|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hành trình từ cậu bé bán kem đến ‘Vua chanh leo đất Việt'

11:12 | 21/06/2018
Chia sẻ
Trước khi trở thành ông chủ thương hiệu chanh leo cô đặc nổi tiếng, doanh nhân Nguyễn Mạnh Hùng từng bán kem và nông sản, buôn gỗ và xe máy.
 

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch NaFoods Group, đang theo đuổi tham vọng biến chanh leo trở thành niềm tự hào của Việt Nam tương tự như vị trí quả kiwi với đất nước New Zealand. Hiện nay, sản phẩm chanh leo cô đặc NaFoods chiếm 8% thị phần toàn thế giới và đứng đầu thị trường châu Á.

Đằng sau thành công, tham vọng vươn tầm thế giới là cả quá trình vượt bao khó khăn tưởng chừng không thể trụ vững của người được mệnh danh “ông vua chanh leo đất Việt”. Xuất hiện trên chương trình Quốc gia khởi nghiệp phát sóng ngày 15/6, ông đã chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp đầy gian truân từ khi ông còn nhỏ.

hanh trinh tu cau be ban kem den vua chanh leo dat viet
Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hùng trong chương trình Quốc gia khởi nghiệp.

Mê kinh doanh, cậu học sinh cấp hai từng bán nhiều mặt hàng. Đối với ông Hùng, tự kiếm tiền là niềm vui rất lớn trong thời thơ ấu. Ông bán kem, buôn hàng nông sản như khoai tây, tỏi từ Lào về Việt Nam. Vốn nhiều hơn, ông kinh doanh gỗ, xe máy.

“Những ngày mưa, chưa bán hết kem, tôi tìm cách đổi kem lấy một thứ bất kỳ trong nhà của trẻ con xung quanh. Hàng đổi về, tôi đem bán, không bán thì biếu người khác. Phương pháp này giúp tôi luôn bán hết sản phẩm và nhạy bén với nhu cầu thị trường”, ông Hùng kể lại.

Tích lũy kiến thức, mối quan hệ, tiền vốn qua thời gian dài buôn bán nhỏ, năm 1990, ông quyết định thành lập nhà máy nước giải khát Festi. Nhưng 10 năm sau đó, thương hiệu này không thể duy trì trước sự cạnh tranh của Pepsi, Coca Cola.

Sau thất bại trong lĩnh vực nước giải khát, ông chuyển hướng làm nông nghiệp khi thành lập với việc thành lập Công ty cổ phần NaFoods Group. Doanh nghiệp bắt đầu với sản phẩm dứa cô đặc. Không thể chủ động vùng nguyên liệu, công việc sản xuất rất bấp bênh.

“Cây dứa thu hoạch từ tháng 5 tới tháng 8. Vào mùa dứa, công suất nhà máy chạy tối đa 250 tấn một ngày. Nhiều hôm, sản lượng về 500 tấn, tôi đành bỏ một nửa dứa dư thừa. Ngược lại, giai đoạn ngoài vụ mùa, nhà máy thiếu nguyên liệu trầm trọng. Thêm vào đó, khủng hoảng kinh tế thế giới ập xuống, giá dứa từ 1750 USD/tấn xuống còn 650 USD/tấn”, ông Hùng kể.

Cầm cự hoạt động kinh doanh 8 năm, NaFoods ôm khoản nợ 100 tỷ đồng. Ông Hùng cho rằng, thất bại công ty là không nghiên cứu kỹ thị trường, không chủ động vùng nguyên liệu, và dứa nước ta không có lợi thế cạnh tranh bằng dứa Thái Lan, Philippines từ giống đến quy mô sản xuất.

hanh trinh tu cau be ban kem den vua chanh leo dat viet
Ông Nguyễn Mạnh Hùng và MC Ngô Phương Lan trong Quốc gia khởi nghiệp.

“Trong 8 năm khủng hoảng, rất nhiều lần tôi muốn từ bỏ hết mọi thứ”, ông Hùng thổ lộ. Những nhân viên kiên quyết theo ông dù 8 tháng không lương đã tiếp thêm động lực cho ông. Muốn vực dậy sau vấp ngã, ông đi tìm một loại cây có lợi thế cạnh tranh. Chanh leo tím là lời giải đáp cho bài toán ấy.

Là giống cây ra quả nhanh, sau 3 tháng, ông Hùng đã biết chất lượng, trọng lượng, năng suất chanh leo. Ông tìm thấy hướng đi mới cho NaFoods và nhanh chóng dẫn đầu thị trường châu Á với sản phẩm chanh leo cô đặc.

Ngoài xuất khẩu sản phẩm thô, NaFoods dự định sản xuất thực phẩm chức năng, những sản phẩm từ chế phẩm nông nghiệp. Để thực hiện kế hoạch, Viện Nghiên cứu và phát triển NaFoods đang hướng tới loại quả nhiều dinh dưỡng, phù hợp thổ nhưỡng, khi hậu Việt Nam như mãng cầu xiêm, vải, sơri.

Trải qua nhiều vấp ngã trong kinh doanh, ông chủ NaFoods chia sẻ, với ông, đam mê và mục tiêu lớn hiện tại là phát triển chuỗi nông nghiệp bền vững đến mắt xích cuối cùng bằng những sản phẩm có hàm lượng giá trị cao, góp phần thay đổi nền tảng nông nghiệp Việt Nam.

Bùi Mến