Health tại Thành phố Hồ Chí Minh và công ty PT Mitra Adiperkasa (MAP) Tbk với các thương hiệu nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực thời trang, thực phẩm và đồ uống như Burger King, Debenhams, H&M, Reebok, Stradivarius và Zara.